Tiêu điểm:

Trung Quốc từ “nước lớn” đến “nạn nhân” trong tranh chấp Biển Đông

Thứ Ba, 25/08/2015 10:48  | Anh Duy

|

(CATP) Những động thái bồi đắp các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo cùng với việc xây các công trình từ hải đăng đến đường băng sân bay trên Biển Đông của Trung Quốc cho thấy tham vọng “khẳng định chủ quyền” phi pháp của nước này không bao giờ dứt.

Mới đây ngày 21-8, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo cho biết Trung Quốc đã bồi đắp, cải tạo 1174 hecta ở quần đảo Trường Sa-Việt Nam, tăng 50% kể từ tháng 5-2015. Báo cáo này trái với những gì Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng tuyên bố bên lề Diễn đàn An ninh Đông Á (ARF) ở Malaysia vào ngày 6-8: “ Trung Quốc đã ngừng bồi đắp, xây đảo nhân tạo trên Biển Đông”. 

TƯ TƯỞNG “NƯỚC LỚN”

Động thái “ nói một đằng, làm một nẻo” của Bắc Kinh sau khi vấp phải phản đối từ dư luận quốc tế cho thấy nước này đã ngấm ngầm thực hiện tiếp hành động bồi đắp sai trái của mình. Với việc đẩy nhanh chiến thuật từ từ chiếm trọn Biển Đông (tằm ăn dâu) bằng cách tăng tốc độ bồi đắp, cải tạo các bãi đá ngầm, Bắc Kinh muốn đưa các nước có tranh chấp vào “thế đã rồi”, để khi các nước này phản đối thì đảo đã xây xong, đường băng sân bay đã có.

Cách đây một tháng, khi trao đổi với các phóng viên Việt Nam bên lề Hội thảo quốc tế về biển Đông tổ chức ngày 25-7 tại dinh Thống Nhất (Q.1-TP.HCM), Phó đô đốc Anup Singh- nguyên Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân miền Đông Ấn Độ lo ngại : “Trung Quốc có thể dùng đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự”.

Theo đô đốc Anup Singh: “ Hiện nay, Trung Quốc sử dụng các đội tàu hải giám để tuần tiễu quanh các vùng họ tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển Đông. Tuy nhiên, nếu có biến động Bắc Kinh có thể nhanh chóng sử dụng các khu đảo nhân tạo này làm căn cứ quân sự, tàu hải giám có thể được thay bằng tàu quân sự”. 

"Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ"   

- Phát biểu của cựu ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội năm 2010-

Cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì - Ảnh: Reuters

Đây cũng là lo ngại chung của nhiều chuyên gia quốc tế khi theo dõi tình hình Biển Đông thời gian qua. Tờ The Diplomat (Nhật) hôm 17-8 dẫn nhận định của Scott Devary- chuyên gia về Trung Quốc cho rằng quy mô của hoạt động bồi đắp, cải tạo trên Biển Đông là ẩn dụ hoàn hảo cho tư tưởng “nước lớn” trong chính sách ngoại giao hiện nay của Bắc Kinh : “ chúng ta là nước lớn, chúng ta có khả năng, chúng ta có thể và sẽ xây dựng bất cứ thứ gì chúng ta muốn (bất chấp phản ứng quốc tế)”.

Greg Torode- một tác giả khác bình luận trên Reuters: “ một số chuyên gia tin rằng tốc độ cải tạo đất của Trung Quốc gia tăng lên ở quần đảo Trường Sa-Việt Nam cho thấy Trung Quốc đang cố củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình ở Biển Đông khi họ thấy Philippines đã nộp đơn khiếu nại lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague”.

Bắc Kinh đẩy nhanh tốc độ lấn chiếm Biển Đông nhằm thực hiện chiêu tiên hạ thủ vi cường (ra tay trước cho chắc ăn), đưa các bên tranh chấp vào “thế đã rồi”. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đã “quên” họ đang sống trong một xã hội văn minh, nơi mọi hành động trên biển đều được quy định bằng luật pháp quốc tế, cụ thể là công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Sự “chắc ăn”, “phần thắng” ở đây không phải nằm ở việc ai xây trước và xây gì trên biển mà nằm ở việc xây dựng đó có hợp pháp hay không. 

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bồi đắp, cải tạo trái phép trên đá Vành Khăn- quần đảo Trường Sa (Việt Nam) - Ảnh: CSIS

Trong cuốn On China ( Tạm dịch: Bàn về Trung Quốc), cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng chỉ ra rằng tư tưởng “nước lớn” của Trung Quốc có gốc rễ từ truyền thống văn hóa của các vương triều hoàng đế Trung Hoa. Theo đó, họ luôn xem mình là “trung tâm” của trời đất và các nền văn minh. Các nước láng giềng nhỏ hơn phải thuần phục trong quyền bá chủ của nó.

Bước sang thời hiện đại khi một thế giới “phẳng”, toàn cầu hóa kết nối các quốc gia lại với nhau. Khi những quan hệ tranh chấp được phân xử bằng luật pháp quốc tế thì tư tưởng “trung tâm” vũ trụ, “nước lớn”-“nước bé” của Trung Quốc là căn nguyên chính gây ra xung đột và dẫn đến thái độ “nước đôi” của Trung Quốc.

Kissinger trong cuốn On China cũng chỉ ra rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố tìm lại vị thế nổi bật của đất nước trong phạm vi toàn cầu, xem đó là một điều tất yếu của lịch sử. Điều này thể hiện qua việc Trung Quốc thời gian qua đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng về kinh tế, tăng sức mạnh quân sự để khẳng định vị thế “nước lớn”, vị thế “trung tâm” của mình. Trong đó, các động thái bồi lấp, tôn tạo trên Biển Đông là ví dụ điển hình cho việc họ tìm đường ra biển.

THÁI ĐỘ “NƯỚC ĐÔI”

Tác giả Scott Devary viết trên The Diplomat rằng Trung Quốc đã dùng công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) làm công cụ diễn giải cho mục đích đòi hỏi chủ quyền của mình. “Một mặt Trung Quốc dùng các điều khoản của UNCLOS cho tuyên bố chủ quyền của mình. Mặt khác, Trung Quốc lại phủ nhận các điều khoản của UNCLOS đối với các tuyên bố chủ quyền của họ liên quan đến khoảng cách và yếu tố lịch sử”.

Thái độ “nước đôi” này thể hiện qua phát biểu bên lề Diễn đàn An ninh Đông Á (ARF) hôm 6-8 của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Reuters dẫn lời ông Nghị tố cáo: “Nhật Bản đang tiếp tục xây dựng, mở rộng thềm lục địa của bãi đá ngầm Okinotori (Trung Quốc gọi là bãi đá ngầm Xung Chi Điểu) để thực thi yêu sách lãnh thổ của mình”.

Trung Quốc trước đó đã từ chối công nhận tuyên bố của Tokyo về vùng đặc quyền kinh tế xung quanh Okinotori. Bắc Kinh cho rằng Okinotori là bãi đá ngầm, theo Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) thì không được tính thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Vịn vào Okinotori, ông Vương Nghị lên giọng chỉ trích Nhật Bản trong hội nghị ARF : “Trước khi chỉ trích người khác, Tokyo cần xem lại lời nói và hành vi của mình”.

Thế nhưng tại Biển Đông, khi tôn tạo, bồi đắp tại quần đảo Trường Sa-Việt Nam hòng tuyên bố chủ quyền phi pháp, Bắc Kinh không đếm xỉa gì đến việc nơi đây toàn là các bãi đá ngầm chìm dưới biển.

UNCLOS quy định các nước chỉ có thể xác lập vùng an toàn xung quanh các đảo nhân tạo trong phạm vi 500 mét nên yêu sách xây đảo tạo vùng lãnh hải của Bắc Kinh trên biển Đông là vi phạm nghiêm trọng UNCLOS mà nước này là bên kí kết. 

“Trung Quốc thật sự là nạn nhân ở Biển Đông” 

-Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại ARF 2015-

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: Reuters

Còn nhớ hôm 6-8, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Vương Nghị tuyên bố tại Hội nghị ARF: “Trung Quốc thật sự là nạn nhân ở Biển Đông”- ông Nghị tuyên bố kèm theo “dẫn chứng” là sự “chiếm đóng” một số đảo “của Bắc Kinh” bởi một số bên, bao gồm Philippines.

Cộng đồng quốc tế vẫn nhớ như in, khi các quan chức ASEAN chỉ trích Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông tại tại Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2010 ở Hà Nội- cựu ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì từng lớn lối rằng: “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ”.

Từ tuyên bố “là nước lớn” rồi trở thành “nạn nhân” qua phát biểu của hai đời ngoại trưởng Trung Quốc cùng thái độ “nước đôi” coi thường luật pháp quốc tế cho thấy sự trơ trẽn của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Bình luận (0)

Lên đầu trang