(CATP) Sau nhiều tháng đồn đoán, cuối cùng Trung Quốc đã công bố rằng, họ bắt đầu lắp ráp Jiaolong AG600 - thủy phi cơ lớn nhất thế giới. Theo International Business Times, chiếc máy bay lưỡng cư đầu tiên này hiện đang được lắp ráp tại một cơ sở ở Zhuhai, tỉnh Quảng Đông.
Công đoạn lắp ráp cuối cùng dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay, với chuyến bay thử nghiệm đầu tiên sẽ diễn ra vào giữa năm tới.
Diplomat dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết, một đơn đặt hàng trong nước đã đặt sản xuất 17 máy bay. Các nhà quan sát cho rằng, với khả năng hạ cánh và cất cánh trên mặt nước, AG600 có thể thuận lợi hơn cho Bắc Kinh trong việc đưa ra những yêu sách của mình trên Biển Đông.
Hồi tháng tư năm nay, một nhà phân tích quốc phòng đã nói: “Những máy bay lưỡng cư giống như AG600 sẽ là phương tiện hoàn hảo, để tái tiếp tế cho các đảo nhân tạo mới mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông. Đồng thời, những đảo này sẽ là những căn cứ tuyệt vời cho các hoạt động tuần tra hàng hải của AG600...”.
Máy bay mới được cho là có khả năng thực hiện đa dạng nhiệm vụ quân sự
Nhưng, một quan chức trong ngành hàng không Trung Quốc nhấn mạnh rằng, loại máy bay này cũng định xuất khẩu. Theo Qu Jingwen, tổng giám đốc tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc: “Ngay từ đầu, AG600 đã được thiết kế cho thị trường toàn cầu. Chúng tôi tự tin vào triển vọng thị trường vì các thông số kỹ thuật tổng thể của nó, chẳng hạn như tầm bay và trọng lượng cất cánh tối đa, đều tốt hơn những thủy phi cơ khác trên thế giới”.
Thiết kế trưởng của máy bay, Huang Lingcai, thì quảng cáo rằng máy bay có khả năng đóng một vai trò trong các hoạt động cứu hộ hàng hải.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích không chắc về tiềm năng xuất khẩu của máy bay cũng như mục đích sử dụng cho công tác cứu hộ của nó. Sam Bateman, cố vấn cho chương trình An ninh hàng hải tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore, nhấn mạnh điều đó với Diplomat: “Vì chương trình này khó có thể biện minh cho nhu cầu dân sự, lời giải thích khả dĩ nhất là nó có một tầm quan trọng đáng kể cho quân sự”.
Một ý kiến khác cho rằng, loại máy bay như vậy gần như không có khả năng được triển khai cho các hoạt động cứu hộ ở vùng biển khơi vì sóng cao và luồng nước mạnh. Nó sẽ chỉ có nhiều khả năng sử dụng như máy bay vận tải quân sự hoặc dân sự trong các vùng nước nông.
Theo cách hiểu đó, nó thích hợp nhất cho việc bố trí xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng một số đảo đá và xây dựng trái phép nhiều đảo nhân tạo trong một chương trình bồi đắp khổng lồ gây căng thẳng khu vực và khiến dư luận thế giới bất bình.