Quan hệ Cuba - Mỹ: Còn nhiều trăn trở sau 'cái bắt tay'

Thứ Năm, 23/07/2015 16:40  | Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường

|

(CATP) Các nhà quan sát quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ hẳn sẽ hiểu được ý nghĩa, cũng như những trắc trở đối với giới chính trị và ngoại giao Mỹ - Cuba sau thời điểm có ý nghĩa tượng trưng mở lại đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước sau 54 năm tuyệt giao giữa hai nước láng giềng.

Có ba lý do để Tổng thống Obama tiến hành bình thường hóa quan hệ với Cuba. Thứ nhất và quan trọng nhất liên quan đến tái bố trí chiến lược toàn cầu của Mỹ. Vai trò chủ đạo của Mỹ đối với khu vực Mỹ Latinh đang suy giảm đáng kể. Đa phần các chính phủ Mỹ Latinh hiện nay đều đi theo xu hướng hướng cánh tả. Đối với họ, Cuba vẫn có uy tín cao ở Mỹ Latinh và vấn đề Cuba là cốt lõi.

Tổng thống Obama xác định: “Sự thay đổi chính sách đối với Cuba đúng vào thời điểm chúng ta gây dựng lại vai trò lãnh đạo ở châu Mỹ”. Đặc điểm chính sách đối ngoại của chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai là can dự ra bên ngoài một cách có chọn lọc hoặc thực hiện “lãnh đạo từ phía sau”. Đồng thời, chính quyền Obama đề xướng chính sách “ngoại giao xanh” nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng phương nam. Cải thiện quan hệ với Mỹ Latinh trực tiếp đem lại lợi ích kinh tế cho Mỹ.

Lễ thượng cờ Cuba tại Đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ ngày 20-7

Điều này trở nên cần thiết khi “sân sau” của Mỹ đang bị các thế lực mạnh xâm nhập. Vào lúc quan hệ Mỹ - Nga xấu đi một cách nhanh chóng do vấn đề Ukraine, Nga có chiều hướng khôi phục quan hệ với các đối thủ của Mỹ, trong đó có Cuba, Nicaragua, Venezuela. Phần lớn các nước đều có quan hệ thân thiết với Nga thời Xô Viết.

Nhưng đáng kể nhất vẫn là Trung Quốc. Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện tại châu Mỹ không chỉ nhằm phục vụ những lợi ích kinh tế, mà còn với ý thức trả đũa việc Mỹ xoay trục sang châu Á, và như ý kiến của giới học giả Bắc Kinh, thâm nhập vào “sân sau của Trung Quốc”, đặc biệt là Đông Nam Á. Trong một số trường hợp, Bắc Kinh phối hợp với Mátxcơva để thiết lập chỗ đứng của mình ở Tây Bán Cầu.

Thứ hai, Tổng thống Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình. Trong nhiều chương trình nghị sự, đảng Dân chủ đã quay lưng lại với tổng thống của đảng Dân chủ. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 sắp đến gần, chính quyền Obama thực sự khó có thể đóng góp nhiều trong các công việc nội bộ của Mỹ. Bình thường hóa quan hệ với Cuba sẽ giúp ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 giành được các lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Mỹ Latinh ở những bang rất then chốt.

Bà Clinton, ứng cử viên của đảng Dân chủ đã lên tiếng ủng hộ quyết định của ông Obama bình thường hóa quan hệ với Cuba. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, gia đình Clinton ủng hộ rất nhiệt tình ông Obama 2012 hẳn đã có các sắp xếp để hỗ trợ cuộc tranh cử của bà Clinton năm 2016.

Thứ ba, cải thiện quan hệ với Cuba thể hiện sắc thái chính trị của cá nhân Tổng thống Obama. Đàm phán với Iran, hòa giải với Cuba có lẽ là các di sản chính trị lớn nhất của Barack Obama.

Về phía Cuba, trong lịch sử hiện đại, không có quốc gia nào hơn nước này kiên trì cuộc đọ sức với Mỹ. Fidel Castro, nhà lãnh đạo cách mạng Cuba, là con người huyền thoại đã “đọ gươm” với 8 đời tổng thống Mỹ. Nhưng Cuba cũng phải trả giá.

Lợi ích lớn nhất của Cuba trong bình thường hóa quan hệ với Mỹ là ổn định môi trường quốc tế để phục vụ phát triển đất nước. Kể từ khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế Cuba đã chịu đòn đả kích nặng nề. Từ năm 1990 - 1993, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Cuba giảm 35%. Những năm gần đây, chính phủ Cuba thực hiện một số biện pháp cải cách kinh tế thận trọng, nhưng hiệu quả mang lại thấp.

Theo các đánh giá khách quan, lệnh trừng phạt của Mỹ là nhân tố lớn nhất khiến nền kinh tế Cuba lạc hậu. Con thuyền cải cách kinh tế Cuba vẫn cần những ngọn gió mới. Hơn một nửa kim ngạch xuất nhập khẩu của Cuba là với các nước Nam Mỹ, nhưng các thị trường này hiện nay đang giảm sút do tác động của khủng hoảng toàn cầu. Ba nền kinh tế Bắc Mỹ sẽ tạo những dư địa lớn cho kinh tế đối ngoại của Cuba. Ngành du lịch của Cuba sẽ thăng hoa, vì hòn đảo Caribe vốn là địa điểm ưa thích của du khách Mỹ.

Quan hệ hai nước vẫn đối mặt với nhiều trở ngại. Trong quỹ đạo bình thường hóa vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại và bất đồng. Chủ tịch Raul Castro nhận thức rất rõ về vấn đề này, nói rằng “chẳng ai muốn ôm ảo tưởng, chúng ta (Mỹ - Cuba) vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng, đây là sự thật”.

Trong tuyên bố về bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ngày 1-7, Cuba đưa ra 4 vấn đề: (i) Mỹ hủy bỏ phong tỏa kinh tế, thương mại đối với Cuba; (ii) Mỹ phải trả lại căn cứ hải quân Guantanamo; (iii) Mỹ phải bồi thường những tổn thất do lệnh phong tỏa gây ra; (iv) Ngừng tuyên truyền chống Cuba trên đài phát thanh và đài truyền hình ở bán đảo Florida.

Các vấn đề này khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn. Thậm chí có vấn đề như bồi thường tổn thất sẽ không thể giải quyết. Nhưng trở ngại lớn nhất vẫn sẽ là lệnh phong tỏa kinh tế của Mỹ; đảng Cộng hòa hiển nhiên sẽ không phối hợp cùng chính quyền Obama.

Đúng như bình luận của tờ El Pais Tây Ban Nha, sự bắt đầu của thời đại mới giữa hai nước chắc chắn là một quá trình đầy rẫy tính không xác định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang