(CAO) Tại Pháp hiện nay, chương trình bậc tiểu học (l'école primaire) gồm có 5 lớp như sau: CP và CE 1 (sơ đẳng), CE2, CM1 và CM2 (phổ thông). Một niên học bậc tiểu học gồm có 36 tuần lễ, và một tuần lễ có tối đa 24 giờ học tập. Các cháu vào lớp CP sau khi đã qua lớp mẫu giáo ( maternelle).
Trẻ nhỏ đi học lớp mẫu giáo từ khi 3 tuổi. Các cháu có thể học một năm hay hai năm mầu giáo.
Các lớp mẫu giáo có chương trình 5 điểm như sau: Ngôn ngữ (dạy khả năng nói, hiểu, trao đổi và viết các mẫu tự), phát huy khả năng thể chất và mỹ thuật, phát huy khả năng tổng hợp và lý luận, khám phá thế giới về vũ trụ không gian, loài người, loài vật và sử dụng các công nghệ thông tin.
Học sinh có thể bắt đầu vào các lớp tiểu học khi được 5 tuổi. Sau 5 năm ở bậc tiểu học, các cháu vào bậc trung học vào khoảng 10, hay 11 tuổi. Các năm học đều bắt đầu vào mùa thu, tháng chín, sau kỳ nghỉ hè lớn trong hai tháng 7 và 8.
Ở cấp sơ đẳng, học sinh học đọc và viết tiếng Pháp, học về số học và những bài toán đơn giản, học thể dục thể thao, học mỹ thuật, học một sinh ngữ (tiếng Anh hay tiếng Đức) và khám phá thế giới.
Ở cấp phổ thông, học sinh học viết và nói tiếng Pháp cho đúng văn phạm, học toán và hình học, khoa học thực nghiệm và kỹ thuật, lịch sử, địa lý, công dân giáo dục và đạo đức, nghệ thuật và mỹ thuật, công nghệ kỹ thuật thông tin và vi tính.
Các cháu học sinh tiểu học ở Pháp rất ngoan, rất có kỷ luật và tôn trọng thầy cô. Đây là một tiết mục học mỹ thuật, thế nào là một tấm tranh sơn dầu ? và giải thích về các dụng cụ vẽ của một họa sĩ.
Mười phút trước khi vào học, thì trách nhiệm của cha mẹ được chuyển thành trách nhiệm của nhà trường và thầy cô. Thầy cô phải kiểm soát ngay sự vắng mặt của học sinh, thông báo cho ban giám đốc, để thông báo lại ngay cho cha mẹ học sinh. Nếu học sinh vắng mặt vì một bệnh truyền nhiễm thì phải có giấy chứng nhận khỏi bệnh của bác sĩ khi trở lại trường.
Trong suốt thời gian học tập thì mọi trách nhiệm về an ninh trật tự, sức khỏe của học sinh đều do nhà trường và thầy cô nhận lãnh. Trách nhiệm này bao gồm trong lớp học, khi di chuyển, trong sân trường và mọi hoạt động ngoài khuôn viên của trường.
Khi học trò ra về, thầy cô phải giám sát là các cháu từng người trở về với cha mẹ, hay người thân có giấy phép, đến đón, tức là trách nhiệm của nhà trường chuyển giao lại cho trách nhiệm của cha mẹ.
Cô giáo đang hướng dẫn các em học sinh tiểu học phân biệt các mầu sắc chính và vẽ mầu sắc của cầu vồng theo thứ tự hiện ra trong ánh sáng, trong một lớp học.
Ở cấp bậc tiểu học nhà trường không tổ chức đại diện lớp (lớp trưởng hay trưởng lớp) mà trách nhiệm về sự học hành, sự tham dự của các cháu trong lớp học hoàn toàn tùy thuộc vào cha mẹ. Mỗi học sinh có hai quyển sổ, một quyển là dùng để trao đổi thông tin giữa nhà trường và cha mẹ (viết tay), và một quyển đánh giá sức học và phẩm hạnh, cá tính của học sinh.
Bậc mẫu giáo và tiểu học quan trọng trong việc mài giũa cá tính trong đời sống tập thể, làm cho trẻ nhỏ học sự xác định chỗ đứng của mình trong một cộng đồng xã hội, kết bạn, giảm đánh nhau, xung đột vì ghen tị, được gia đình quá nuông chiều…
Ngoài ra, thường xuyên có những trao đổi trực tiếp giữa thầy cô và cha mẹ, và những buổi họp định kỳ giữa cha mẹ với ban giám hiệu của trường. Không ít khi nhà trường đã phát hiện ra những thảm cảnh gia đình vì ly dị, thiếu thốn vật chất, hành hung đánh đập trẻ…
Trong các vùng quê ít dân cư, thường có hiện tượng là thiếu học sinh, nên thầy cô thường dạy hai lớp trong cùng một lớp học. Khi phân nửa này học, thì phân nửa kia làm bài tập trong im lặng. Sự kiện này, khiến cho những học sinh ham học, hiếu kỳ, tiến rất nhanh vì các cháu chú ý đến những bài học mới của phân nửa lớp trên.
Thế hệ sinh ra từ thập niên 1950 tại Việt Nam còn biết đến sự kiện thành lập "trưởng lớp" trong cấp bậc tiểu học. Thời ấy, trưởng lớp có nhiệm vụ tạo sức ép để giữ gìn trật tự trong lớp học, lo cho các bạn cùng lớp xếp hàng ngay ngắn, quan sát và mách thầy cô khi các bạn đánh nhau trong giờ ra chơi...
Yêu cầu có trưởng lớp không xuất phát vì "lý tưởng dân chủ" trong trường tiểu học, mà vì lý do thực tế giúp thầy cô giữ gìn trật tự trong lớp học và trong sân trường. Quan niệm phải có trưởng lớp xuất phát từ vấn đề lịch sử của nền giáo dục bảo hộ thời Pháp thuộc, mà cha mẹ xem như đã chối bỏ trách nhiệm uốn nắn con em của mình, giao phó hết cho trường học, thầy cô, nên thầy cô có quyền đánh đập học sinh, phạt quỳ gối ngoài nắng, bắt học sinh đeo bảng hạ nhục trên cổ như "tôi không thuộc bài"…
Tại Pháp, thầy cô không có quyền đánh đập, trừng phạt về thân thể hay về tinh thần đối với học sinh, đó là phạm vi hình sự trước pháp luật.