(CATP) Thái Lan đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảy tỉnh, đẩy nhiều nông dân rơi vào gánh nặng nợ nần. Nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho thủ đô Bangkok có nguy cơ cạn kiệt nên tuần trước, chính phủ đã yêu cầu người dân sử dụng nước tiết kiệm.
Cục Tưới tiêu hoàng gia Thái Lan cho biết, lượng nước dự trữ ở các đập chứa nước ngoại trừ phía tây Thái Lan đã giảm mạnh.
Trong một nỗ lực hạn chế sử dụng nước cho nông nghiệp để bảo đảm nguồn cung nước sinh hoạt hằng ngày, ngày 15-7 vừa qua, Cục Tưới tiêu hoàng gia Thái Lan đã đóng 300 cửa cống ở các vùng đồng bằng miền trung. Binh sĩ đã được điều động tham gia công tác giám sát các hoạt động bơm nước.
Nông dân Thái Lan thường gieo trồng lúa vào tháng 6 hoặc tháng 7 nhưng trước tình hình thiếu hụt nước trầm trọng, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã yêu cầu nông dân hoãn gieo trồng cho đến tháng 8.
Một nông dân ở tỉnh Ayutthaya (Thái Lan) buồn bã vì đồng lúa của ông cháy khô sau khi chính phủ yêu cầu nông dân không được trổ nước để tưới tiêu
Theo Văn phòng Kinh tế nông nghiệp Thái Lan, sự trì hoãn này có thể gây thiệt hại cho nông dân Thái Lan khoảng 1,8 tỷ USD. Trước đó, Văn phòng Kinh tế nông nghiệp cho biết, do hạn hán kéo dài, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp nửa đầu năm 2015 giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, hơn 10 triệu tấn gạo được xuất mỗi năm nhưng trước tình hình hạn hán, chính phủ nước này đã dự báo lượng xuất khẩu gạo trong năm nay giảm khoảng 2 triệu tấn.
Báo The Nation (Thái Lan) ngày 20-7-2015 nhận định, khi lưu vực sông Chao Phraya cạn nước phục vụ cho nông nghiệp, người nông dân trồng lúa cũng cạn tiền.
Không có nước, nông dân không thể làm gì cả và để mặc các cánh đồng khô héo. Không có vụ mùa, họ sẽ mất nguồn thu nhập chính. Vì vậy, nhiều nông dân sẽ phải tìm đến bọn cho vay nặng lãi để vay tiền trang trải chi phí sinh hoạt gia đình và học phí cho con cái. Điều này có nghĩa là cuộc khủng hoảng hạn hán càng lâu, nông dân càng lún sâu vào nợ nần.
Theo các kịch bản thời tiết ảm đạm, hạn hán có thể kéo dài sang năm. Chủ tịch Mạng lưới nông dân Thái Lan Rawee Rungruang cho biết tình cảnh của nông dân ngày càng tồi tệ hơn.
Bộ Nội vụ Thái Lan cho biết hơn 1,6 triệu nông dân đang nợ tổng cộng 388 tỷ baht. Trung bình, mỗi nông dân Thái Lan đang gánh khoản nợ khoảng 230.000 baht (146 triệu đồng Việt Nam).
Đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã phải chỉ đạo các ngành chức năng giám sát chặt chẽ các khoản nợ không chính thức (các khoản vay nặng lãi) của nông dân vì lo ngại gánh nặng nợ sẽ tăng vọt trong bối cảnh hạn hán kéo dài và kinh tế đất nước còn yếu.
Để cứu vãn tình thế, ngày 13-7, Ngân hàng Nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp của Thái Lan (trực thuộc Bộ Tài chính) đã nhất trí khoản vay 60 tỷ baht (hơn 38.000 tỷ đồng Việt Nam) dành cho những nông dân bị hạn hán ảnh hưởng.
Ngày 19-7, Bộ trưởng Nông nghiệp và hợp tác xã Pitipong Phuengboon Na Ayudhaya cho biết, khoảng 224.000 hécta đồng lúa ở 22 tỉnh đang thiếu nước trầm trọng. Ông nói bộ sẽ tiến hành khảo sát để đánh giá mức độ rủi ro thiệt hại ở các vùng trồng lúa để từ đó đưa ra các biện pháp thích hợp hỗ trợ nông dân.