(CAO) Tuần trước, các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) nâng khả năng xảy ra hiện tượng El Niño trong năm nay lên đến 85%.
Đây là một dấu hiệu báo động tới các chính phủ trên khắp thế giới phải bắt đầu chuẩn bị đối phó với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này. Đông Nam Á -khu vực nhiệt đới phụ thuộc nặng vào các vụ mùa nông nghiệp, từ lâu được cảnh báo sẽ dễ bị ảnh hưởng nhất.
El Niño là một hiện tượng thời tiết lặp lại theo chu kỳ, khi vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây của Nam Mỹ ấm trên mức cao hơn dự kiến. Sự thay đổi có vẻ "dễ chịu" này lại có ảnh hưởng đến toàn cầu.
Thời tiết khô hạn nguy cơ gây thiếu lương thực hàng loạt
Những người trưởng thành ở Đông Nam Á chắc khó quên hiện tượng El Niño dữ dội xảy ra lần gần đây nhất vào giữa năm 1997-1998. Khi đó, được tiếp sức bởi mùa mưa thiếu nước ở nhiều nơi, các đám cháy rừng tại Indonesia đã đốt cháy khoảng 5 triệu hecta, tạo ra đám khói bao trùm trên một khu vực rộng lớn. Các đám cháy rừng lan quá nhanh đến nỗi chúng tác động đến bức xạ mặt trời khắp toàn cầu, và gây ra ảnh hưởng có thể đo lường được lên nhiệt độ trái đất.
Diplomat dẫn lời Robert Field, một nhà khoa học tại Đại học Columbia nghiên cứu về cháy rừng ở Indonesia cho biết: “giai đoạn 1997-1998 là đợt El Niño xảy ra một lần trong 50 năm, lớn chưa từng có tiền lệ.”
Thời tiết khô hạn cũng gây thiếu lương thực hàng loạt ở Indonesia do mùa màng thất bát, khiến chính phủ phải nhập số lượng gạo lớn chưa từng có. Ký ức về thảm hoạ đó, cùng với thực tế rằng nhiều quốc gia ở châu Á đang tăng trưởng yếu, dẫn đến lo sợ nếu không chuẩn bị đúng cách để đối phó với El Niño, kinh tế toàn khu vực có thể bị ảnh hưởng đáng kể.
Như thế nào là chuẩn bị đúng cách?
Nếu một số vụ mùa thất bát là không thể tránh khỏi thì phá rừng bằng cách đốt rừng để lấy đất canh tác lại hoàn toàn do con người gây ra. Từ năm 1998 nạn phá rừng thực tế đã tăng lên ở đảo Borneo và Sumatra của Indonesia, đặc biệt ở tỉnh Riau. Phá rừng cùng với El Niño sắp xảy ra sẽ là sự kết hợp cực kỳ khắc nghiệt, và các đám cháy rừng thậm chí sẽ còn lớn hơn trong những năm 1998.
Các chuyên gia cho rằng, hành động cần phải thực hiện lúc này là chấm dứt ngay lập tức việc phát quang rừng bằng cách đốt lửa, có các biện pháp mở rộng kênh rạch, tăng cường độ ẩm ở đầm lầy và giảm thiểu những đám cháy ở các vùng đất đã bị suy thoái.
Giống như biến đổi đổi khí hậu, hiện tượng El Niño rất khó sự báo. Nhưng đối với Đông Nam Á, việc chuẩn bị không hề thừa cho dù nhiệt độ bề mặt Thái Bình Dương có thay đổi hay không - bởi vì dù El Niño hay biến đổi khí hậu, nếu không có hành động mạnh mẽ, điều chắc chắn là những khu rừng đa dạng sinh thái của Indonesia và những nước khác trong khu vực sẽ tiếp tục cháy.