Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trên Biển Đông tác động nghiêm trọng đến môi trường

Thứ Tư, 29/07/2015 12:06  | Anh Duy (ghi)

|

(CAO) Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Văn Vân (Trưởng khoa Khoa Luật thương mại - Đại học Luật TP.HCM) và TS. Phạm Văn Võ (Phó Trưởng khoa Luật thương mại - Đại học luật TP.HCM) trong trả lời phỏng vấn Báo CATP. 

- Phóng viên: Dưới khía cạnh pháp lý, ông  đánh giá thế nào về việc Trung Quốc ban hành các lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông, đặc biệt ở vùng biển Trường Sa với danh nghĩa bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản trong khu vực? 

+ PGS.TS Nguyễn Văn Vân: Lý do bảo vệ môi trường biển, bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản là vỏ bọc đưa ra nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế. Mục đích thực sự của các lệnh cấm này không phải như vậy mà nhằm để Bắc Kinh hợp pháp hóa các tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của mình.

Minh chứng rõ nhất là việc chính phủ Trung Quốc tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo, phá hủy các bãi san hô, hủy diệt môi trường sinh sống của các đàn cá và sinh vật biển.

Nếu Trung Quốc thực sự có ý định bảo vệ các nguồn lợi tài nguyên sinh vật biển thì trước hết phải tuân thủ các quy định của Công ước 1982 về Luật Biển, DOC. Ngoài ra, Trung Quốc phải cùng các quốc gia trong khu vực tiến hành đàm phán để đi đến các thỏa thuận đa phương hướng đến mục tiêu bảo vệ các nguồn lợi thủy hải sản. Đó mới là hành động có trách nhiệm và đúng luật pháp quốc tế.

Mọi lệnh cấm đơn phương, đặc biệt khi đằng sau các lệnh cấm đó là các mưu đồ khác, đều không có giá trị thi hành.

PGS.TS Nguyễn Văn Vân

- Phóng viên: Chuỗi hành động của Trung Quốc, từ việc đơn phương ban hành lệnh cấm ngư dân khai thác thủy hải sản đến việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và xây dựng các đảo nhân tạo ở vùng biển Trường Sa của Việt Nam ảnh hưởng thế nào đến hoạt động nghề cá của ngư dân Việt Nam?

+ PGS.TS Nguyễn Văn Vân: Dưới phương diện kinh tế biển, cụ thể là nghề cá thì ngư dân Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề từ việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và ban hành các lệnh cấm ngư dân Việt Nam hành nghề đánh bắt cá. Việc này đe dọa trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người dân đang sống dựa vào vùng biển này.

Trước hết, tôi muốn khẳng định mặc dù toàn bộ các lệnh cấm hay các hoạt động nói trên là trái pháp luật quốc tế và không phù hợp những nguyên tắc ứng xử chung nhưng chúng được “bảo trợ” bằng vũ lực và thực thi bởi các cơ quan hành pháp Trung Quốc.

Tình trạng rượt đuổi, bắt bớ, tịch thu ngư cụ, tàu thuyền của ngư dân diễn ra với mật độ ngày càng dày đặc làm thiệt hại vật chất cho ngư dân, tạo tâm lý hoang mang, chán nản, tất yếu dẫn đến việc ngư dân Việt Nam từ bỏ ngư trường của mình.

Các nhà nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã chứng minh và cảnh báo về ảnh hưởng của việc đảo hóa đến môi trường sinh tồn, phát triển các nguồn lợi thủy hải sản, đa dạng sinh học và sẽ để lại những thảm họa cho môi trường và kinh tế biển của các quốc gia trong khu vực.

- Phóng viên: Cho đến nay, Trung Quốc luôn tuyên bố việc họ xây dựng đảo nhân tạo là đã được nghiên cứu, khảo sát kỹ về tác động môi trường. Ông có bình luận gì về tuyên bố này?

+ TS.Phạm Văn Võ : Liên quan đến việc xây dựng đảo nhân tạo nói riêng và tranh chấp trên Biển Đông nói chung, Trung Quốc luôn đưa ra những tuyên bố không đúng thực tế. Tác động đến môi trường do hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc là rất nghiêm trọng và đã được chứng minh qua ảnh vệ tinh cũng như đánh giá của nhiều nhà khoa học quốc tế.  

TS. Phạm Văn Võ - Ảnh nhân vật cung cấp

- Phóng viên: Dưới pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc (UNCLOS), ông đánh giá thế nào việc Trung Quốc phá hủy các rạn san hô để xây dựng đảo nhân tạo?

+ TS.Phạm Văn Võ: Hành vi tàn phá môi trường để xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc không chỉ vi phạm Điều 192 của UNCLOS về nghĩa vụ chung trong bảo vệ môi trường biển và một số quy định cụ thể về bảo vệ môi trường biển được quy định tại phần XII của Công ước này mà còn vi phạm Điều 3 và Điều 14 của Công ước Washington DC về đa dạng sinh học.

- Phóng viên: Theo ông, đâu là giải pháp để ngăn chặn hành vi tàn phá môi trường biển của Trung Quốc bằng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo?

+ TS. Phạm Văn Võ: Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi vi phạm chủ quyền và hành vi tàn phá môi trường bằng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo.

Các quốc gia trong khu vực, cộng đồng và các tổ chức quốc tế cần tiếp tục phản ứng, yêu cầu Trung Quốc cung cấp những thông tin cụ thể, khách quan về tác động môi trường của hoạt động này theo đúng quy định của UNCLOS, Công ước về đa dạng sinh học 1992 và tại Điều 6 của DOC. 

Trung Quốc đang tiến hành xây đường băng dài 3km trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) - Ảnh: Hình vệ tinh của Digital Globe

Nếu Trung Quốc tiếp tục bất chấp để xây đảo nhân tạo, các nước có liên quan cần yêu cầu cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền đưa ra các biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn những tổn hại nghiêm trọng cho môi trường biển, theo Điều 290 của UNCLOS. 

Clip công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma - quần đảo Trường Sa (Việt Nam):

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang