(CATP) Bất chấp những phản đối tăng lên từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động ngang ngược ngày càng nguy hiểm trên biển Đông.
Việc xây dựng đảo nhân tạo trên những bãi đá và rạn san hô ngầm trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là minh chứng hữu hình, mạnh mẽ nhất của những gì mà nhiều nhà quan sát gọi là tính quyết đoán tăng lên của Trung Quốc trên biển Đông. Một câu hỏi lớn đang được mổ xẻ: bản chất của hành động này là gì?
Hiện có ba giả thuyết. Quan điểm đầu tiên cho rằng, hành động của Bắc Kinh hoàn toàn là nhằm để tự vệ. Chen Dingding, trợ lý giáo sư về Quản lý Chính phủ và Cộng đồng của Đại học Macau có bài viết đăng trên báo National Interest của Mỹ, nói hành động của Bắc Kinh đơn thuần là nhằm phản ứng với các động thái từ những nước khác.
Những hành động quá đáng của Trung Quốc ở biển Đông có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạm trán Mỹ - Trung
Dingding cho rằng, nói các hoạt động của Trung Quốc đe dọa đến tự do hàng hải và dòng chảy quốc tế là không chính xác. Ông này lý giải nếu Trung Quốc cản trở giao thương hàng hải quốc tế trên biển Đông, cũng đồng nghĩa là họ tự sát, vì bản thân Trung Quốc phụ thuộc vào sự an toàn và ổn định trong khu vực.
Dingding cũng đưa ra quan điểm rằng Trung Quốc không thể tiến hành các hoạt động quân sự mạnh từ các đảo nhân tạo, ngay cả khi chúng được hoàn tất. Lý do là vì kết cấu vật lý của những đảo này quá mong manh, nên không thể duy trì các hoạt động quân sự đáng kể. Bất quá, chúng sẽ được sử dụng như các trạm tiếp hậu cần và thu thập thông tin.
Giả thuyết thứ hai là Trung Quốc có ý định tăng cường khả năng kiểm soát các lãnh thổ chiếm đóng trái phép và chuẩn bị trước những động thái chính sách cho hoạt động này, nhưng lại sợ bị coi là “khiêu khích”. Vì vậy, Bắc Kinh đợi cho một đối thủ hành động trước để lấy cớ trả đũa một cách không cân xứng và được trù tính trước.
Giả thuyết thứ ba là Trung Quốc đang thực hiện âm mưu bành trướng, nhằm biến biển Đông thành của riêng mình. Hy vọng đạt được mục tiêu của mình với sự cạnh tranh tối thiểu, chính sách của Bắc Kinh là củng cố dần vị thế của mình trong nhiều năm, với mục đích là buộc các đối thủ phải phục tùng yêu cầu của Trung Quốc về đàm phán song phương (vốn dĩ có lợi cho riêng Trung Quốc). Theo giả thuyết này, Bắc Kinh sẽ theo đuổi kế hoạch riêng của mình nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng có lợi cho Trung Quốc.
Thực tế, các hành động bồi đắp đất, tôn tạo đảo trên biển Đông của Trung Quốc không phải là duy trì hiện trạng, mà là thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Chính sách của Trung Quốc ngày càng lộ rõ tư tưởng “bành trướng từ từ”.
Đưa ra những phân tích trên đây, nhà nghiên cứu cao cấp Denny Roy tại Trung tâm Đông - Tây cho rằng, các hành động của Trung Quốc đã đi quá xa nếu có thể gọi đó là phản ứng với những hành động của các nước khác. Theo Roy giả thuyết thứ ba dường như là đáng tin cậy nhất.
Denny Roy cho rằng, việc thụ động trong đương đầu với những yêu sách tăng lên từ Trung Quốc có thể làm tăng, chứ không giảm những nguy cơ đối đầu quân sự. Ông nói nếu các quốc gia ven biển Đông không chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc trên các biên giới hàng hải của họ và Mỹ phản đối quyền uy gác cổng của Trung Quốc trên khu vực hiện được coi là vùng biển và không phận quốc tế, thì những nước này nên ngay lập tức tỏ rõ thái độ phản đối kiên quyết của mình đối với các chính sách từ Bắc Kinh dẫn đến những kết quả không mong muốn. Trì hoãn sẽ chỉ càng làm cho Trung Quốc tin rằng, không có sự chống đối đáng kể nào phía trước, và sẽ cho phép Bắc Kinh củng cố hơn nữa vị trí của mình.
Trong bài viết của mình đăng trên báo Diplomat hôm 5-6-2015, Roy kết luận rằng lợi ích của nhiều chính phủ châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng, nếu biển Đông trở thành “ao nhà” của Trung Quốc.