Khi Trung Quốc ngoan cố xây dựng trên biển Đông

Thứ Năm, 11/06/2015 09:54  | Thanh Phong

|

(CATP) Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 9-6-2015 đưa ra một báo cáo an ninh nói rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng đảo trái phép trên các vùng lãnh hải tranh chấp ở biển Đông, nhưng một cuộc xung đột lớn trong khu vực tranh chấp khó xảy ra.

Báo cáo nội bộ từ Hội đồng tư vấn an ninh nước ngoài (OSAC) được Free Beacon trích dẫn nói: “Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng các lãnh thổ tranh chấp ở biển Đông. Không giống như tàu cá, tàu tuần tra, đầu tư cơ sở hạ tầng, việc bồi đắp đất và xây dựng đường băng cũng như ngọn hải đăng như vậy báo hiệu một sự hiện diện lâu dài hơn”. Kết luận của báo cáo cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng đảo và quân sự hóa biển Đông, ngược hoàn toàn với thông điệp được gởi từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter vào tuần trước.

Trong một số phát biểu và bình luận suốt chuyến thăm châu Á, ông Carter kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay việc bồi đắp đất. Tính tới nay, Trung Quốc đã tạo ra nhiều đảo mới rộng khoảng 2.000 mẫu Anh, và xây dựng các cơ sở quân sự cũng như triển khai hệ thống vũ khí tới những đảo nhân tạo này.

Tàu tuần duyên và trực thăng Đài Loan diễn tập trên biển Đông cách cảng Kaohsiung khoảng 4 hải lý hôm 6-6-2015

Phát biểu trước báo giới Việt Nam hôm 1-6 vừa qua, ông Carter nói Mỹ muốn “chấm dứt vĩnh viễn việc cải tạo đất và quân sự hóa” trên biển Đông. Ông nhấn mạnh: “Mỹ phản đối hành động quân sự hóa và tạo căng thẳng ở biển Đông”. Ông Carter cũng cho biết Trung Quốc không thể buộc được các tàu và máy bay quân sự của Mỹ ngừng tiến hành các chuyến thăm dò trên biển Đông.

Báo cáo của OSAC dự đoán rằng, chiến tranh giữa Trung Quốc và các bên liên quan xuất phát từ những tranh chấp trong khu vực gần như khó có thể xảy ra, nhưng cảnh báo nhiều hiểm nguy khác ở mức thấp hơn có thể dẫn tới các xung đột hoặc sự cố quân sự.

Đánh giá về sự căng thẳng trên biển Đông trong báo cáo nội bộ Văn phòng An ninh ngoại giao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhằm giúp đỡ các công ty Mỹ đang hoạt động trong khu vực. Báo cáo cũng tìm cách giúp các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực đối phó với tác động của những tranh chấp có thể leo thang trên biển Đông.

Căng thẳng trên biển Đông gia tăng xuất phát từ hành động ngày càng ngang ngược của Bắc Kinh. Trung Quốc ra yêu sách chủ quyền tới 90% biển Đông, trong đó bao trọn cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các nước và vùng lãnh thổ khác cũng đang có tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông gồm cả Philippines, Malaysia và Đài Loan.

Báo cáo đưa ra nguy cơ lớn có thể dẫn tới leo thang căng thẳng hoặc xung đột trong khu vực, từ những va chạm ngẫu nhiên hay tính toán sai lầm. Báo cáo viết: “Tuy nhiên, lịch sử cho thấy sau một loạt những cuộc đấu khẩu và đe dọa, những cái đầu lạnh thường thắng thế”.

OSAC nhấn mạnh “một cuộc chiến trên biển rất khó xảy ra, khi không bên liên quan nào hay các đồng minh của họ được lợi từ một cuộc xung đột kéo dài”. Tùy chọn chiến tranh trên biển, là một trong một số kịch bản được đưa ra trong báo cáo dài chín trang về những hậu quả có thể xảy ra. Tình trạng bất ổn dân sự cũng là một trong những mối quan ngại xuất phát từ tranh chấp biển đảo, vì nó “gây ra những gián đoạn ngắn hạn đối với các hoạt động kinh doanh, những cuộc biểu tình quy mô lớn và náo loạn”.

Báo cáo dự đoán các vụ xâm nhập mạng cũng có thể tăng lên. Kịch bản khả thi nhất trong vùng biển tranh chấp là các đợt triển khai quân sự và phản đối ngoại giao tăng lên. John Tkacik, cựu chuyên gia về Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng có khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng tuần duyên và hải quân của mình, để ngăn các nước khác trong khu vực xây dựng hoặc thăm dò dầu khí trên biển Đông.

Bình luận (0)

Lên đầu trang