(CAO) Dưới tựa đề “Kẻ thù yêu quý nhất của chúng ta” trên tờ Republica, nước Ý đã đón tiếp Tổng thống Nga trong tình thân hữu truyền thống, bất kể cuộc khủng hoảng ở Ukraina, trong bối cảnh triển lãm thế giới ở vùng Milan, hôm nay (10-6-2015).
Trong chuyến công du này, Tổng thống Putin gặp gỡ Thủ tướng Ý Renzi và đức Giáo hoàng tại Vatican, Rome.
Mỗi năm hàng triệu du khách Nga đã đem lại cho nước này một nguồn thu nhập lớn, dù rằng chi phí dịch vụ tại đây thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Dân Nga thực sự có cảm tình với quốc gia từng khơi nguồn cho phong trào Phục hưng của châu Âu. Tổng thống Nga cũng không ngoại lệ.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ý Matteo Renzi
Cuối tuần qua, Tổng thống Putin đã tuyên bố trên tờ Corriere della Sera là “Không một ai phải sợ nước Nga cả. Chỉ có những kẻ bệnh hoạn hay hoang tưởng mới có thể tưởng tượng ra một ngày nào đó nước Nga sẽ tấn công khối NATO. Nếu không cũng vì một động cơ cá nhân không lành mạnh, họ muốn tạo ra một sự lo sợ đó”.
Trong khi Thủ tướng Canada đòi tuyệt giao vĩnh viễn với nước Nga tại các hội nghị thượng đỉnh thế giới G7 thì Thủ tướng Ý Matteo Renzi đề nghị không nên như vậy. Ông Renzi cho rằng: “Đối với chúng tôi, đó là một vấn đề căn bản, chúng ta nên tìm cách đưa nước Nga vào trách nhiệm của mình trong sự hòa hợp với thế giới, không chỉ riêng trong vấn đề Ukraina. Tôi nghĩ Nga sẽ góp tiếng nói tích cực cho những diễn biến của thế giới".
Tháng 3-2015, Thủ tướng Renzi đã thảo luận với ông Putin về vấn đề khủng hoảng tại Libya. Đây là một nỗi lo lớn của Ý vì hàng tuần, có cả ngàn người di tản từ Libya cập bến Sicile ở phía nam, tổng cộng có đến nửa triệu người di tản đến Ý. Không có tiếng nói của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì không thể giải quyết được tình trạng ở Libya.
Trong khuôn khổ cấm vận phong tỏa nước Nga của khối NATO thì nước Ý bị đụng chạm nặng nề, nền kinh tế Ý bị suy giảm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu, đặc biệt là cá sản phẩm nông nghiệp.
Tổng thống Nga đã gặp đức Giáo hoàng François vào năm 2013
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý, ông Paolo Gentiloni, cũng đề nghị cần có thái độ phù hợp trong cách đánh giá vấn đề Ukraina, không nên để ảnh hưởng đến một cuộc đối thoại với nước Nga trên mọi vấn đề. Ngoài ra, các quan hệ kinh tế nằm ngoài những biện pháp trừng phạt, phong tỏa “không nên bị kìm hãm lại”.
Trong buổi gặp gỡ đức Giáo hoàng François chiều cùng ngày, Tổng thống Putin đã trình bày cặn kẽ quan điểm của Nga trong vấn đề Ukraina. Trước đó, đức Giáo hoàng đã kêu gọi giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở tôn trọng các quyền lợi dân tộc và quốc tế, không thiên vị bên nào. Uy tín chính trị của đức Giáo hoàng mang lại niềm tin tưởng đối với Moscow.