Nhật cảnh báo kế hoạch quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc

Thứ Hai, 03/08/2015 16:36  | Minh Phương

|

(CATP) Nếu Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo cho mục đích quân sự, toàn bộ Biển Đông có thể “bị kiểm soát bởi phạm vi ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc”, tư lệnh các Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF), Đô đốc Tomohisa Takei cảnh báo như vậy trong một bài phát biểu tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế ở Washington tuần qua.

Trong khi kêu gọi tăng cường sự hợp tác hàng hải trong khu vực, Đô đốc Takei nhấn mạnh rằng, nhiều vấn đề bất đồng giữa các nước phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, luật pháp và các chuẩn mực quốc tế. Ông lưu ý: “Nếu một nước phớt lờ điều này và áp đặt lối diễn giải riêng của mình về luật pháp quốc tế đối với các nước láng giềng, đối với tự do hàng hải có thể dẫn tới hậu quả bị đe dọa và xảy ra sự cố không mong đợi”.

Trao đổi về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, ông tránh câu hỏi của phóng viên về khả năng Mỹ và Nhật tiến hành tuần tra hải quân chung trên Biển Đông trong tương lai gần. Tuy nhiên, ông giữ nguyên lập luận cứng rắn rằng “sự hiện diện của Mỹ là cần thiết trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần vì hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Biển Đông sẽ vẫn là “vùng biển mở và tự do”.

Những hình ảnh vệ tinh mới cho thấy dường như Trung Quốc đang xây dựng một đường băng lớn ở Đá Subi

Thú vị là gần như cùng lúc khi Đô đốc Takei có bài phát biểu ở Washington, Bộ Quốc phòng Nhật cũng công bố trên website của mình một phân tích ngắn về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông và phác thảo những hậu quả quân sự từ việc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép này của Bắc Kinh.

Diplomat dẫn một đoạn trong tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nhật nêu: “Việc xây dựng các bến cảng có kích thước đủ cho tàu cập bến, tiếp tế và bảo trì sẽ giúp Trung Quốc có khả năng duy trì sự hiện diện mạnh mẽ hơn nữa của lực lượng thi hành luật hàng hải và của hải quân trên toàn Biển Đông”.

Cùng với báo cáo từ Bộ Quốc phòng Nhật, nhiều hình ảnh vệ tinh mới chụp về Đá Subi trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh chuẩn bị địa hình cho khả năng xây dựng một đường băng.

Một dải rạn san hô đã bị Trung Quốc lấp đầy cát đủ để hình thành một đường băng dài hơn 3km. Với chiều rộng khoảng 250 mét, đoạn hạ tầng này cũng có thể đủ cho một đường băng kèm một đường lăn song song giống như những gì Trung Quốc xây dựng gần đây ở Đá Chữ Thập, cũng thuộc quần đảo Trường Sa.

Tổng cộng đường băng và đường lăn trên Đá Chữ Thập rộng khoảng 125 mét, với chiều rộng của đường lăn khoảng 54 mét.(Đường băng chính tại Căn cứ không quân Andersen chứa máy bay ném bom B-52 trên đảo Guam dài 3.414 mét và rộng 61 mét).

Theo Diplomat, khoảng 48 cần cẩu lớn sử dụng các kỹ thuật nạo vét và nén đất đang hoạt động trong khu vực có khả năng sẽ là sân bay. Đội xe tải để vận chuyển bêtông trên Đá Subi cũng được tăng từ 20 chiếc theo một hình ảnh vệ tinh chụp từ ngày 5-6-2015 giờ lên 34 chiếc, có lẽ để chuẩn bị cho việc bố trí một đường băng bê-tông.

Theo các hình ảnh vệ tinh, việc nạo vét ở Đá Subi cơ bản đã dừng lại. Hai tàu hút bùn vẫn được nhìn thấy, nhưng chỉ có một tàu còn kết nối với một ống dẫn bùn và có thể không còn hoạt động; ngược lại, hình chụp hôm 5-6-2015 thấy có 14 tàu hút bùn đang hiện diện. Tuy nhiên, vào ngày 18-7, có 54 tàu tiếp tế lớn được nhìn thấy tại Đá Subi, tăng từ 38 chiếc chụp thấy hôm 5-6, báo hiệu việc tăng cường xây dựng khi các hoạt động bồi đắp đất đã chấm dứt.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình lên án “những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế”. Ông nói: “Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang