(CATP) Khi đăng đàn phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ) vao hôm nay 28-9-2015, tổng thống Nga Putin sẽ có cơ hội bảo vệ lập trường của Điện Kremlin trong việc ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Đài truyền hình NBC News (Mỹ) nhận định Nga có nhiều lý do đằng sau các động thái tăng cường viện trợ nhân đạo và quân sự cho Syria trong thời gian gần đây, nhằm củng cố vị thế của ông Assad trong cuộc chiến chống phe nổi dậy và tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Dù IS không phải mối đe dọa trực tiếp đối với Nga, tuy nhiên Cơ quan An ninh Liên bang Nga ước tính có khoảng 2.400 công dân Nga đang chiến đấu cho IS tại Iraq, Syria và phần lớn họ là phiến quân Hồi giáo đến từ Cộng hòa Chechnya thuộc Liên bang Nga. Chuyên gia nghiên cứu Trung Đông Georgy Engelgardt cho rằng, phong trào nổi loạn của các phần tử Hồi giáo đòi ly khai ở Chechnya đang tạm lắng, nhưng có thể bùng phát trở lại nếu các phiến quân này trở về quê hương.
Tổng thống Syria Bashar Al-Assad (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow năm 2006
Mặt khác, Moscow không tin tưởng Mỹ và các đồng minh của nước này trong vấn đề ứng phó với các phần tử Hồi giáo cực đoan, mà cho rằng các cuộc chiến do Mỹ phát động nhằm lật đổ chính quyền trước đây ở Iraq, Afghanistan, Libya chỉ làm gia tăng bất ổn và thổi bùng chủ nghĩa cực đoan ở Trung Đông. Vì thế việc duy trì chế độ cầm quyền của ông Assad sẽ tốt hơn là để IS một ngày nào đó thống lĩnh Syria.
Chuyên gia Vladimir Akhmedov thuộc Viện Khoa học xã hội Nga ghi nhận Syria là đồng minh lâu đời và mạnh mẽ nhất của Nga ở Trung Đông. Nga đã trang bị vũ khí cho quân đội Syria, đồng thời huấn luyện 35.000 sĩ quan nước này trong nhiều năm qua. Các nước lớn khác trong khu vực như Saudi Arabia đều là đồng minh của Mỹ đồng thời là đối thủ cạnh tranh với Nga trên thị trường dầu khí.
Hơn nữa, căn cứ quân sự duy nhất của Nga nằm bên ngoài lãnh thổ Liên Xô trước đây đóng tại cảng Tartus của Syria. Chuyên gia quân sự Aleksei Malashenko ở Trung tâm Carnegie Moscow (Nga) nhận định đây không chỉ là tiền đồn chiến lược cho phép hải quân Nga hoạt động thuận lợi ở Địa Trung Hải mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho sự kế tục sức mạnh của Nga bắt đầu từ thời Liên Xô.
Thêm vào đó, cam kết ủng hộ ông Assad của Nga được duy trì suốt cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua ở Syria. Chuyên gia Malashenko cho rằng, Tổng thống Putin không thể từ bỏ Assad lúc này vì sợ mất thể diện và ông cũng không hề che giấu thái độ phản đối phong trào cách mạng Mùa xuân Ảrập quét qua khu vực năm 2011, cũng như các cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền. Theo các chuyên gia, ông Putin nhìn nhận các phong trào đó đặt ra một số tiền lệ nguy hiểm có thể dẫn đến cuộc cách mạng sắc tộc ở Nga.
Cuối cùng, sau khi bị phương Tây cô lập vì sát nhập vùng Crimea của Ukraine vào Nga cũng như bị cáo buộc ủng hộ phe đòi ly khai ở miền đông Ukraine, Nga muốn khôi phục hình ảnh trên trường quốc tế và xây dựng lại quan hệ với Mỹ bằng cách ủng hộ ông Assad đồng thời mở rộng tấn công IS.