(CAO) Tối qua 28-11 (giờ VN), các giảng viên và sinh viên tại khu campus Đại học bang Ohio (Mỹ) đã trải qua thời khắc kinh hoàng khi nghi phạm Abdul Razak Ali Artan xông vào khu campus cầm dao đâm người khiến 11 người nhập viện.
Lúc đầu truyền thông Mỹ đưa tin đây là một vụ bắn tỉa nhưng sau đó thông cáo từ phía cảnh sát cho biết nghi phạm đã tấn công bằng dao. Artan sau đó đã bị cảnh sát bắn chết. Các nạn nhân bị những vết thương không nghiêm trọng được cho xuất viện dần. Tuy nhiên câu chuyện của nghi phạm Ali Artan cho thấy sự bất mãn trong tâm lý của một bộ phận sinh viên Hồi giáo, cho rằng họ bị kỳ thị ngay trong môi trường học đường dẫn đến những hành động tấn công đáng tiếc.
Các quan chức thực thi pháp luật liên bang cho biết nghi phạm Artan trước đó đã post dòng trạng thái trên Facebook rằng hắn ta cảm thấy “phát bệnh và mệt mỏi” khi chứng kiến cộng đồng Hồi giáo “bị giết và tra tấn”.
Hiện trang Facebook của Artan đang được cảnh sát điều tra để tìm động cơ của hắn ta từ những dòng trạng thái post lên mạng, xem đây có phải là một vụ tấn công khủng bố liên quan đến việc tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan từ các tổ chức khủng bố hay không.
Artan là người gốc Somalia. Viết trên Facebook ngay trong buổi sáng trước khi lái xe vào trường Đại học Ohio giết người, tên này kêu gọi “Mỹ phải chấm dứt can thiệp vào các nước khác, đặc biệt là đối với cộng đồng Hồi giáo”.
Nghi phạm Abdul Razak Ali Artan tấn công khu campus Đại học bang Ohio - Ảnh: The Lantern
Ngôn từ của Artan trên Facebok sau đó chuyển hướng hằn học hơn: “Nhân danh Allah, tao sẽ không cho phép chúng bây được ngủ, trừ khi chúng bây đem đến hòa bình cho những người Hồi giáo. Chúng bây sẽ không được ăn mừng hay tận hưởng các kỳ nghỉ lễ”.
Sau khi nổi giận trên Facebook, Artan đã lái chiếc ô tô tông vào đám đông trong khu campus của Đại học bang Ohio trước khi mở cửa bước xuống, cầm dao “bạ ai chém nấy”.
Cảnh sát sau đó đã bắn chết Artan khi đối tượng bất tuân hiệu lệnh của lực lượng chức năng yêu cầu ngừng tấn công mọi người.
Artan được Mỹ cấp quy chế thường trú nhân hợp pháp, đến Mỹ từ năm 2014 từ Pakistan. Cả gia đình Artan trước đó đã rời Somalia đến Pakistan năm 2007.
Tâm lý bất mãn vì không dám cầu nguyện công khai
CNN đưa tin tìm hiểu bài phỏng vấn của Artan trên tạp chí sinh viên The Lantern của trường Đại học bang Ohio cho thấy sinh viên này trước đó đã bất mãn vì cảm thấy bị đối xử, kỳ thị tại trường đại học. Artan cho biết muốn thực hiện nghi lễ cầu nguyện theo nghi thức Hồi giáo một cách công khai ở khuôn viên trường Đại học bang Ohio nhưng “không dám” vì sợ sự an toàn của bản thân bị đe dọa khi bản thân là một người Hồi giáo.
“Nếu mọi người nhìn thấy tôi, một người Hồi giáo đang cầu nguyện, tôi không biết rồi họ sẽ nghĩ gì, rồi những gì sẽ xảy ra (với tôi) tiếp theo” – Artan chia sẻ.
Hiện trường vụ tấn công tại Đại học bang Ohio - Ảnh: AP
CNN đưa tin, ở trường cao đẳng cộng đồng cũ của Artan, có phòng riêng cho sinh viên Hồi giáo cầu nguyện. Tuy nhiên khi hoàn tất chương trình học rồi chuyển đến Đại học bang Ohio, không còn không gian riêng để cầu nguyện khiến Artan bất mãn. Nghi phạm đã phàn nàn điều này với mẹ mình.
Việc Artan thành hung thủ tấn công trường học khiến bạn bè, đồng nghiệp của đối tượng không khỏi bất ngờ. CNN dẫn lời những người thường xuyên tiếp xúc với nghi phạm nhận xét: “Anh ta là một người tốt, bất bạo động và hay nói chuyện với tất cả mọi người”.
Từ một người bình thường như bao người, không ai ngờ trong tâm lý của anh ta lại nảy sinh sự bất mãn rồi chuyển hóa thành tư tưởng cực đoan. Trường hợp của Artan chỉ là một lát cắt trong bức tranh xã hội Mỹ đa sắc tộc hiện nay. Những khác biệt về lối sống, văn hóa, tôn giáo khiến một bộ phận người dân sinh sống không hòa nhập được với xã hội, cảm thấy bị kỳ thị, phân biệt. Những bất mãn ngấm ngầm trong tư duy của những người như Artan đang là “bài toán” làm đau đầu chính quyền.