(CAO) Theo AFP ngày 24-12 đưa tin, cơ quan địa chất Mỹ (USGS) thường có thông báo về các thảm họa tương tự như đợt sóng thần diễn ra tối 22-12 tại Indonesia.
Tuy nhiên, do chính phủ Mỹ đóng cửa từ 0 giờ, ngày 22-12 nên không có dự đoán nào được đưa ra.
Trên thông báo của USGS có đoạn: "Do ngân sách hiện không còn đủ để duy trì hoạt động nên chúng tôi không thể phản ánh các chuyển biến của thời tiết và các thảm họa tự nhiên trong thời điểm hiện tại. Chúng tôi không thể giải đáp các thắc mắc nếu không được chi ngân sách để hoạt động".
Vị trí núi lửa Anak Krakatau - Ảnh: AFP
Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa tạm thời sau khi thượng viện từ chối thông qua dự luật chi tiêu mới. Chủ yếu là do mâu thuẫn giữa thượng viện và hạ viện là trong khoản ngân sách chi 5 tỷ USD để xây tường biên giới với Mexico. Đây là đề xuất và cũng được xem là giải pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngăn chặn người nhập cư tiến vào nước Mỹ.
Đợt sóng thần hôm 22-2 ở Indonesia tấn công các bãi biển quanh eo biển Sunda, ở Nam Sumatra và mũi phía tây của đảo Java được xem là có quy mô nhỏ. Theo các chuyên gia dự đoán, rất có thể sẽ còn những trận động đất lớn hơn xuất hiện, bởi hoạt động của núi lửa Anak Krakatau hiện vẫn còn khó đoán trước.
Cảnh hoang tàn ở Indonesia sau khi bị trận sóng thần tàn phá - Ảnh: AFP
Chính quyền Indonesia ban đầu tuyên bố không có sóng thần mà chỉ là một đợt thủy triều dâng cao. Tuy nhiên, sai lầm này đã khiến người dân giận dữ, khiến chính quyền phải thừa nhận còn hạn chế trong khả năng dự đoán sóng thần do ảnh hưởng từ hoạt động của núi lửa.