(CAO) Tuần qua, châu Âu nín thở dõi theo đợt căng thẳng mới bùng lên giữa Nga và Ukraine xung quanh xung đột tại bán đảo Crimea bị Matxcơva sáp nhập vào đầu năm 2014. Mồi lửa mâu thuẫn âm ỉ có thể thổi bùng lên chiến tranh bất cứ lúc nào.
Trong động thái mới nhất, Nga đã điều hệ thống tên lửa phòng không S-400 đến “trấn” tại Crimea nhằm đáp trả cáo buộc của nước này với Ukraine trong những ngày vừa qua rằng chính quyền Kiev đang âm mưu “tấn công khủng bố” Crimea nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng, gây hỗn loạn trong khu vực, phá hoại cuộc bầu cử quốc hội Nga diễn ra vào tháng 9 tới.
Tổng thống Nga Putin cũng ra lệnh cho Hạm đội Biển đen đóng tại Crimea tập trận rầm rộ nhằm “chống khủng bố” với sự tham gia của 10 chiến hạm cùng dàn trực thăng Mi-8 và Ka-27PS. Cuộc diễn tập kéo dài rầm rộ 3 ngày được cho là nhằm mục đích “dằn mặt” Ukraine vì những động thái gần đây mà Matxcơva xếp vào hành động “khủng bố”.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 được triển khai đến Crimea - Ảnh: AFP
Sự việc bùng lên vào hôm 10-8 khi tổng thống Nga Putin lên truyền hình cảnh báo Ukraine đang chơi “trò nguy hiểm”, muốn “khủng bố” thay vì “hòa bình” khi lập kế hoạch tấn công Crimea. Trước đó, cơ quan an ninh Nga (FSB) cho biết đã phá thành công 2 âm mưu tấn công vũ trang và tháo dỡ mạng lưới gián điệp do Ukraine cài cắm ở bán đảo này.
Hai vụ đụng độ vũ trang đã xảy ra vào tuần qua dọc đường biên giữa Ukraine và Crimea khiến một binh sĩ và một nhân viên của FSB thiệt mạng. Matxcơva tố đây là hành động của Kiev nhằm “phá hoại” cuộc bầu cử quốc hội Nga vào tháng tới và cho rằng đặc nhiệm Ukraine là thủ phạm lên kế hoạch các vụ tấn công nhằm phá hủy các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở bán đảo này nhằm “gây hỗn loạn trong khu vực”.
FSB hôm 10-8 thông báo họ phát hiện một nhóm người xâm nhập bán đảo Crimea gần biên giới Ukraine với sự hỗ trợ của hỏa lực và xe bọc thép. Họ cũng phát hiện thiết bị nổ và đạn dược mà đặc nhiệm thuộc quân đội Ukraine thường sử dụng tại hiện trường.
Tổng thống Nga Putin cảnh báo Ukraine đang chơi "trò nguy hiểm" ở Crimea - Ảnh: Reuters
Sau khi FSB công bố các kết luận quy tội cho Ukraine, Putin đã lên truyền hình công kích hành động của Kiev là “ngu ngốc” và là “tội ác” và cáo buộc Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau những hành động này. Đáp lại, chính quyền Ukraine đã tố các thông tin FSB quy chụp là “giả mạo”.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter đả kích: "Putin muốn thêm chiến tranh. Nga muốn leo thang gây hấn với Ukraine nhằm thử phản ứng của phương Tây". Còn Bộ Quốc phòng Ukraine trong một thông cáo khẳng định: “Nga muốn đánh lạc hướng dư luận khỏi hành động biến một bán đảo thành căn cứ quân sự tách biệt của họ”. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của Matxcơva.
Lính Ukraine chiến đấu ở chiến đấu ở chiến trường miền đông - Ảnh: AFP
Những diễn biến mới nhất tại bán đảo Crimea cho thấy mâu thuẫn Nga – Ukraine lúc nào cũng như lửa lò than chực chờ bùng cháy. Nhằm “trừng phạt” Kiev, Putin khẳng định ông không có kế hoạch tổ chức các phiên đàm phán hòa bình về xung đột ở miền đông Ukraine dù trước đó Nga, Pháp, Đức và Ukraine từng lên kế hoạch nhóm họp để thảo luận vấn đề này bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại Trung Quốc. Putin nhấn mạnh: “Tôi nghĩ chính quyền hiện nay của Ukraine không quan tâm cách thức giải quyết vấn đề thông qua đàm phán mà đã chuyển sang hành động khủng bố”.
Vị trí bán đảo Crimea đang chứng kiến căng thẳng leo thang - Ảnh: đồ họa của AFP
Sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3-2014, 96,77% người dân Crimea đã bỏ phiếu thông qua việc tách ra khỏi Ukraine để gia nhập vào Liên bang Nga. Tuy nhiên Ukraine và các chính phủ các nước phương Tây đã từ chối công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý này, tố Nga dàn dựng cuộc trưng cầu. Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) đã áp các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì quyết định sáp nhập này.
Với những diễn biến mới nhất, cộng đồng quốc tế lo ngại một cuộc chiến tranh đến gần nếu các bên thiếu kiềm chế. Còn hy vọng hòa bình cho khu vực miền đông Ukraine qua vụ việc này xem ra còn quá xa vời.
Lính Nga kiểm soát Crimea từ đầu năm 2014 - Ảnh: AFP