Đa phần người dân Thái Lan chấp nhận hiến pháp do quân đội hậu thuẫn

Thứ Hai, 08/08/2016 08:48  | Anh Duy

|

(CAO) Sáng nay 8-8, Reuters đưa tin đa phần người dân Thái Lan đã bỏ phiếu ủng hộ bảng hiến pháp mới do chính quyền quân sự hậu thuẫn trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu vào hôm 7-8. Thống kê này dựa trên kết quả kiểm phiếu sơ bộ vào hôm qua.

"Chiến thắng" này mở đường cho chính quyền quân đội thuộc phe bảo hoàng của thủ tướng Prayuth Chan-ocha tổ chức một cuộc tổng tuyển cử bầu ra chính quyền dân sự vào năm sau 2017. Tuy nhiên, chính quyền mới này cũng phải tuân thủ theo những điều kiện của quân đội đặt ra.

Reuters đưa tin những cử tri đã trao cho ông Prayuth Chan-ocha “một chiến thắng thuyết phục” trong cuộc trưng cầu lần đầu tiên được tổ chức kể từ cuộc đảo chính của quân đội lật đổ chính quyền dân sự của thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Với 94% số phiếu được kiểm, kết quả sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử cho thấy 61,4% người Thái ủng hộ bảng dự thảo hiến pháp, 37,9% phản đối. Kết quả đầy đủ sẽ được công bố vào ngày mai 10-8.

Thủ tướng chính quyền quân sự Thái Lan Prayuth Chan-ocha  đi bỏ phiếu trưng cầu Hiến pháp ở một điểm bỏ phiếu vào hôm 7-8  - Ảnh: Reuters

Chính quyền quân sự cho rằng hiến pháp mới sẽ “chữa lành” những chia rẽ chính trị trong xã hội Thái Lan, giúp ổn định và phát triển kinh tế sau một thập kỷ kinh tế bấp bênh vì bất ổn. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng hiến pháp mới giúp củng cố thêm vai trò của quân đội trong chính trường trong nhiều năm tới.

Kết quả trưng cầu là một thất bại nặng nề đối với gia tộc Shinawatra và các đồng minh, những người theo chính sách dân túy lấy lòng cử tri nông thôn ở các vùng bắc và đông bắc Thái Lan. Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra, hai anh em gia tộc này làm thủ tướng đều bị quân đội lật đổ qua hai cuộc đảo chính vào năm 2006 và 2014.

Chiến thắng nhờ …hăm dọa

Đó là cáo buộc của những người phản đối hiến pháp mới khi họ cho rằng chính quyền quân sự đã thực hiện chính sách đàn áp những ý kiến bất đồng để tạo ra không khí sợ hãi, buộc người dân phải bỏ phiếu thông qua.

Reuters dẫn lời chủ tịch Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD) ủng hộ gia tộc Shinawatra - Jatuporn Prompan nhấn mạnh: “Mặc dù Prayuth nói rằng ông dường như đã chiến thắng, nhưng đây không phải là một chiến thắng đáng tự hào vì những phe phái đối lập đã bị quân đội đàn áp bằng các hành động đe dọa và sách nhiễu”.

Quả thực là như vậy khi Hội đồng quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) trước cuộc trưng cầu đã ra lệnh cấm các phe phái tranh luận về hiến pháp và vận động tẩy chay trước cuộc trưng cầu. Hàng chục người đã bị bắt giữ vì tranh luận về bảng hiến pháp này trong đó có nhiều chính trị gia và các nhà hoạt động là sinh viên.

Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra đi bỏ phiếu trưng cầu tại Bangkok hôm 7-8 - Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời Paul Chambers – Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề về Đông Nam Á ở thành phố Chiangmai nhận định với Reuters: “Đó là một chiến dịch trưng cầu một chiều, trong đó chính quyền gián tiếp khuyến khích người dân bỏ phiếu đồng thuận và bắt giữ hoặc sách nhiễu những tiếng nói đối lập phản đối bảng hiến pháp. Kết quả là nhiều cử tri đã chán ngán không đi bỏ phiếu trưng cầu, còn những người tham dự có cảm giác bị buộc phải bỏ phiếu đồng thuận”.

Chỉ 55% số cử tri đi bầu so với mục tiêu 80% (khoảng 40 triệu người) do chính quyền quân sự đặt ra trước đó.

Tuy nhiên kết quả này cũng khiến thị trường tài chính lạc quan khi kết quả bỏ phiếu hôm 7-8 phát đi tín hiệu rằng tình hình bất ổn chính trị hơn 1 thập kỷ qua có thể chấm dứt và một cuộc bầu cử chọn chính quyền dân sự sẽ được tiến hành vào năm sau.

Binh lính Thái Lan tham gia bỏ phiếu trưng cầu - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên những mâu thuẫn phe phái vẫn còn đó. Nếu quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej năm nay 88 tuổi chẳng may băng hà, đất nước này có thể rơi vào hỗn loạn chính trị.

Cử tri Thái Lan tham gia bỏ phiếu trưng cầu - Ảnh: Reuters

Bình luận (0)

Lên đầu trang