(CAO) Hôm nay 7-8, 40 triệu cử tri Thái Lan sẽ tiến hành bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về bảng hiến pháp mới được quân đội thuộc phe bảo hoàng hậu thuẫn. Đây là lần đầu tiên từ sau cuộc đảo chính do quân đội tiến hành năm 2014 lật đổ chính quyền Yingluck Shinawatra, người Thái được đi bỏ phiếu trưng cầu.
Reuters đưa tin nếu hiến pháp mới được chấp thuận sẽ mở đường cho cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào năm sau 2017 để bầu ra một chính quyền dân sự. Tuy nhiên với một điều kiện là chính phủ này cũng phải tuân thủ theo những điều kiện do quân đội đặt ra.
Reuters nhận định cuộc trưng cầu về hiến pháp mới hôm nay sẽ là một “cuộc thử nghiệm rộng rãi” của chính quyền quân sự do thủ tướng Prayuth Chan-ocha cầm quyền sau cuộc đảo chính. Ông Chan-ocha mấy năm nay đã mạnh tay đàn áp các hoạt động chính trị của các phe phái nhằm tạo sự độc tôn cho quân đội.
Thậm chí ông Chan-ocha cho biết mình sẽ không từ chức nếu người dân không đồng ý hiến pháp mới, và cuộc “tổng tuyển cử” vào năm sau vẫn sẽ được tổ chức như kế hoạch.
Reuters dẫn lời tướng Chan-ocha nhấn mạnh: “Chúng tôi phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017 vì đó là lời hứa chúng tôi đã cam kết”.
Các lá phiếu được kiểm kê nội dung trước ngày trưng cầu - Ảnh: Reuters
Khảo sát trước thềm trưng cầu cho thấy một số người chấp nhận hiến pháp mới, nhưng hầu hết cử tri vẫn chưa có quyết định cuối cùng . Có khoảng 50 triệu người đủ điều kiện đi bỏ phiếu và Uỷ ban Bầu cử nhắm đến chỉ tiêu 80% người dân tham gia bỏ phiếu (tức khoảng 40 triệu người). Kết quả bỏ phiếu sơ bộ có thể được công bố vào khoảng 20h tối nay 7-8 (giờ Việt Nam).
Khi đến phòng phiếu, người Thái sẽ bỏ phiếu vào thùng với mỗi lá phiếu in câu hỏi: Bạn có chấp nhận hiến pháp mới không? với hai ô “có” và “không” để cử tri đánh vào.
Trong trường hợp đa số cử tri trả lời “có”, dự thảo hiến pháp đã được phía quân đội soạn sẽ trở thành bảng hiến pháp chính thức và quân đội được trao quyền hợp pháp để tiến hành tổ chức tổng tuyển cử vào năm tới. Còn không thì chưa biết kịch bản nào sẽ xảy ra tiếp theo. Trong lá phiếu cũng có in thêm câu hỏi "Thượng viện có được phép cùng Hạ viện chọn thủ tướng không?” để cử tri check vào.
Các thùng phiếu được kiểm tra trước ngày trưng cầu - Ảnh: Reuters
Trong bảng dự thảo hiến pháp được công bố hồi tháng 3, một điều khoản gây tranh cãi là cho phép quân đội bổ nhiệm 250 ghế ở thượng viện, điều này tạo ra lo ngại quân đội có thể chiếm quyền bầu ra thủ tướng thậm chí chiếm số đông hơn trong quốc hội so với phe dân cử.
Nếu được thông qua, đây sẽ là bản hiến pháp thứ 20 của Thái Lan kể từ năm 1932.
Mâu thuẫn ngấm ngầm
Trước thềm trưng cầu hôm nay, cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra ngày 4-8 đã lên án bảng hiến pháp mới là một sự “điên rồ” vì sẽ tạo điều kiện cho phe quân đội nắm quyền.
Chính trường Thái Lan hơn thập kỷ qua vẫn đang ở thế giằng co giữa hoàng gia Thái mà đại diện là chính quyền quân sự của tướng Prayuth Chan-ocha có tư tưởng bảo hoàng mạnh mẽ, với một bên là gia tộc Shinawatra dùng chính sách dân túy thông qua đảng Pheu Thái đã giành được chiến thắng liên tiếp trong các cuộc bầu cử gần đây.
Các điểm bỏ phiếu hoàn thành công tác chuẩn bị trước ngày trưng cầu hiến pháp - Ảnh: Reuters
Tầng lớp trung lưu ở Bangkok thuộc phe bảo hoàng, lần bầu cử nào cũng thua gia tộc Shinawatra do chính sách dân túy của ông Thaksin mà tiếp nối là bà Yingluck với chương trình trợ giá lúa. Nông dân chiếm phần lớn dân số đất nước ngả về phía Shinawatra nên các đảng như Pheu Thai hay đảng Người Thái yêu người Thái (Thai Rak Thai) liên tiếp thắng cử, là “cái gai” của tầng lớp tinh hoa ở Bangkok. Các cuộc đảo chính như năm 2006 hay 2014 nguyên nhân sâu xa là từ mâu thuẫn này.
Cuộc trưng cầu hiến pháp hôm nay vì thế vẫn bị các nhà quan sát quốc tế nhận định là sẽ không tạo sự chuyển biến nào mới khi các phe đối lập nói cuộc trưng cầu không công bằng vì các chiến dịch vận động chính trị bị cấm, quân đội vẫn khư khư nắm quyền còn mâu thuẫn giữa các phe phái thì vẫn còn đó.