Báo Nga:

Libya vẫn chìm trong hỗn loạn sau 7 năm được NATO “giải phóng”, ai thèm quan tâm?

Thứ Bảy, 08/09/2018 20:23

|

​(CAO) Hôm 7-9, tờ Nước Nga ngày nay (RT) đăng bài xã luận nhan đề “Libya vẫn chìm trong bất ổn sau 7 năm được NATO “giải phóng”, nhưng có ai quan tâm?” của nhà báo Neil Clark mô tả về hiện trạng vô chính phủ ở quốc gia này sau cơn binh biến Mùa xuân Ả Rập.

Libya đến hôm nay vẫn còn là một vùng đất vô pháp luật, nơi các cuộc chiến giữa các nhóm phiến quân diễn ra trên đường phố Tripoli mỗi ngày và hơn 1 triệu người dân vẫn đang phải mỗi ngày ngửa tay xin viện trợ. Thế nhưng những “nhà can thiệp vì tự do” của phương Tây không quan tâm lắm tấn thảm kịch mà họ đã tạo ra ở nơi đây.

“Hàng trăm tù nhân vượt ngục giữa những cuộc đụng độ chết người ở Tripoli” – dòng tít của tin nóng trên webiste đài BBC (Anh) thông báo về hiện trạng hỗn loạn ở Libya vào tuần này.

Hơn 60 người đã thiệt mạng trong những cuộc chiến đường phố gần đây với nhiều người bị thương và hàng trăm người là dân thường phải di tản. Hỗn loạn mới nhất bùng phát khi Lữ đoàn số 7 của bộ binh từ thành phố Tarhuna tiến vào thủ đô thủ đô Tripoli để tăng cường lực lượng từ hướng phía nam của thành phố đã có cuộc đụng độ đẫm máu với liên quân do các nhóm phiến quân đóng ở Tripoli dẫn đầu.

Thật khó để nhận diện ra thực trạng là ai đang chiến đấu với ai. Nếu bạn nghĩ rằng tình hình ở Syria đã là phức tạp lắm rồi, thực sự từ đó giờ bạn đã không chú ý nhiều đến tình hình ở Libya. BBC thừa nhận trong một bài báo: “Libya đã phải đối mặt với sự hỗn loạn liên tục kể từ khi lực lượng dân quân do tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn, một số nhánh của họ, đã lật đổ nhà lãnh đạo đã cai trị lâu năm ở Lybia - Đại tá Gaddafi vào tháng 10 năm 2011”.

Một toà nhà là địa điểm lịch sử ở Benghazi, Libya nay chỉ còn lại là tàn tích sau cuộc chiến, xung đột phe phái kéo dài. Ảnh chụp ngày 22018 - 2018 - ảnh: Reuters

Libya có các chính phủ đối đầu nhau nhưng thậm chí họ không kiểm soát được phần lớn đất nước. Không có 'luật lệ', chỉ là quy tắc của khẩu súng. Sự suy sụp, trở về xuất phát điểm của Libya từ vị thế nước này từng có chỉ số phát triển con người cao nhất ở châu Phi chỉ mười năm trước, đến nay đã rơi xuống thảm cảnh một quốc gia thất bại và rất nguy hiểm, rất khó để đến đây. Năm ngoái, Cơ quan Di trú Liên hợp quốc (IOM) cảnh báo rằng thị trường mua bán nô lệ đã quay trở lại ở những vùng quê của nước này.

Sự sụp đổ kinh tế và xã hội đã có một tác động tàn phá đến cuộc sống của những dân thường Libya.

Hãy tự lo liệu sức khoẻ. Một cuộc khảo sát đánh giá sự sẵn sàng phục vụ của dịch vụ chăm sóc y tế ở nước này năm 2017 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Libya thực hiện cho thấy 17 trong số 97 bệnh viện đã đóng cửa và chỉ có bốn bệnh viện đa khoa ở nước này hoạt động từ 75-80% công suất. Hơn 20% cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đóng cửa và số còn lại không "sẵn sàng cung cấp dịch vụ y tế".

Vào tháng 5 năm 2016, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng bày tỏ 'mối quan ngại to lớn' về cái chết của 12 trẻ sơ sinh tại trung tâm chăm sóc sức khỏe sơ sinh Sabah, ở Sabha, miền nam Libya. WHO ghi nhận: "Các ca tử vong xảy ra do nhiễm khuẩn và thiếu nhân viên y tế chuyên khoa để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế".

Hệ thống giáo dục cũng đang trong tình trạng sụp đổ hoặc gần sụp đổ. Trong năm 2016, các báo cáo cho biết ngày tựu trường của năm học đã bị trì hoãn vì "thiếu sách, thiếu an ninh và nhiều yếu tố khác”.

Các báo cáo cũng lưu ý rằng năm học Libya đã không được tổ chức thường xuyên kể từ sau sự sụp đổ của chế độ Gaddafi. Năm 2018, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết 489 trường học bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột và khoảng 26.000 học sinh đã bị buộc phải chuyển trường do trường họ học đóng cửa.

UNICEF cũng cảnh báo 378.000 trẻ em ở Libya đang cần sự trợ giúp nhân đạo, 268.000 người đang cần nước sạch, nhà vệ sinh và 300.000 trẻ em đang cần hỗ trợ giáo dục khẩn cấp. Tổng cộng 1,1 triệu người ở Libya đang cần sự trợ giúp nhân đạo.

Với tình trạng thảm khốc trên, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Libya đã ly hương. Vào năm 2014, có khoảng 600.000 đến 1 triệu người đã chạy trốn đến Tunisia để tránh khủng hoảng.

Nếu chúng ta kể thêm những người đến Ai Cập và nơi khác, con số này có thể vượt quá 2 triệu, khá đáng kinh ngạc khi bạn biết rằng dân số năm 2011 của Libya chỉ là khoảng 6 triệu người.

Những người đầu têu không phải chịu trách nhiệm

Như tôi đã trình bày trong một bài xã luận trước đó, cuộc tấn công của phương Tây vào Libya là một tội ác thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc xâm lược Iraq bởi vì nó đến sau. Thực sự không có lý do gì cho bất cứ ai nhìn thấy cách thức 'thay đổi chế độ' năm 2003 ở Iraq có thể lại một lần nữa hỗ trợ cho hoạt động tương tự ở Bắc Phi (Nhưng rồi họ đã làm).

Những người chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra đã không phải đối mặt với sự phản đối. Thủ tướng Anh vào thời điểm đó, David Cameron, được đổ lỗi cho việc đưa Anh khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), nhưng không phải vì những gì ông đã gây ra cho Libya và những tuyên bố ông đã đưa ra khi đó để biện minh cho hành động quân sự.

Mặc dù một báo cáo của Ủy ban Ngoại giao Anh 5 năm sau đã kết luận rằng "đề xuất tấn công quân sự Libya vì Muammar Gaddafi đã ra lệnh thảm sát dân thường ở Benghazi không được hỗ trợ bởi các bằng chứng sẵn có" (tức không có bằng chứng cụ thể).

Nicolas Sarkozy, Tổng thống Pháp vào năm 2011, đang phải đối mặt với quan toà liên quan đến ba cuộc điều tra khác nhau cáo buộc ông nhận tiền từ Gaddafi để giúp chiến dịch tranh cử tổng thống của ông, nhưng ông vẫn chưa bị truy tố vì vai trò trong việc tham gia cuộc chiến ở Libya.

Hàng trăm ngàn người Libya phải lênh đênh trên những con tàu rời quê tìm đường sang Châu Âu 

Bernard-Henri Levy, nhà triết học được một số người xưng tụng là cha đẻ của học thuyết can thiệp của phương Tây – và từng là người tự hào rằng "chúng ta là người đầu tiên nói rằng Qaddafi không còn là đại diện hợp pháp nữa", đang một mình độc diễn trong vở kịch chống lại kế hoạch Brexit trong khi đất nước từng được ông giúp 'giải phóng' – Libya đang bị thiêu đốt bởi hỗn loạn mỗi ngày.

Trong vòng tròn “tự do” lan khắp phương Tây, Barack Obama và Hillary Clinton từng được đánh giá cao hơn Trump nhưng những gì họ làm đối với Libya thậm chí còn tồi tệ hơn bất kỳ việc gì Trump đã từng làm cho đến nay. […]

Quay trở lại với bạo lực hiện tại, một lệnh ngừng bắn do LHQ khởi xướng để chấm dứt cuộc chiến ở khu vực phía nam Tripoli được đưa ra, nhưng dựa vào những lệnh ngừng bắn thất bại từng được ban bố trước đó, chúng ta không thể lạc quan. Một phần của vấn đề là đất nước tràn ngập các loại vũ khí. Sự thật đáng buồn là Libya bị phá vỡ và có lẽ sẽ không bao giờ được thống nhất trở lại với nhau một lần nữa.

Một tội ác lớn đã được cam kết, nhưng bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng nó, tội ác chiến tranh này sẽ được đưa ra xét xử bởi sự thiếu quan tâm của các kênh truyền thông toàn cầu.

Chúng ta đã có rất nhiều cuộc tranh luận trên báo đài vào mùa hè này ở Anh về 'quyền tồn tại' của Israel và liệu thách thức này có làm cho làn sóng 'chống Do Thái' bùng lên hay không. Nhưng có một thực tế là Libya - như một nhà nước hiện đại, từng hoạt động – nay đã không còn tồn tại. Và những ai đầu têu cho tấn thảm kịch này dường như cũng là những người ít bận tâm nhất đến tình hình hiện nay ở Libya.

Libya từ phồn thịnh thành hoang tàn sau khi nhận "tự do" mà phương Tây đem đến - Ảnh: Twitter Ian56

Hãy xem xét có bao nhiêu bài xã luận giờ đây kêu gọi hãy cứu lấy Libya sau khi nó nhận được sự can thiệp “nhân đạo” của NATO cách đây hơn bảy năm?. Hoàn toàn thiếu những ý kiến ​​phản ánh về thực trạng đất nước này ngày nay (sau chừng đó năm được “giải phóng”).

Hãy thử tra Google tên của một trong số các “diều hâu” chủ chiến đối với Libya trên các phương tiện truyền thông hàng đầu, bạn sẽ thấy họ có xu hướng im tiếng sau năm 2011, đồng thời chuyển trọng tâm chú ý của họ để tuyên truyền cho một sự 'thay đổi chế độ' ở Syria.

Kết luận duy nhất người ta có thể rút ra là mối quan tâm duy nhất của họ ở Libya là đã được nhìn thấy Muammar Gaddafi bị lật đổ. Sau khi đạt được mục tiêu đó rồi, ai còn thèm quan tâm nữa xem Libya đã tàn tạ ra sao?

Bình luận (0)

Lên đầu trang