(CAO) Hôm 25/4, CNN dẫn lời Thống đốc bang California của Mỹ - ông Gavin Newsom cho biết bang này đã vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
Ông Newsom đồng thời cũng cảnh báo về mối đe dọa từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với khối tài sản đang tăng nhanh của tiểu bang công nghệ này.
Theo dữ liệu sơ bộ từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của bang California đạt 4,1 nghìn tỷ đô la vào năm 2024, vượt qua GDP danh nghĩa 4,02 nghìn tỷ đô la của Nhật Bản trong cùng kỳ do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận.
"California không chỉ bắt kịp thế giới — chúng tôi đang dẫn đầu. Nền kinh tế của chúng tôi đang phát triển mạnh mẽ vì chúng tôi đầu tư vào con người, ưu tiên tính bền vững và tin vào sức mạnh của sự đổi mới " - Newsom cho biết.
Nhưng Thống đốc Newsom cũng cảnh báo rằng sức mạnh kinh tế của tiểu bang đang bị đe dọa bởi "các chính sách thuế quan của chính quyền liên bang hiện tại".
"Nền kinh tế của California thúc đẩy quốc gia và nó phải được bảo vệ" - ông nhấn mạnh.

Một góc thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ - Ảnh: Getty
California là tiểu bang đông dân nhất của Hoa Kỳ với khoảng 40 triệu người, chiếm 14% GDP của quốc gia vào năm 2024, theo dữ liệu của chính phủ, với nền kinh tế được thúc đẩy tăng trưởng bởi Thung lũng Silicon và các lĩnh vực bất động sản và tài chính.
Tuần trước, Thống đốc Newsom đã kiện tổng thống Trump về việc ông sử dụng quyền hạn khẩn cấp để đơn phương ban hành thuế quan toàn cầu rộng khắp, điều mà thống đốc bang này cho biết đã gây tổn hại đến các gia đình và doanh nghiệp của California.
Vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang vào ngày 16/4, lập luận rằng Trump không có thẩm quyền ban hành thuế quan đối với Mexico, Trung Quốc và Canada, hoặc thuế quan cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới.
Trong thông cáo báo chí thông báo về vụ kiện, Newsom cho biết các mức thuế quan này đang tạo ra "tổn hại tức thời và không thể khắc phục được đối với California, tiểu bang có nền kinh tế, sản xuất và nông nghiệp lớn nhất cả nước", vì chúng "làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí" và "gây thiệt hại hàng tỷ đô la" cho tiểu bang.
Vụ kiện lập luận rằng việc Trump viện dẫn Đạo luật Quyền hạn khẩn cấp kinh tế quốc tế (IEEPA) để ban hành thuế quan là "phi pháp và chưa từng có" và hành động mở rộng như vậy cần phải được Quốc hội chấp thuận.
Thông qua IEEPA, Quốc hội năm 1977 đã trao cho tổng thống quyền hạn rộng rãi để áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quốc gia, kiểm soát xuất khẩu, điều chỉnh các giao dịch tài chính và đóng băng tài sản nước ngoài theo tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhưng luật này yêu cầu cơ quan hành pháp phải tham vấn và báo cáo với Quốc hội khi thực hiện các quyền hạn này.
Theo Newsom, California đã tham gia vào gần 675 tỷ đô la thương mại hai chiều vào năm 2024 và coi Mexico, Canada và Trung Quốc là ba đối tác thương mại hàng đầu của mình. Hơn 40% lượng hàng nhập khẩu của California đến từ các quốc gia này, chiếm 203 tỷ đô la trong tổng số hơn 491 tỷ đô la nhập khẩu của tiểu bang vào năm ngoái.
12 tiểu bang khác đã kiện chính quyền tổng thống Trump vì "áp đặt bất hợp pháp" việc tăng thuế đối với người Mỹ thông qua chính sách thuế quan.