Phóng viên chụp hình hung thủ bắn đại sứ Nga: Vì sao tôi không chạy?

Thứ Ba, 20/12/2016 12:08

|

(CAO) Bức hình phóng viên hãng tin AP Burhan Ozbilici chụp cảnh Mevlut Mert Altıntaş vung vẫy khẩu súng lục trong khán phòng sau khi bắn chết đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov đang lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Là một trong những nhà báo có mặt trong khán phòng nơi xảy ra vụ việc, Burhan Ozbilici đã khiến mọi người khâm phục khi không chọn cách chạy đi khỏi hiện trường để giữ an toàn tính mạng mà chọn cách tiến gần hơn đến hung thủ để chụp bức ảnh lịch sử khi Altıntaş giơ súng la hét bên cạnh thi thể của đại sứ Nga. Người phóng viên có thể bị bắn bất cứ lúc nào nhưng anh đã chọn cách đối mặt với họng súng để thực hiện vai trò của một phóng viên.

Trả lời tờ Guardian (Anh), Burhan Ozbilici giải thích vì sao lúc đó mình không chạy:

Việc mở cuộc triển lãm các bức ảnh của Nga là một sự kiện thường lệ, vì vậy khi thấy một người đàn ông mặc đồ đen, đeo cà vạt bất thần rút súng ra, tôi đã “choáng váng” nhưng rồi nghĩ rằng đó đơn thuần chỉ là một màn trình diễn trong sự kiện.

Tuy nhiên đó thật ra là một cuộc ám sát có tính toán mở ra trước mắt tôi và những người có mặt sự hoảng loạn, sợ hãi khi người đàn ông tóc ngắn chĩa súng bắn chết đại sứ Nga.

Những tiếng súng nổ vang lên, mọi người hoảng loạn. Mọi người hét lên, nhanh chóng giấu mình đằng sau các cây cột, nằm trên sàn hay nép mình sau những bức tranh. Tôi sợ và bối rối nhưng không tìm thấy chỗ nào (che chắn) để nấp. Tôi quyết định liều mình thực hiện công việc của tôi: chụp ảnh.

Cuộc triển lãm có nội dung: “Từ Kaliningrad tới Kamchatka qua con mắt của du khách” trình bày những bức ảnh đặc tả khung cảnh thiên nhiên của Nga từ vùng biển Baltic phía tây đến bán đảo Kamchatka ở phía đông. Tôi quyết định tham gia triển lãm này, đơn giản vì khu triển lãm nằm trên đường về nhà từ văn phòng của tôi ở Ankara.

Khi tham gia sự kiện, tôi chọn vị trí đứng gần đại sứ Nga Andrei Karlov vì nghĩ rằng những bức ảnh chụp được sẽ rất hữu ích trong việc minh họa cho những bài viết về mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi ông đang phát biểu thì tiếng súng nổ liên tiếp vang lên. Thi thể vị đại sứ nằm trên sàn khán phòng, chỉ cách chỗ tôi đứng vài bước chân. Tôi không thấy máu xung quanh thi thể của ông nên đoán rằng ông bị bắn vào lưng.

Tôi mất vài giây để nhận ra việc gì diễn ra: Một người đàn ông chết trước mặt tôi. Một cuộc sống đã biến mất trước mắt tôi.

Bất chấp nguy hiểm khi ở cự ly gần, Burhan Ozbilici đã dũng cảm nán lại chụp bức ảnh lịch sử tại hiện trường khi Mevlut Mert Altıntaş vung vẫy khẩu súng lục trong khán phòng sau khi bắn chết đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov - Ảnh: Burhan Ozbilici/ AP

Tôi di chuyển trở lại về bên trái gian phòng, trong khi tay súng, sau này được xác định là nhân viên cảnh sát Mevlut Mert Altintas cầm súng trỏ vào nhóm người người đang co rúm vì sợ hãi ở phía bên phải của căn phòng.

Lúc đầu tôi không thể tìm ra động cơ của hắn ta. Tôi nghĩ hắn ta là một chiến binh Chechnya. Nhưng mọi người sau đó nói rằng hắn ra đã la hét khi nói về thành phố Aleppo, Syria.

Vì vậy, tôi cho rằng, hắn ta có thể đã tức giận về những vụ không kích của Nga ở Aleppo nhằm vào quân nổi dậy chống chính phủ Syria. Nhiều dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

Hắn ta cũng hét lên "Allahu akbar" (Thượng đế vĩ đại), nhưng tôi không thể hiểu được phần còn lại của những gì hắn ta nói bằng tiếng Ả Rập.

Tay súng này đã bị kích động. Hắn ta đi vòng quanh thi thể của vị đại sứ, đập vỡ một số các bức tranh triển lãm treo trên tường.

Tôi tất nhiên là sợ hãi và biết về sự nguy hiểm nếu hắn quay về phía tôi. Nhưng tôi đã nhón người lên một chút và chụp ảnh hắn ta khi y đang hăm dọa những người đang tuyệt vọng khi làm khán giả bất đắc dĩ cho màn ám sát của hắn ta.

Đây là những gì tôi suy nghĩ vào thời điểm đó: Tôi ở đây. Ngay cả khi tôi bị đánh và bị thương, hoặc bị giết, tôi là một NHÀ BÁO. Tôi phải làm công việc của tôi. Tôi có thể chạy ngay mà không cần chụp bức ảnh nào... Nhưng tôi sẽ không có một câu trả lời thích hợp nếu sau đó có người hỏi tôi: “Tại sao anh không chụp ảnh ?"

Lúc đó, tôi thậm chí còn nghĩ về bạn bè và đồng nghiệp đã chết trong khi chụp ảnh ở các vùng xung đột trong những năm qua.

Khi tâm trí bảo rằng tôi phải chạy, tôi lại nhận ra tay súng đã bị kích động. Hắn ta hét vào mặt tất cả mọi người, bắt họ dừng lại khi đang chạy khỏi phòng. Nhân viên bảo vệ sau đó đã bắt chúng tôi phải di tản khỏi hội trường, và chúng tôi rời đi sau đó.

Xe cứu thương và xe bọc thép của cảnh sát trờ đến nhanh chóng. Tay súng sau đó đã bị giết chết trong một cuộc đọ súng.

Khi tôi trở về văn phòng để chỉnh sửa hình ảnh chụp được, tôi đã sốc khi thấy rằng tên hung thủ thực sự đã đứng đằng sau vị đại sứ khi ông phát biểu. Giống như một người bạn, hoặc một vệ sĩ đứng canh gác.

Ảnh Burhan Ozbilici chụp từ hiện trường cho thấy Mevlut Mert Aydintas (trái), đứng sau đại sứ Nga Andrei Karlov (đeo kính), chuẩn bị nhắm bắn ông - Ảnh: AP

Bình luận (1)

Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan hai quốc gia khó quản lý nhất, trung ướng không quản lý nổi hết các địa phương

pham van long - Thứ Ba, 20/12/2016, 15:56 Trả lời | Thích
Lên đầu trang