BBC đưa tin, hung thủ được xác định là Mevlut Mert Aydintas, 22 tuổi, là một thành viên của lực lượng cảnh sát chống bạo động của thủ đô Ankara. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy hung thủ liên quan đến bất cứ nhóm cực đoan hay khủng bố nào.
Vụ bắn chết đại sứ Nga diễn ra chỉ 1 ngày sau khi biểu tình diễn ra rộng khắp ở Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Nga hậu thuẫn cho chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad không kích thành phố Aleppo suốt mấy tháng qua nhằm đẩy lùi lực lượng quân nổi dậy chống chính quyền.
Sau khi Bộ Quốc phòng Nga hồi tuần trước tuyên bố chiến sự tại khu vực đông Aleppo đã kết thúc với phần thắng nghiêng về quân đội chính phủ Syria, lực lượng nổi dậy đã bị đẩy lùi thì mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tăng cao. Ankara trước nay vẫn khẳng định họ muốn Assad từ chức, thành lập một chính quyền chuyển giao cho bầu cử.
Trở lại vụ Aydintas bắn chết đại sứ Nga Andrei Karlov, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng vụ tấn công nhằm mục tiêu gây tổn hại cho mối quan hệ song phương Nga – Thổ. Quan hệ hai nước chỉ vừa ấm lên trong thời gian gần đây sau khi bị “đóng băng” vì vụ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24-11-2015 sử dụng chiến đấu cơ F-16 bắn hạ máy bay cường kích Su-24 của Nga với lý do “xâm phạm lãnh thổ” khi chiếc Su-24 hoạt động sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Video hiện đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát:
Ảnh chụp từ hiện trường cho thấy Mevlut Mert Aydintas (trái), đứng sau đại sứ Nga Andrei Karlov (đeo kính), chuẩn bị nhắm bắn ông - Ảnh: AP
Moscow khi đó cho biết chiếc Su-24 không hề bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ mà chỉ hoạt động trên khu vực lãnh thổ Syria (được sự cho phép của chính quyền Assad) để tấn công các mục tiêu tình nghi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Sau vụ tấn công tối qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết ông đã điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin và trong một thông điệp thu ở dạng video, cho biết cả hai người đều đồng ý rằng việc giết đại sứ Nga là một “hành động khiêu khích”.
Erdogan cũng nhấn mạnh bất cứ kẻ nào muốn gây hại cho quan hệ hai nước “sẽ không thành công”.
Trong khi đó, phát ngôn viên của tổng thống Nga Putin cho biết một nhóm các nhà điều tra Nga đã lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp điều tra chung vụ việc.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki – Moon đã lên án vụ tấn công, gọi đây là “hành động phi nghĩa của khủng bố”.
Vì sao đại sứ Nga bị giết?
Ngay sau khi ông Karlov bất thần bị bắn và tử vong sau đó bởi một cảnh sát, tổng thống Nga Putin nhấn mạnh trong một phát biểu trên truyền hình rằng hành động này “không nghi ngờ gì nữa là một hành động khiêu khích nhằm phá vỡ tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương Nga - Thổ và tiến trình hòa bình tại Syria”.
Qua đó, Putin đã gián tiếp thừa nhận chính sách can thiệp tại Syria của Moscow có thể là một trong những nguyên nhân khiến hung thủ bất bình xuống tay với ông đại sứ.
Phóng viên Mark Lowen của BBC ghi nhận dù nhiều cuộc biểu tình diễn ra trong những ngày gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phản đối Nga về tình hình tại Aleppo, ở cấp độ chính trị, cả hai chính quyền Nga – Thổ đều đang hợp tác với nhau thực hiện lệnh ngừng bắn.
Trước khi vụ tấn công xảy ra, ngoại trưởng 3 nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã lên kế hoạch gặp nhau tại Moscow để bàn thảo về tình hình Syria.
Tuy nhiên giờ đây cuộc chiến chính trị về tương lai của Syria có vẻ đã chuyển sang sự thù ghét ở cấp độ cộng đồng.
Mevlut Mert Aydintas cầm súng lục nhắm bắn - Ảnh: AP
Trong đoạn video quay lại tại sự kiện cho thấy đại sứ Karlov đang phát biểu tại một triển lãm nghệ thuật ở Ankara thì tiếng súng vang lên. 8 viên đạn được bắn ra. Hung thủ mặc áo vest, đóng cà vạt cầm khẩu súng lục và hét to bằng tiếng Ả Rập và tiếng Thổ.
Hắn ta hé to “đừng quên về vấn đề Aleppo, đừng quên Syria” rồi hô lên bằng tiếng Ả Rập "Allahu Akbar" (Thượng đế vĩ đại). Sau khi bắn chết đại sứ Nga và làm vài người bị thương, Aydintas bị cảnh sát bắn hạ sau đó.
Động cơ của hung thủ hiện đang được điều tra, tuy nhiên các giả thuyết được truyền thông quốc tế đưa ra lúc này đều hướng về chính sách của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thời gian qua có thể đã khiến hung thủ bất bình.
Tại Syria, Nga ủng hộ chính quyền Assad, hậu thuẫn quân đội Syria tiến hành không kích ác liệt thành phố Aleppo mấy tháng qua nhằm cô lập quân nổi dậy. Chiến dịch khiến nhiều dân thường thiệt mạng (trong đó có trẻ em), gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng khi khiến nhiều người kẹt giữa hai làn đạn, không tiếp cận được nước uống, thực phẩm.
Nga cũng đã can thiệp sâu vào tình hình Syria từ nhiều năm qua khi thiết lập căn cứ không quân tại lãnh thổ nước này để tiến hành các đợt không kích tiêu diệt quân nổi dậy, tạo lợi thế trên chiến trường cho Assad.
Mevlut Mert Aydintas cầm súng bên cạnh thi thể đại sứ Nga - Ảnh: Reuters
Về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, sau vụ Ankara bắn hạ chiếc Su-24 vào tháng 11-2015, Nga đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên kinh tế và cho dừng các chuyến bay chở du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này có thể đã khiến chủ nghĩa dân tộc chống Nga tại nước này bùng lên, tạo sự căm ghét lan rộng ở một số người. Mevlut Mert Aydintas – kẻ bắn chết đại sứ Nga có thể là một trong số đó.
Chính sách ngoại giao của Moscow do vậy được xem xét vào động cơ gây án của hung thủ trong vụ này.
Khu vực trước tòa nhà hiện trường vụ tấn công - Ảnh: Reuters
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov năm nay 62 tuổi. Ông là một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm. Karlov từng là đại sứ Xô-viết tại CHDCND Triều Tiên những năm 1980. Sau khi chính quyền Xô-viết tan rã vào năm 1991, ông trở thành đại sứ Nga tại Hàn Quốc trước khi trở lại làm đại đại sứ Nga tại CHDCND Triều Tiên trong 5 năm vào năm 2001. Tháng 7-2013, ông đảm nhiệm chức vụ đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, là người tham gia xử lý khủng hoảng giữa hai nước sau vụ chiếc Su-24 bị bắn rơi vào tháng 11-2015. Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov - Ảnh: Sputnik |
Những người trong khu vực triển lãm lo sợ tìm chỗ trú ở các góc của phòng triển lãm khi vụ tấn công diễn ra - Ảnh: AP
Phản ứng sau vụ đại sứ Nga bị sát hại tối 19-12 (giờ VN), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Mỹ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong công tác điều tra vụ tấn công hèn hạ này. Đây là một cuộc tấn công nhắm vào quyền của tất cả những nhà ngoại giao được làm việc trong an toàn khi đại diện cho quốc gia của họ trên toàn Thế giới.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết mình bị sốc khi nghe tin về vụ tấn công. Boris Johnson chia sẻ nỗi buồn với gia đình vị đại sứ và “lên án cuộc tấn công hèn nhát này”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande “lên án mạnh mẽ” vụ ám sát.