Quá trình tiến vào tương lai của New York Times

Thứ Ba, 14/02/2017 07:05  | Đức Thiện

|

(CAO) New York Times (NYT), gọi tắt là Times, là tờ báo có lượng phát hành lớn thứ hai tại Mỹ và là một trong những tờ báo có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới.

Mặc dù nổi tiếng với các tờ báo in quen thuộc, nhưng thời đại công nghệ với internet phát triển mạnh buộc họ phải có những thay đổi để tiếp tục tồn tại. Báo Điện tử Công an TP.HCM xin trích dẫn những nội dung chính trong bài viết trên Wired nói về "Quá trình tiến vào tương lai của New York Time":

Arthur Gregg Sulzberger, nhà xuất bản phó của NYT, cùng đội ngũ những nhà điều hành và phóng viên của mình, đang thực hiện một chuyển giao mang tính chiến lược lớn nhất trong 165 năm lịch sử của tờ báo. Ông tin điều này sẽ củng cố nền tảng của tờ báo, nâng cao chất lượng chuyên môn của nghề báo và đảm bảo một tương lai lâu dài, bền vững.

Trụ sở chính của New York Times

Mục tiêu chính không chỉ là tối đa hóa nguồn thu từ quảng cáo. Họ muốn biến đổi việc độc giả đăng ký để theo dõi tin tức thành công cụ chính cho một ngành kinh doanh hàng tỉ đôla, nhờ đó có thể trả công cho phóng viên tại 174 quốc gia kể cả nếu như báo in biến mất vĩnh viễn. Để làm điều đó, họ vạch ra kế hoạch đầy tham vọng trong việc đầu tư vào những giá trị cốt lõi (ở đây là báo chí) đồng thời bổ sung thêm các dịch vụ và tính năng trực tuyến (online).

Ngày 25-5-1994, Arthur Ochs Sulzberger, người kế nhiệm chiếc ghế xuất bản từ cha mình có bài phát biểu nêu quan điểm về sự đổi mới công nghệ với tờ báo. “Nếu họ (độc giả - PV) muốn thông tin nằm trong một chiếc đĩa CD-ROM, tôi sẵn sàng đáp ứng. Internet ư? Điều đó ổn với tôi”. Martin Nisenholtz, người được thuê làm kiến trúc sư về chiến lược số của NYT năm 1994, cho rằng: “Quan điểm của Arthur về những công nghệ này chính là hệ thống phân phối chính của Times”.

Bằng quan điểm đó, trang web NYTimes.com được ra đời vào ngày 22-1-1996. Nó được cập nhật một lần mỗi ngày bằng các bài viết trên báo in. Tương tự như mọi thứ khi đó, nó hoàn toàn miễn phí.

Thời điểm đó, Arthur Gregg Sulzberger, con trai của Arthur Ochs Sulzberger, chỉ mới 16 tuổi. Đó là lúc mà hàng loạt phương tiện tương lai của báo chí trỗi dậy: blog, mạng xã hội và điện thoại di dộng. Cùng lúc đó, số lượng phát hành báo in, quảng cáo và uy tín của tờ báo bắt đầu sụt giảm.

Sulzberger tốt nghiệp chuyên ngành khoa học chính trị năm 2003, trước khi trở thành một phóng viên phụ trách mảng địa phương của tờ báo. Đó cũng chính là quãng thời gian khó khăn với Times khi đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính từ thiếu hụt nguồn thu quảng cáo khiến nhiều người dự đoán tờ báo sẽ phá sản.

Từ năm 2005 đến năm 2010, Times thất thoát 600 triệu đôla từ nguồn thu quảng cáo trên báo in. Để có thể duy trì hoạt động, họ phải nhờ đến món vay 250 triệu đôla từ một tỉ phú người Mexico, đổi lại là 17% cổ phần của công ty. Họ cũng phải bán bớt một số tài sản khác, trong đó có trụ sở tại Manhattan.

Kể từ đó, việc tìm kiếm nguồn thu kỹ thuật số trở thành ưu tiên hàng đầu của Times. Và đến năm 2014, Sulzberger khi đó đã là biên tập viên mảng địa phương, được giao nhiệm vụ trông nom hoạt động đánh giá nội bộ của khả năng kỹ thuật số. Một tài liêu 97 trang được đưa ra với tên gọi Innovation Report (tạm dịch: Báo cáo đổi mới) trở thành một bước ngoặt.

Arthur Gregg Sulzberger

“Phòng tin tức có thói quen phản ứng bảo thủ bằng cách xoa dịu hoặc chặn đứng những thay đổi”, trích một phần trong báo cáo. Mặc dù tài liệu này sau đó bị rò rỉ nhưng chỉ trong ít ngày nhưng Gregg Sultzberger nhận ra sự ủng hộ của công đồng trong việc phải thay đổi tư duy làm báo.

Times là một tổ chức lớn với khoảng 1.300 phóng viên. Việc quản lý đã tạo ra nhiều nhóm đảm đương các công việc đặc biệt để tìm ra giải pháp tiếp cận những cách đưa tin mới. Nhóm 2020 là một ủy ban đã nghiên cứu về phòng tin tức trong một năm qua vừa công bố bảng báo cáo chiến lược trong 3 năm tới vào tháng 1. Một đơn vị khác có tên gọi Story[X] thì có nhiệm vụ thí nghiệm các công nghệ mới nổi.

Và rồi họ có Nhóm Beta, nơi trở thành trung tâm cho những sáng kiến kỹ thuật số của Times. Nó được thành lập bởi anh họ của Sulzberger, David Perpich. Perpich có bảng thành tích đáng ngưỡng mộ, khi tham gia hai dự án khởi nghiệp về công nghệ đã góp sức thành lập một ngôi trường đào tạo DJ. Ông sau đó theo học thạc sĩ tại đại học trứ danh Havard, làm thêm một số công việc rồi đi theo nghiệp kinh doanh của gia đình vào năm 2010.

David Perpich giữ chức vụ là giám đốc điều hành về các sản phẩm trả tiền. Ông cùng đội của mình giám sát sự ra đời của một loại hình tính phí kiểu mới, lần đầu tiên độc giả phải trả tiền để có thể nhận được truy cập đầy đủ và thường xuyên vào trang web NYTimes.com. Dự án này trở thành một thành công của tờ báo dù nó đến khá muộn. 5 năm kể từ khi nó được triển khai vào năm 2011, có hơn 1.5 triệu người chi hơn 200 triệu đôla mỗi năm để nhận được quyền đăng ký đọc báo.

Mặc dù hình thức tính phí đọc báo này mang đến một lượng thu nhập không nhỏ cho tờ báo, nhưng những người đứng đầu ở đây cho rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Nhóm Beta cho đến nay tạo ra được nhiều sản phẩm giúp mang đến những hướng đi mới cho NYT, trong đó có việc phát triển nhiều ứng dụng điện thoại quan trọng.

Không chỉ là sáng tạo ra công nghệ, Times còn có nhiệm vụ tìm hiểu cách thức vận hành công nghệ. Đó là việc làm của Sam Dolnick, một người anh họ khác của Sulzberger. Dolnick phải tìm cách đưa những công nghệ mới vào công việc của tòa soạn, từ kính thực tế ảo (VR) cho đến livestream.

Nhờ có Dolnick, NYT đã cho ra đời ứng dụng điện thoại NYT VR, giúp cho người dùng có thể theo dõi những bộ phim phóng sự của Times. Cho đến nay, họ đã sản xuất được 16 bộ phim, còn NYT VR thì đạt được con số hơn 1 triệu lượt tải về.

Công nghệ Livestream trên Facebook hiện nay cũng được tận dụng triệt để.

Những sự thay đổi này khá khó khăn. Những năm gần đây Times thường đề nghị các nhân viên mua cổ phiếu của công ty, đổi lại họ sẽ nhường chỗ cho những nhà báo mới phù hợp với công nghệ kỹ thuật số. Như một biên tập viên giấu tên đã nói: “Những con khủng long đang được tiêu hủy”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang