Trump có ít lựa chọn phù hợp để phản ứng lại Triều Tiên sau vụ thử tên lửa

Thứ Hai, 13/02/2017 10:39  | Anh Duy

|

(CAO) Sáng nay 13-2 (giờ VN), hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) loan tin nước này đã thử thành công tên lửa tầm trung Pukguksong-2, một loại vũ khí chiến lược có khả năng mang theo 1 đầu đạn hạt nhân.

Vụ thử được tiến hành vào rạng sáng qua 12-2, khi quả tên lửa bay được 500km rồi rơi xuống biển Nhật Bản

Phép thử cho Trump

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thử tên lửa sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1-2017. Vụ thử được cộng đồng quốc tế nhận định là “phép thử” cho chính quyền mới ở Washington đối với cam kết bảo vệ đồng minh (Hàn Quốc, Nhật Bản) ở Châu Á. Bình Nhưỡng cho phóng tên lửa chỉ 1 tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm 2 nước này. Vào ngay lúc quả tên lửa bay ra biển, Trump đang ngồi ăn trưa với thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở bang Florida.

Vậy Trump sẽ phản ứng thế nào trước những khiêu khích có chủ đích này đến từ Bình Nhưỡng?

Reuters sáng 13-2 đăng bài viết nhan đề “Vài lựa chọn khả dĩ trong kho vũ khí của Trump để chống lại thách thức từ Triều Tiên” nhận định: Dù trong chiến dịch tranh cử, Trump từng “mạnh miệng” sẽ có động thái cứng rắn với chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng, nhưng phản ứng cầm chừng của ông, với tuyên bố “đang xem xét các biện pháp phản ứng” sau vụ thử tên lửa hôm 12-2 cho thấy Trump cũng đang “bí” khi không có nhiều lựa chọn khả dĩ để phản ứng đối với Bình Nhưỡng.

Một số lựa chọn “đang được cân nhắc” như áp thêm các lệnh trừng phạt nhắm vào chính quyền Bình Nhưỡng hay tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa (như hệ thống THAAD đặt ở Hàn Quốc), những lựa chọn không khác gì mấy so với phản ứng của chính quyền Obama từng làm.

Người dân ở Seoul,  Hàn Quốc theo dõi trên TV tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên vào ngày 12-2 - Ảnh: Reuters

Ý tưởng gây áp lực lên Trung Quốc – đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên để nước này đồng ý chung tay kiềm chế các hành động khiêu khích đến từ Bình Nhưỡng, xem ra cũng khá khó khăn đối với chính quyền mới của Mỹ. Liệu Bắc Kinh có chịu hợp tác khi Trump liên tục chỉ trích Trung Quốc trong các vấn đề tiền tệ, thương mại và tranh chấp trên Biển Đông?

Hai giải pháp khác để phản ứng hành động thử tên lửa của Triều Tiên từ phía Mỹ có thể là: 1/ Can thiệp quân sự chống lại Bình Nhưỡng hoặc 2/ Kéo Bình Nhưỡng vào các vòng đàm phán đa phương để họ chấm dứt chương trình hạt nhân, tên lửa. Tuy nhiên: Nếu can thiệp quân sự, Trump có thể đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh mới. Còm “dịu giọng” đàm phán với Triều Tiên, Mỹ có thể tạo điều kiện cho Bình Nhưỡng dùng chính sách “lùi để tiến” với mục tiêu câu giờ. Trong lúc đàm phán, nước này có thể âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân, hoặc lấy việc đàm phán để mặc cả với cộng đồng quốc tế những chính sách có lợi cho mình.

Bonnie Glaser – Chuyên gia về Châu Á ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định: “Những lựa chọn khả dĩ cho Trump phản ứng với Triều Tiên đang bị giới hạn”.

Phản ứng đầu tiên sau vụ thử tên lửa hôm 12-2, Trump nói với phóng viên từ bang Florida (có mặt của thủ tướng Nhật Shinzo Abe) theo cách rất “ngoại giao”: “Tôi chỉ muốn mọi người biết, và hoàn toàn hiểu rằng Mỹ sẽ luôn đứng sau Nhật Bản, đồng minh tuyệt vời của chúng tôi, 100% là thế”.

Trump không đề cập đến Triều Tiên cũng như bất kỳ biện pháp trả đũa nào.

Khó mà "cứng rắn"

Reuters nhận định có thể vài ngày nữa, Trump sẽ bắt đầu “nhả chữ” trên trang Twitter cá nhân – như ông vẫn thường làm để dành những lời lẽ cay nghiệt cho Triều Tiên. Tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng tuyên bố ban đầu khá nhẹ nhàng (cam kết ủng hộ Nhật Bản) cho thấy có thể các phụ tá cố vấn đã thuyết phục được ông rằng, lúc này đừng nên đưa ra những tuyên bố trừng phạt, đe dọa Bình Nhưỡng mà sau đó có thể sẽ rất khó để thực hiện. Thêm vào đó, lúc này chính quyền mới đang trong quá trình xây dựng chính sách đối phó với Triều Tiên (bởi thế Trump đừng nên phản ứng vội vã)”.

Dự báo, Trump và đội ngũ của mình có thể sẽ cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới gồm gia tăng các biện pháp kiểm soát tài chính đối với Triều Tiên. Gia tăng sự hiện diện của không quân, hải quân và tăng cường các cuộc tập trận chung xung quanh bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhanh chóng thiết đặt hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) ở Hàn Quốc.

Trump cũng có thể “đi xa” hơn chính quyền Obama khi có thể áp các lệnh trừng phạt “thứ cấp” lên các doanh nghiệp và tổ chức có thể đang hỗ trợ cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, trong đó có nhiều cá nhân, tổ chức ở Trung Quốc.

Trump khó có nhiều lựa chọn khả dĩ để phản ứng lại Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Giờ đây “quả bóng” Triều Tiên đang được đẩy về chân Trung Quốc. Vì Bắc Kinh gần như là đối tác thương mại trọng yếu và duy nhất đối với Bình Nhưỡng, tiếng nói của Bắc Kinh sẽ có giá trị để tác động đến chính quyền Triều Tiên. Nhưng quan trọng là “thái độ” của Trump.

Trump nhiều lần chỉ trích chính quyền Trung Quốc ở nhiều vấn đề từ tiền tệ đến thương mại, thậm chí đe dọa sẽ không tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc” (xem Hồng Kông, Ma Cau, Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ chịu sự quản lý của Bắc Kinh). Những hục hặc Trung – Mỹ từ khi Trump lên cầm quyền có khả năng sẽ cản trở sự sẵn sàng hợp tác của Bắc Kinh nhằm gây áp lực lên Bình Nhưỡng.

Thế nên giờ đây dù Triều Tiên có thử thêm nhiều quả tên lửa, Trump cũng khó có nhiều lựa chọn khả dĩ để phản ứng lại, đúng theo tuyên bố “sẽ cứng rắn hơn” so với chính quyền Obama như lúc tranh cử ông từng nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang