Xu hướng ngã về cánh hữu của người dân khiến bầu cử tổng thống Pháp gay cấn, khó lường

Thứ Sáu, 10/02/2017 09:28  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Tình hình chính trị ở Pháp rối ren hơn bao giờ hết kể từ khi vụ "Penelope-gate" được khui ra làm cho ứng cử viên tranh cử tổng thống François Fillion của đảng Những người Cộng hòa (Les Républicains) lâm vào thế yếu.

Báo chí đã tố giác vợ chồng Fillion và con cái đã "biển thủ" 1,8 triệu euro của ngân quỹ quốc gia khi ông tuyển dụng bà vợ và hai con của mình làm trợ lý rồi trả lương cao trong giai đoạn làm hạ nghị sĩ rồi lên chức thượng nghị sĩ.

Mọi sóng gió mà ông Fillon trải qua từ hơn 2 tuần qua xuất phát từ báo Le Canard Enchaîné. Theo báo này, khi là hạ nghị sĩ, cựu thủ tướng Pháp đã chọn vợ là Penelope Fillon làm cộng sự trong các giai đoạn từ năm 1988 - 1990, từ 1998 - 2002 và từ 2012 - 2013. Thời gian làm thượng nghị sĩ từ năm 2005 - 2007, ông Fillon cũng chọn 2 con là Marie Fillon và Charles Fillon làm trợ lý. Việc tuyển dụng người nhà không sai luật nhưng cựu thủ tướng Pháp đang bị điều tra vì bị nghi ngờ vợ con của ông chỉ làm việc ảo nhưng lại hưởng lương rất cao.

Và mỗi ngày lại lòi thêm ra một chi tiết mới khác. Cho dù ông Fillion đã xin lỗi dân Pháp, tiếp tục chương trình tranh cử, và đảng Les Républicains há miệng mắc quai đã bầu cho úng cử viên François Fillion lại chưa đưa ra được một phương án "B" để thay thế ông Fillion, nhưng nếu ông tiếp tục tranh cử tổng thống thì sẽ không còn nhận được sự tín nhiệm của đa số dân Pháp nữa.

Các ứng cử viên Manuell Valls, Alain Juppé đã bị loại. Ông Allain Juppé, người đã thua ông François Fillion, hiện đang đặt ra điều kiện để trở lại tranh cử cho đảng Les Republicains.

Bên cánh tả thì có ứng cử viên Macron của đảng PS, Hamon (PS), Mélenchon (Mặt trận cánh tả) đang nổi lên.

Bên cánh hữu thì có Marine Le Pen (Mặt trận Quốc gia Pháp - FN), Nicolas Dupont-Aignan (Debout la France) đang thắng thế.

Thêm vào đó, những nhân vật như Bayrou (đảng trung lập cánh hữu MoDem), Michele Aillot-Marie (cánh hữu) cũng đang sửa soạn tái xuất hiện trên chính trường.

Bà Marine Le Pen (đảng Mặt trận quốc gia) - Ảnh: Stéphane de Sakutin/ AFP

Bà Marine Le Pen (đảng Mặt trận quốc gia) với chương trình tranh cử 144 điểm thu hút mọi sự chú ý vì báo chí thổi phồng bà lên là "Trump của châu Âu". Trong 144 điểm thì nổi bật nhất là các điểm: Rút khỏi khu vực đồng Euro, rút khỏi khu vực Hiệp ước đi lại tự do Schengen, rút khỏi ngân sách khối EU. Đồng thời bà cũng dự tính sửa đổi hiến pháp, tập trung quyền lực bảo vệ dân Pháp chính thống, bảo vệ quyền lợi của dân Pháp trong các vấn đề tìm việc làm, nhà ở xã hội và những quyền lợi ưu tiên khác.

Theo chương trình của bà Le Pen thì việc sửa đổi hiến pháp và "Franxit" (rút khỏi Liên minh Châu Âu giống dân Anh với Brexit) sẽ được thực hiện gấp rút trong hai cuộc trưng cầu dân ý tiếp nối theo cuộc bầu cử tổng thống.

Người dân lo sợ một sự thay đổi theo chiều hướng phát xít có thể xảy ra, nếu bà Le Pen thắng cử. Bà Le Pen có khả năng thắng cử nếu dân Pháp theo thói quen cố hữu dùng lá phiếu để chống lại những chính trị gia mà mình không muốn được bầu làm tổng thống. Một ví dụ đã xày ra trong lịch sử nước Pháp, đó là việc bầu cử lần hai của Chirac vào năm 2002. Để ngăn chặn Jospin (đảng Xã hội), dân chúng bỏ phiếu cho ông Jean-Marie Le Pen, cha của bà Marine Le Pen, trong vòng 1, với kết quả là Le Pen đối đầu với Chirac trong vòng 2. Kết cục, dân Pháp đã ngăn chặn Le Pen bằng cách dồn phiếu cho Chirac, tái đắc cử với 82, 21 % số phiếu.

Cho dù đảng cực hữu "Mặt trận quốc gia" của bà Marine Le Pen không có đủ số ghế nghị sĩ đa số trong Quốc hội Pháp, cũng như trong Thượng viện Pháp, nhưng chiếu theo Hiến pháp Pháp hiện tại thì bà có thể tiếp tục thay đổi tình thế bằng phương cách trưng cầu dân ý, nếu bà thắng cử tổng thống. Và nếu gió xoay chiều ngả sang cực hữu thì khó có ai đoán trước được, như thời đệ nhị thế chiến với việc trao quyền cho thống chế Petain, người đã tiếp tay cho Hitler.

Sự lo ngại hiện nay là chính đáng vì bên cánh tả không ai là được lòng dân rộng rãi, lại chia rẽ sâu sắc. Dân chúng đã chán ngán hết mức tình hình hiện tại. Ảnh hưởng nằm ở trong tay báo chí tha hồ làm mưa làm gió, hạ bệ người này tâng bốc người kia. Một khả năng Emmanuel Macron đối đầu với Marine Le Pen đã được đặt ra.

Trong bối cảnh đó thì việc công bố thống kê thành phần người nhập cư/di tản mang một ý nghĩa đặc biệt.

Theo định nghĩa của cơ quan hành chánh Pháp, cũng như một số nước ở Âu châu, người di tản, tức là người nhập cư (les immigrées) gồm thành phần tất cả những người có gốc nước ngoài, dù đã có quốc tịch Pháp hay không. Thí dụ người có gốc Việt Nam, dù có quốc tịch Pháp, không được coi là người Pháp, mà là thuộc thành phần di tản trong thống kê về dân số, hộ tịch.

Một nghiên cứu của viện thống kê quốc gia INSEE Pháp công bố kết quả điều tra dân số của năm 2015, cho biết có 11% (7,3 triệu người) dân số nước Pháp có nguồn gốc từ ít nhất một cha hay mẹ có gốc tích nước ngoài.

Trong con số nói trên gồm có những người di tản gốc Tây ban nha và Ý trong những năm 1930, hay Bồ Đào Nha trong thập niên 1970. Sau thời gian này là thành phần di tản của các nước Algerie (sau chiến tranh Algerie) và Maroc. Thế hệ thứ hai của họ chiếm 31% tổng số thành phần di tản.

Kể từ 1975 con số nhập cư được tăng lên bởi người di tản đến từ châu Phi và châu Á, với một kết quả là 11% người thế hệ hai có gốc tích Nam Phi và 9 % người thế hệ hai có cha hoặc mẹ gốc châu Á.

Thống kê của ISNEE

Ba nước Đông Dương thuôc địa cũ của Pháp, Việt Nam, Lào và Campuchia, chiếm 3% trong tống số thành phần di tản, nhập cư ở Pháp.

Kết quả điều tra dân số 2015 cho thấy một điều rõ ràng là 82% thành phần di tản, nhập cư sinh sống ở những thành phố có trên 50.000 dân, chỉ có 8% ở nhà quê. So với người Pháp chính gốc thì 73% sống ở thành phố có hơn 50.000 dân, và 27% sống ở vùng nông thôn.

Đặc biệt khu vực Ile-De-France (ở Paris, 35%), Auvergne-Rhône-Alpes và Provence-Côte d´Azur thu hút rất đông người di tản, thành phần nhập cư.

Thống kê nói trên có nhiều công dụng trong chính sách đối với di tản/nhập cư, chính sách lao đông, an ninh xã hội, dân số, nguồn gốc và nhất là sử dụng trong chính trị.

Nếu thắng cử, chính sách "phân biệt" người Pháp gốc và những người có gốc nhập cư của bà Le Pen có thể gây xáo trộn trong xã hội nước này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang