Với Trump, chính sách ‘Một Trung Quốc’ như mọi thứ, đều có thể thương lượng

Thứ Tư, 08/02/2017 14:04  | Anh Duy

|

(CAO) Đó là tít bài viết trên tờ South China Morning Post (SCMP) khi các chuyên gia nhận định sẽ không có đàm phán thương mại nào giữa hai nước được tiến hành nếu tổng thống Mỹ Donald Trump một mực từ bỏ chính sách ‘Một Trung Quốc’ được các chính quyền tiền nhiệm theo đuổi bấy lâu.

Hục hặc giữa Trung – Mỹ xoay quanh chính sách này (xem Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cau là một phần lãnh thổ Trung Quốc, chịu sự quản lý của Bắc Kinh) đã bị Trump “dội gáo nước lạnh” khi ông nhận cuộc điện thoại chúc mừng thắng cử từ nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào tháng 12-2016.

Hai tuần sau khi nhậm chức, đến nay Trump vẫn chưa có cuộc điện đàm trực tiếp nào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chẳng những thế, ông chủ Nhà Trắng vẫn giữ nguyên quan điểm Bắc Kinh phá giá tiền tệ, để vấn nạn gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ lan tràn. Ông còn bổ nhiệm giáo sư Peter Navarro (Đại học California), người có đường lối cứng rắn với Trung Quốc làm người đứng đầu Hội đồng Thương mại quốc gia.

Tuy nhiên, mắc míu lớn nhất giữa hai bên vẫn là chính sách ‘Một Trung Quốc”. Trả lời tờ Wall Street Journal hồi tháng 1-2017, Trump lấy Đài Loan ra mặc cả khi khẳng định sẽ không công nhận vị thế ngoại giao của Đài Bắc nếu Bắc Kinh cho ông thấy rõ những “tiến bộ” trong lĩnh vực thương mại và tiền tệ. Ông nhấn mạnh: “Mọi thứ đang được đàm phán, kể cả chính sách Một Trung Quốc”.

Trước đó vào tháng 12-2016, Trump từng chọc tức Bắc Kinh khi khẳng định chính quyền Mỹ không nhất thiết bị ràng buộc trong việc thực thi chính sách này trừ khi nhận được nhượng bộ ở các lĩnh vực khác như thương mại từ Bắc Kinh.

Vấn đề Mỹ - Trung Quốc và Đài Loan được khơi màu căng thẳng ở nhiệm kỳ của Trump - Ảnh: EPA

“Chúng tôi có thể bán cho Đài Loan 2 tỉ USD thiết bị quân sự tối tân và lớn nhất cho Đài Loan nhưng không được phép nhận cuộc điện thoại chúc mừng (từ bà Thái Anh Văn). Điều đó thật thô lỗ khi có bên nói rằng họ không chấp nhận cuộc điện thoại đó” – ông nói với tờ Wall Street Journal hồi tháng 1.

SCMP dẫn lời Tsai De-sheng - Giám đốc Cục An ninh lãnh thổ Đài Loan nhận định "Chính sách Một Trung Quốc là con bài mặc cả với Bắc Kinh (của Trump) với tham vọng dùng nó gây ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc".

Còn Su Hao – Giáo sư đến từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định nếu quyết tâm đối đầu với Bắc Kinh, Trump có thể gửi quan chức quân sự cấp cao đến Đài Loan, bán vũ khí tân tiến cho Đài Bắc hay giúp cho vùng lãnh thổ này có thể gia nhập các tổ chức quốc tế đòi hỏi tư cách của các thành viên phải là những quốc gia có chủ quyền.

Giáo sư Hao nhấn mạnh: “Đối với Bắc Kinh, nguyên tắc Một Trung Quốc liên quan đến vấn đề toàn vẹn chủ quyền và phẩm giá của một quốc gia. Không có lợi ích kinh tế nào có thể so sánh với điều đó”. Trong khi đó với Trump, ông lại xem đó là một thỏa thuận để đánh đổi lợi ích thương mại và có thể đàm phán được.

Uy tín của các lãnh đạo Trung Quốc, trong và ngoài nước cũng dựa trên chính sách Một Trung Quốc. Xâm phạm quá mức những điều mà Bắc Kinh xem là lợi ích cốt lõi như Đài Loan có thể Trump sẽ nhận lấy hành động trả đũa ồ ạt từ nước này” - Giáo sư Hao nhận định.

Những hành động mới đây của Trump như kiên quyết đòi xây tường ngăn biên giới với Mexico hay ban hành sắc lệnh cấm người nhập cảnh từ 7 quốc gia vùng Trung Đông cho thấy ông quyết tâm thực hiện các cam kết khi tranh cử của ông. Điều này phát tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc về những vấn đề như chính sách 'Một Trung Quốc', Trump có khả năng sẽ thực hiện đến cùng tuyên bố 'không nhất thiết phải tuân thủ, có thể đàm phán' trước đó. Bắc Kinh vì thế đang 'ngồi trên đống lửa' với cách hành xử kiên quyết mà khó đoán của Trump. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang