TRUNG – MỸ “ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG” TRƯỚC NGÀY TRUMP NHẬM CHỨC Trước ngày tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhậm chức (20-1), mối quan hệ Trung – Mỹ bị đẩy lên căng thẳng mới sau cú điện đàm giữa ông với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2-12. Từ đó đến nay, Trung Quốc và Mỹ liên tục “tung đòn” ăn miếng trả miếng. Từ vụ Bắc Kinh cho lực lượng bám theo tàu USNS Bowditch rồi ngang nhiên tịch thu tàu lặn tự hành (UUV) của Mỹ trên vùng biển quốc tế hôm 15-12. Đến việc Trump ngay sau đó “phản đòn” bằng cách bổ nhiệm giáo sư Peter Navarro có đường lối cứng rắn với Trung Quốc làm người đứng đầu Hội đồng thương mại quốc gia thuộc Nhà Trắng. Khi Bắc Kinh ra thông cáo kêu gọi Washington cấm bà Thái Anh Văn quá cảnh trên đường công du từ ngày 7-1 đến 4 quốc gia vùng Trung Mỹ. Hôm 1-1, trả lời các phóng viên về khả năng có gặp bà Văn sau khi nhậm chức hay không, Trump lại “chọc tức” Bắc Kinh bằng cách để ngõ khả năng gặp mặt: “Rồi chúng ta sẽ thấy” – Ông nói úp mở với các phóng viên. Những vụ việc xảy ra liên tiếp cho thấy viễn cảnh chông gai trong mối quan hệ Trung – Mỹ thời Trump cầm quyền. Vị tỷ phú tay ngang lấn sân sang chính trị đã phá vỡ hàng loạt nguyên tắc về ngoại giao, từ việc nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Đài Loan, điều mà từ năm 1979, không có vị tổng thống Mỹ nào thực hiện công khai. Đến việc Trump “cả gan” đòi Washington xem xét lại chính sách “Một Trung Quốc” tức xem Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cau thuộc lãnh thổ và chịu sự quản lý của Bắc Kinh. Trump trả lời “tỉnh bơ” trong chương trình Fox News Sunday vào ngày 11-12 (giờ Mỹ): "Tôi hoàn toàn hiểu được chính sách Một Trung Quốc, nhưng tôi không hiểu vì sao chúng ta (Mỹ) lại bị ràng buộc vì nó, trừ khi chúng ta thoả hiệp với Bắc Kinh một thứ gì đó, như thương mại chẳng hạn". Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên Biển Đông - Ảnh: CNS Vị tỷ phú đã lấy vấn đề tồn vong của chế độ đối với Bắc Kinh ra mặc cả bằng những thỏa thuận kinh tế. Từ khi đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền vào năm 1949, chủ nghĩa dân tộc ở nước này đã được nuôi dưỡng bằng hệ thống tuyên truyền của chính quyền, từ truyền thông (báo, đài) đến sách giáo khoa…đều nhấn mạnh Đài Loan là một phần lãnh thổ, là khu tự trị “cứng đầu” không sớm thì muộn sẽ được sáp nhập về Đại lục. Vì thế, dân chúng xem chính sách cứng rắn của Bắc Kinh với Đài Loan thể hiện uy tín và khả năng lãnh đạo của dàn quan chức cấp cao. Để Mỹ “lấn át” trong vấn đề Đài Loan, hình ảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ “tụt dốc” không phanh trong mắt người dân đang “hừng hực” tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Nhân nhượng về vấn đề Đài Loan có thể biến thành những vụ biểu tình, bạo động trên diện rộng trong dân chúng, vốn trước nay vẫn được tuyên truyền “Đài Loan là lãnh thổ của Bắc Kinh”. Trump nay lại lấy Đài Loan ra làm chủ đề “mặc cả” khiến chính quyền Trung Quốc đứng ngồi không yên. Ngay sau phát biểu về chính sách “Một Trung Quốc” của Trump, hôm sau 12-12 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc”, khuyến cáo chính quyền Mỹ sắp tới nên hiểu rõ tính nhạy cảm của vấn đề Đài Loan và đá “quả bóng” trách nhiệm sang Washington: “Chính sách 'Một Trung Quốc' là nền tảng chính trị trong quan hệ song phương Trung - Mỹ. Tôn trọng chính sách này là cam kết của Mỹ và chúng tôi muốn họ phải thực hiện". Trước khi dùng đòn “nắn gân” Trump hôm 15-12-2016 khi Bắc Kinh cho vớt tàu lặn tự hành của Mỹ trên Biển Đông, cách đó 4 ngày vào hôm 11-12, Trung Quốc cũng đã điều 6 máy bay quân sự gồm hai chiến đấu cơ Su-30, hai máy bay ném bom H-6 và hai máy bay thu thập tình báo bay qua eo biển Miyako tại Okinawa, tây nam Nhật Bản. Tờ Taipei Times (Đài Loan) cùng ngày đưa tin Đài Bắc theo sát cuộc tập trận này vì lộ trình bay của Trung Quốc tiến sát vùng lãnh thổ này. Hai đòn “nắn gân” liên tiếp trong 1 tuần gửi thông điệp cứng rắn đến Mỹ rằng Trung Quốc sẵn sàng đối đầu nếu những lợi ích quốc gia được họ xem là “cốt lõi” bị xâm phạm. Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz đã gặp bà Thái Anh Văn vào tối 8-1 (giờ VN), bất chấp sự phản đối của Trung Quốc - Ảnh: http://newhampshirereview.com/ Trump bên cạnh vấn đề Đài Loan còn “chọc tức” Bắc Kinh bằng hàng loạt tuyên bố chỉ trích khác từ tố chính quyền Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, dung túng cho tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ, cho đến vấn đề không “kiềm chế” Triều Tiên. Hôm 1-1, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố Bình Nhưỡng đang tiến gần đến một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Trump ngay lập tức “lôi” Trung Quốc vào: “Bắc Kinh hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế với Mỹ nhưng họ không dùng ảnh hưởng của mình để kiểm soát Triều Tiên”. Sự bực dọc của Trung Quốc với Trump thể hiện rõ qua bài xã luận trên Hoàn Cầu Thời Báo (ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo – Cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc) ngày 18-12-2016 chỉ trích: “Trump không hành xử như một tổng thống khi còn một tháng nữa sẽ làm chủ Nhà Trắng”. Thái độ ngày càng khiêu khích hơn của Bắc Kinh, sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”, thậm chí bằng các hoạt động quân sự với Mỹ trong nhiệm kỳ Trump cầm quyền đều đã được các chuyên gia quốc tế dự báo. Điển hình là vụ vớt UUV của Mỹ hôm 15-12-2016 cho thấy những hoạt động thăm dò bình thường như đo nhiệt độ, độ mặn của nước biển trên Biển Đông giờ đây cũng có thể dễ dàng biến thành “ngòi nổ” cho những căng thẳng ngoại giao kéo dài. Trước thời điểm Trump nhậm chức 2 tuần, Tân Hoa Xã hôm 5-1 rầm rộ loan tin tàu sân bay Liêu Minh dẫn theo đoàn tàu chiến, máy bay chiến đấu đang tập trận trên Biển Đông. Các máy bay chiến đấu J-15 của nước này “đang tập thực hành cất cánh và hạ cánh thuần thục trên tàu sân bay”. Vị trí tập trận nằm gần Đài Loan cho thấy thông điệp rõ ràng của Bắc Kinh gửi đến Mỹ. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trên bìa một tạp chí phát hành tại Trung Quốc - Ảnh: Johannes Eisele/AFP/Getty Images Tuy nhiên, Trump cũng “không vừa” khi nhiều lần thể hiện thái độ cứng rắn trước Trung Quốc. Trước phản đối của Bắc Kinh về cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2-12, CNN dẫn lời Trump nhấn mạnh: "Tôi không muốn bị Trung Quốc chi phối và đó là một cuộc gọi đến cho tôi. Tôi không chủ động gọi và đó chỉ là một cuộc gọi ngắn để nói 'chúc mừng ông đã giành chiến thắng'. Đó là điều tử tế”. Biển Đông cũng nằm trong mối quan tâm của vị tỷ phú. CNN dẫn lời ông chỉ trích: “Chúng ta (Mỹ) đang gặp khó khăn nghiêm trọng vì Trung Quốc phá giá tiền tệ. Họ đánh thuế các mặt hàng của Mỹ vô cùng nặng trong khi chúng ta thì không. Trung Quốc còn xây các công trình khổng lồ giữa Biển Đông, điều mà mà vốn dĩ họ không được làm. Họ còn không giúp đỡ chúng ta trong vấn đề Triều Tiên”. Những phát ngôn đốp chát qua lại giữa Trump và chính quyền Trung Quốc 2 tháng qua từ khi ông đắc cử thể hiện rõ những mâu thuẫn còn đang tồn đọng trong quan hệ hai nước. Do đan xen chằng chịt trong các mối quan hệ hợp tác phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, an ninh, Mỹ - Trung khó có thể đưa ra các biện pháp ngặt nghèo để trả đũa nhau nếu xảy ra xung đột lớn. Tuy nhiên, màn “dạo đầu” không mấy tốt đẹp từ lúc Trump đắc cử đến nay cho cộng đồng quốc tế thấy viễn cảnh quan hệ chông gai giữa hai bên trong thời gian Trump ngồi Nhà Trắng. |