Trước thời điểm nhậm chức tổng thống Mỹ của vị tỷ phú này (20-1), nhiều nỗi bất an đang tăng lên, từ “số phận” của chương trình chăm sóc y tế Obamacare đến chính sách tiếp nhận kiều hối của người lao động Mexico tại Mỹ.
Lo không còn tiền sống
Reuters hôm 2-1 đăng bài viết nhan đề “Những người di cư ở Mỹ, Mexico băn khoăn về đe dọa chặn dòng kiều hối của Trump”. Nội dung bài viết đã lột tả nỗi bất an của những người Mexico vượt biên sang Mỹ lao động (đa số không có giấy tờ hợp lệ), đang lo lắng tiền mình làm ra sẽ không chuyển được về nước để giúp đỡ gia đình.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Trump từng đe dọa sẽ ngưng cho phép cộng đồng người Mexico sinh sống tại Mỹ chuyển tiền về nước trừ khi Mexico đồng ý chi trả khoản tiền xây hàng rào dọc biên giới hai nước để ngăn dòng người di cư trái phép. Lo lắng là tâm lý tất nhiên khi chỉ trong năm 2016, những người di cư tại Mỹ đã gửi về Mexico lượng kiều hối khổng lồ, chạm mức kỷ lục 27 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với năm 2015.
Nhiều gia đình Mexico sống dọc biên giới với “thiên đường” Mỹ chỉ phụ thuộc vào nguồn thu chính là tiền kiều hối của người thân họ gửi về hằng tháng để tồn tại. Reuters dẫn lời Monica Arroyo – người sống ở một ngôi làng ngoại ô Ixmiquilpan (Mexico) cho biết cô sống dựa vào khoản kiều hối khoảng 200 USD/ tháng (khoảng 4,4 triệu đồng) của người con gái, đang làm việc trong tình trạng không giấy tờ hợp pháp ở một nhà hàng tại Clearwater (bang Florida, Mỹ).
“Nếu Mỹ hồi hương người di cư, những người dân sống tại Mexico như chúng tôi sẽ trở nên nghèo khổ hơn bởi vì chỉ ở Mỹ, người thân mới có việc và duy trì sự giúp đỡ bằng tiền kiều hối gửi về nhà” – Arroyo cho biết.
Một phụ nữ Mexico ngồi nói chuyện với người thân thông qua hàng rào biên giới ngăn giữa Mỹ và Mexico - Ảnh: Reuters
Thái độ nhập nhằng trong chính sách của Trump khiến nhiều người bất an vào thời điểm chỉ còn hơn 2 tuần ông sẽ lên nhậm chức. Dù những tháng gần đây, từ sau khi đắc cử tổng thống (8-11), Trump không đề cập đến vấn đề kiều hối cũng như trên trang web nhóm chuyển giao quyền lực của ông cũng không đả động gì đến vấn đề này như tuyên bố “ngăn tiền kiều hối” lúc còn tranh cử, nhưng nỗi bất an không vì thế mà giảm bớt. Trái lại, nhiều người chọn cách tích tiền “phòng thân” trước khi Trump vào Nhà Trắng.
Reuters dẫn lời Hernandez – con gái của Monica Arroyo sống ở Florida cho biết dịp Giáng sinh vừa qua, cô và chồng đã quyết định không gửi quà Giáng sinh về Mexico cho mẹ, nhằm để dành tiền “phòng thân” nếu chẳng may họ bị mất việc hoặc bị trục xuất khỏi Mỹ sau khi Trump nhậm chức. “Chồng tôi và tôi đang sống trong sợ hãi, khi vào một thời điểm bất ngờ, chúng tôi sẽ phải ra đi”.
Trong khi đó, một người di cư khác tại thung lũng Mezquital (bang Florida) nói với Reuters rằng ông chọn cách gửi tiền nhiều hơn bình thường về nhà trong dịp lễ Giáng sinh qua vì sợ mình không còn cơ hội làm vậy khi Trump lên nhậm chức.
Không chỉ ảnh hưởng ở phạm vi từng hộ gia đình, tuyên bố “chặn dòng kiều hối” của Trump còn có khả năng gây tác động xấu đến kinh tế những địa phương của Mexico có đông người di cư đến Mỹ. Reuters dẫn lời Michael Clemens – Nhà nghiên cứu về vấn đề kiều hối và di dân ở trung tâm Phát triển Toàn cầu cho biết những địa phương như thị trấn Ixmiquilpan (Mexico), kiều hối là “huyết mạch” của nền kinh tế. “Tiền kiều hối gửi về thường trở thành nguồn vốn tái đầu tư ở địa phương, giúp xây dựng những trường học tốt hơn cho trẻ em, chăm sóc tốt hơn cho người già và cải thiện tốt hơn vấn đề nhà ở của địa phương".
Một đoạn hàng rào ngăn biên giới giữa Jacumba, California (Mỹ) với Mexico - Ảnh: Reuters
Chính sách dân túy đặt “nước Mỹ trên hết” với đe dọa trục xuất hết những người di cư trái phép khỏi lãnh thổ của Trump không chỉ ảnh hưởng đến người Mexico mà còn lan sang những người di cư thuộc những quốc tịch khác. Hàng triệu gia đình phụ thuộc vào nguồn thu kiều hối từ người thân lao động không giấy tờ tại Mỹ đứng trước nguy cơ bị tuyệt “Nói dễ hơn làm” , khi vung tay tuyên bố lúc tranh cử với việc đối mặt với thực tế phức tạp sau khi nhậm chức đòi hỏi Trump” phải nghĩ cách xử lý các vấn đề theo hướng thấu tình và nhân văn nhất.
Bấp bênh chương trình Obamacare
Nỗi bất an về Trump nay cũng lan sang đạo luật cải cách Y tế (Obamacare) khi Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát ở lưỡng viện hôm qua 3-1 cho biết đang xúc tiến cuộc bỏ phiếu nhằm bãi bỏ phần lớn các điều khoản của Obamacare cũng như các sắc lệnh về tài chính và môi trường được Obama đặt bút ký trước đó, nhiều khả năng sẽ gây nên nhiều xáo trộn lớn trong xã hội sắp tới.
Tờ Politico hôm 3-1 đưa tin Phó tổng thống Mỹ đắc cử Mike Pence sẽ gặp các đồng nghiệp thuộc đảng Cộng hòa để bàn thảo về việc bãi bỏ Obamacare. Trong khi đó, đảng Dân chủ cảnh báo sẽ có đến 13,8 triệu người Mỹ tham gia chương trình nhằm cung cấp bảo hiểm y tế cho người dân nằm trong khuôn khổ Obamacare sẽ bị ảnh hưởng nếu đạo luật này bị thay đổi.
Kinh hoàng hơn, đảng Cộng hòa cũng muốn xem xét lại sắc lệnh về môi trường Obama đã ký trong đó có khả năng sẽ điều chỉnh lại các quy định về hạn chế, kiểm soát lượng khí thải công nghiệp gây ra biến đổi khí hậu. Việc Trump nhăm nhe đưa vào nội các các thành viên có tư tưởng chống lại việc cắt giảm khí thải khiến nhiều nhà hoạt động môi trường không khỏi ngán ngẩm.
Trong đó vị trí Ngoại trưởng đang được Trump đề cử, dành cho Tổng giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí đa quốc gia ExxonMobil - ông Rex Tillerson, cỗ máy khai thác nhiên liệu hóa thạch khổng lồ.
Trump tuyên bố Obamacare là một thảm họa - Ảnh: Reuters
Nỗi bất an đang lan rộng. Nếu Obamacare bị bãi bỏ, ước tính 22 triệu người Mỹ sẽ không còn bảo hiểm y tế. Vì thế, hồi tháng 11 BBC đưa tin ngay sau khi nghe tin Trump đắc cử, người dân đã lũ lượt kéo nhau đi mua Obamacare trước khi nó có thể bị hủy.
Vấn đề kiều hối hay Obamacare chỉ là một “lát cắt” trong hàng loạt vấn đề chính sách khác từ quốc phòng, kinh tế đến các mối quan hệ với những đối tác đồng minh của Mỹ đứng trước viễn cảnh sẽ thay đổi dưới “triều đại” của Trump đang khiến nỗi bất an lan rộng.
Sự bất an dẫn đến sự hoài nghi, không tin tưởng của người dân. Trước thời điểm Trump nhậm chức, Viện khảo sát Gallup trong kết quả thăm dò dư luận công bố hôm 2-1 cho biết chưa tới 50% số người Mỹ được khảo sát tin tưởngTrump có khả năng xử lý một cuộc khủng hoảng quốc tế, sử dụng vũ lực quân sự một cách khôn ngoan hoặc ngăn chặn một sai sót lớn về đạo đức khi cầm quyền.
Có lẽ hiếm khi nào trong lịch sử Mỹ lại có vị tổng thống chưa nhậm chức đã gây bất an và hoài nghi nhiều như Trump.