Toàn cảnh Thế giới năm 2016

Thứ Bảy, 31/12/2016 12:16  | Anh Duy

|

(CAO) Năm qua, Thế giới trải qua những biến động dữ dội từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với chiến thắng bất ngờ đưa tỷ phú bất động sản New York Donald Trump lên làm tổng thống, đến việc dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện nóng bỏng xảy ra như xung đột tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông trước sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, hồ sơ Panama rò rỉ tiết lộ danh tính nhiều tổ chức, cá nhân lớn trên toàn cầu trốn thuế. Tại Châu Âu, chính phủ các nước oằn mình đối phó với làn sóng di cư ồ ạt từ các nước Trung Đông và Bắc Phi tràn sang.

Tại Syria, cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài suốt hơn 5 năm qua khiến hàng trăm ngàn gia đình sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Chỉ đến những ngày cuối năm, khi quân chính phủ Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga giành thắng lợi tại thành phố chiến lược Aleppo, liên minh Nga – Iran- Thổ Nhĩ Kỳ được lập ra để giải quyết tình hình tại Syria thì tiến trình tìm kiếm hòa bình nơi đây mới lật sang trang mới.

Tại Iraq (và phần lớn lãnh thổ Syria), cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn đang diễn ra cam go, khốc liệt. Bị mất dần lãnh thổ tại những nước này, IS “xuất khẩu” chủ nghĩa khủng bố sang Châu Âu với những vụ tấn công khủng bố liên tiếp gây kinh hoàng cho người dân ở lục địa già. “Bóng ma” khủng bố từ cuộc tấn công 11-9 vẫn đang lởn vởn trên đầu nhân loại.

Minh họa về tình hình thế giới trong năm 2016 của tuần báo Anh The Econnomist 

Năm nay, người dân toàn cầu cũng chứng kiến những biến đổi khí hậu khủng khiếp với thiên tai, bão lũ, hạn hán, dịch bệnh hoành hành. Trong khi các quốc gia đang mãi kì kèo trả giá cho mức giảm khí thải của mình, nước biển đang mỗi ngày một dâng lên khiến những quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Nhiều vùng trồng lương thực như Đồng bằng Sông Cửu Long (Việt Nam) cũng đứng trước nguy cơ bị nước biển xâm lấn, mất dần đất canh tác. Ở hai đầu cực Trái đất, băng vẫn đang tan chảy mỗi ngày.

Tất cả những vấn nạn đó đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức cần sự vào cuộc, chung tay của tất cả mọi người từ cấp cao nhất là chính quyền mỗi nước, cho đến mỗi người dân.

1. Bầu cử tổng thống Mỹ 

Cường quốc hàng đầu Thế giới bước vào mùa bầu cử đầy kịch tính với cuộc so kè giữa hai ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton và Donald Trump của đảng Cộng hòa. Chiến thắng hôm 8-11 với việc vị tỷ phú New York Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 trong lịch sử Mỹ gây làn sóng bất ngờ trên toàn cầu. 

Hiện chưa rõ những chính sách sắp tới của Trump là gì, tuy nhiên một số việc ông tuyên bố như rút khỏi các hiệp định thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo ra công ăn việc làm cho người dân Mỹ bằng cách yêu cầu các công ty Mỹ chuyển những cơ sở sản xuất ở nước ngoài như Trung Quốc, Việt Nam về nước cho thấy một xu thế chống toàn cầu hóa của chính quyền mới. 

Những quan điểm của Trump về trục xuất người nhập cư, xem xét lại các mối quan hệ đồng minh với Mỹ, mạnh tay hơn với Trung Quốc trong các vấn đề từ tranh chấp trên Biển Đông đến chính sách tài chính, tiền tệ với Bắc Kinh đang khiến cộng đồng quốc tế hoang mang theo dõi : nước Mỹ sẽ như thế nào dưới "triều đại" của Trump? 

Trump đắc cử tổng thống Mỹ 

2. Tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông 

Hai vùng biển chiến lược của Châu Á là Biển Đông và Biển Hoa Đông trở thành "điểm nóng" tranh chấp trên Thế giới giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines đến tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản. 

Thế kỷ 21, các nước đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của biển, "tiến ra biển" là tiến đến sự phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay nơi các luồng hàng xuất, nhập khẩu, các tuyến đường di chuyển xuyên lục địa đều đi qua biển. 

Tuy nhiên, cách thức "trỗi dậy" của Trung Quốc lại khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại khi họ đứng trên luật pháp quốc tế, tự tiện áp đặt yêu sách chủ quyền, điển hình là "đường chín đoạn" chiếm trọn Biển Đông. Yêu sách này đã bị Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII - Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) hôm 12-7 thẳng thừng bác bỏ. 

Các cấu trúc Trung Quốc xây trái phép trên đá Gạc Ma - quần đảo Trường Sa (Việt Nam) - Ảnh: AMTI

Bất chấp phản ứng từ cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên xây đảo nhân tạo và các công trình phi pháp trên các bãi đá ngầm nước này cưỡng chiếm trên Biển Đông. Trên Biển Hoa Đông, các tàu hải giám Trung Quốc và Nhật liên tục "vờn nhau" quanh khu vực quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư gây căng thẳng trong khu vực. 

Trước động thái ngang ngược của Bắc Kinh, hàng loạt nước từ Nhật Bản đến các nước Đông Nam Á buộc lòng phải gia tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với "những mối nguy an ninh phát sinh trong khu vực". Mối nguy đó nói thẳng ra bắt nguồn từ sự "trỗi dậy" không hề "hòa bình" như cách mà chính quyền Bắc Kinh vẫn thường xuyên thuyết phục. 

3. Làn sóng người di cư ồ ạt đến Châu Âu 

Những đoàn tàu ọp ẹp chở hàng trăm ngàn người bất chấp nguy hiểm, lênh đênh trên Địa Trung Hải tìm đến "thiên đường" Châu Âu. Các vụ lật tàu, chết người không ngăn được bước chân của họ tràn sang lục địa già khi quê hương, bản quán đang ngập tràn trong chiến sự và bất ổn (như Syria, Lybia). 

Từ Đức đến Pháp, các nước Châu Âu oằn mình đón dòng người di cư đem đến những xáo trộn trong xã hội do khác biệt giữa những người bản xứ và những người di cư từ tôn giáo, lối sống đến văn hóa. Làn sóng bài ngoại nảy sinh dẫn đến việc hàng loạt đảng cực hữu với chính sách đòi trục xuất người di cư liên tục thắng thế. Một Châu Âu yên bình chưa bao giờ bị chia rẽ như lúc này. 

Những người di cư bị bác đơn xin tị nạn đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi Thụy Điển. - Ảnh: Reuters

Nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng di cư cũng từ đói nghèo và chiến tranh đem đến. Chiến sự tại Syria khiến hàng trăm ngàn người mất nhà cửa phải tìm đến nơi theo họ sẽ đem đến cuộc sống "ấm no, hạnh phúc", một tâm lý chung của con người. 

Muốn giải quyết được vấn nạn này, chỉ có thể thực hiện bằng cách chấm dứt chiến tranh (như tại Syria), cải thiện đời sống ở quê nhà nơi từ đó những người di cư ra đi. Trách nhiệm này đặt lên vai cộng đồng quốc tế, và cả những chính phủ có lượng người di dân nhiều nhất: họ phải chống hiệu quả tham nhũng, nâng cao đời sống người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm để người dân thấy được quê nhà chính là "thiên đường", không cần phải đi đâu nữa. 

4. Chiến sự tại Syria 

Cuộc nội chiến ở đất nước này từ lâu đã trở thành "sàn đấu" của hai "ông lớn" là Nga và Mỹ. Suốt hơn 5 năm qua, hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng, mất nhà cửa, là nơi lượng người di cư tràn qua Châu Âu đông nhất. 

Những lợi ích chiến lược của các thế lực đang xâu xé Syria. Ngoài mặt, đó là cuộc xung đột giữa quân chính phủ và quân nổi dậy nhưng ẩn sau đó là toan tính tranh giành ảnh hưởng: 

Từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga mất dần các đồng minh. Sau sự kiện Mùa xuân Ả Rập với chính quyền nhiều nước Trung Đông bị lật đổ, tính ra chính quyền Damascus của tổng thống Assad là đồng minh thân cận nhất của Moscow trong khu vực, nơi "giữ chân" còn lại của Nga tại khu vực này. Bên cạnh Iran, Nga lập liên minh với Syria trở thành trục Nga - Syria - Iran lan tỏa ảnh hưởng tại Trung Đông. 

Một người đàn ông đi ngang qua đống xà bần của những tòa nhà sau trận không kích của quân chính phủ nhắm vào khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Aleppo ngày 25-9. Chiến sự 5 năm tại Syria khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, mất nhà cửa - Ảnh: Reuters

Với Mỹ, Syria cũng là nơi giằng co ảnh hưởng. Từ cuộc chiến chống IS tại Iraq, bảo vệ đồng minh Israel bị các nước Ả Rập vây quanh, Washington cần duy trì "thế đứng" là lực lượng có tiếng nói ở Trung Đông để cạnh tranh lại ảnh hưởng của Nga. Khi chính quyền Assad còn đó, vai trò của Mỹ sẽ bị lung lay.

Những ngày cuối năm, khi quân chính phủ Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga giành thắng lợi tại thành phố chiến lược Aleppo, liên minh Nga – Iran- Thổ Nhĩ Kỳ được lập ra để giải quyết tình hình tại Syria thì tiến trình tìm kiếm hòa bình nơi đây mới lật sang trang mới.

5. Chủ nghĩa khủng bố lan tràn 

15 năm từ sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11-9 khiến Thế giới kinh hoàng, chủ nghĩa khủng bố ngày nay đã phát triển theo hướng tinh vi hơn từ cấp độ tổ chức đến phương cách tuyên truyền. 

Lấy điển hình là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cơ cấu không còn manh mún như Al - Qeada mà được tổ chức bài bản: có người đứng đầu, các ban bệ lo từ tài chính đến vũ khí. Thông qua các hoạt động như buôn người, bán dầu chúng lấy tiền bẩn để mua vũ khí và nuôi quân. IS còn đề ra chiến lược tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan đến mọi ngóc ngách qua sự lan tỏa của Internet.

Những cảnh hành quyết dã man, những thông điệp kêu gọi tấn công ghê rợn được đăng trên website, các kênh video chỉ vài giây đã lan đi khắp toàn cầu. IS có cả tạp chí tuyên truyền phát hành hàng tháng. 

Đó là "lát cắt" của chủ nghĩa khủng bố ngày nay, vô cùng tinh vi, táo tợn. Chúng như những con vi-rút sẵn sàng tấn công những người có "miễn dịch" yếu, tiêu biểu là những thanh niên trầm cảm, cô độc, không nhận được sự quan tâm của gia đình, những thành phần không hòa nhập được với xã hội (như một số người di cư). Tâm trạng chán nản, thù tức xã hội biến họ thành những "con sói cô độc" khi chỉ cần một cú click chuột đã có thể tiếp cận được những tư tưởng cực đoan do những tổ chức khủng bố như IS tuyên truyền. Từ "thiên thần" trở thành "ác quỷ" chưa bao giờ gần hơn như lúc này, trong một "thế giới phẳng". 

Một người bị thương được đưa ra khỏi hiện trường một vụ khủng bố tại thủ đô Jakarta (Indonesia) hồi tháng 1 do các phần tử IS gây ra - Ảnh: EPA

Hàng loạt vụ tấn công khủng bố từ Âu sang Á trong năm qua cho thấy khủng bố chưa bao giờ là vấn nạn cũ. Để ngăn chặn hữu hiệu cần sự chung tay của toàn xã hội, từ sự quan tâm của mỗi gia đình trước tâm lý của con em mình, cho đến các cấp chính quyền phải nghiên cứu, đưa ra các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố. 

Muốn vậy, các nước phải tập trung nâng cao mức sống của người dân, an sinh xã hội thực hiện tốt, chú trọng đến các sắc dân, những người nhập cư, giúp họ hòa nhập tốt với cuộc sống sở tại. Đồng thời đưa vào chương trình giáo dục các kỹ năng phòng chống khủng bố, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sự tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan thông qua các kênh (channel) trên mạng Internet. 

6. Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt 

Hình ảnh tuyết rơi tại sa mạc Sahara, sa mạc hóa tấn công các thành phố lớn phía bắc của Trung Quốc, thiên tai, lũ lụt hoành hành khắp Thế giới trong năm qua là "lát cắt" cho bức tranh biến đổi khí hậu khốc liệt mà con người đang phải đối mặt. 

Băng ở hai cực vẫn đang tan do hoạt động công nghiệp của con người, đốt các nhiên liệu hóa thạch tạo ra khí thải nhà kính khiến Trái đất nóng lên. 

Trong khi các nước đang kỳ kèo nhau tại các Hội nghị chống Biến đổi khí hậu từ cấp quốc tế đến khu vực rằng họ phải cam kết giảm lượng khí thải ở mức độ nào thì tại các quốc gia như đảo quốc Nauru ở Thái Bình Dương, chính quyền đang tính đến chuyện "di dân khí hậu". Nước biển dâng khiến những quốc đảo như Nauru được dự báo sẽ sớm bị xóa sổ khỏi bản đồ. 

Một đứa trẻ đứng ở khu vực bị sa mạc hóa ở phía bắc Trung Quốc - Ảnh: New York Times

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu cũng đang tác động từng ngày. Những khu vực trồng lúa tại Đồng Bằng Sông Cửu Long trong năm qua bị nhiễm mặn do nước biển xâm thực vào sông, rạch là lời cảnh báo cho tình trạng ấm lên toàn cầu không chừa một ai. 

Để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, xu hướng của Thế giới đang chuyển qua việc sử dụng năng lượng xanh (như quang điện, phong điện...) thay vì đốt nhiên liệu hóa thạch (như than đá). Các phương tiện giao thông như ô tô cũng được các công ty nghiên cứu với việc chuyển từ dùng xăng sang dùng điện. Các dòng xe điện của Tesla là một ví dụ điển hình cho xu hướng này. 

Muốn chống biến đổi khí hậu, các nước phải nhanh chóng thực hiện cam kết cắt giảm khí thải của Hội nghị chống Biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris (COP 21). Về phía người dân, cần giảm tiêu thụ thực phẩm chăn nuôi, hướng đến sử dụng các thực phẩm thực vật hữu cơ, ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông không phát ra khí thải. 

6. Chiến tranh mạng 

Chuyện Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga do cáo buộc Moscow chỉ đạo tin tặc tấn công hệ thống máy tính phụ cvụ bầu cử của đảng Dân chủ hồi tháng 11 cho thấy cuộc chiến trên mạng Internet đã thực sự bắt đầu trên diện rộng. 

Thông qua các hacker, các quốc gia, tổ chức hay cá nhân có thể thu thập được những thông tin cơ mật về quốc phòng, an ninh, thông tin đời tư qua những cú click chuột. 

Thuật ngữ "chiến tranh mạng" ngày càng được nhắc tới nhiều trong những năm qua bênh cạnh những loại "chiến tranh" khác như "chiến tranh kinh tế", "chiến tranh tiền tệ" hay "chiến tranh sinh học". Đó là cuộc đối đầu của bên lấy thông tin (hacker) và bên bị xâm nhập đang "đấu trí" lại bằng việc nâng cấp hàng rào bảo mật. 

Cuộc đối đầu trên mạng ngày càng khốc liệt 

Hàng triệu vụ khách hàng bị đánh cắp tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân ... trên phạm vi toàn cầu trong năm qua cho thấy vấn đề đối phó với vấn nạn đánh cấp dữ liệu qua mạng không chỉ hiển hiện ở tầm mức quốc gia mà cá nhân nào trong chúng ta cũng có thể bị. 

7. Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu 

Việc người dân Anh trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 bỏ phiếu rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) đã gây ra cú sốc trên toàn cầu .Các mô hình hợp tác phát triển cộng đồng kinh tế - văn hóa chung "một khối" ở tầm khu vực và quốc gia đang lấy sự kiện Brexit để soi xét lại. 

Vì sao Anh đòi chia tay EU – một mô hình liên minh được đánh giá thành công và thịnh vượng nhất Thế giới kể từ sau Thế chiến thứ hai? Câu trả lời đến từ nội tại đời sống chính trị của Anh, từ khủng hoảng di cư và hệ lụy từ khủng hoảng nợ công của Hy Lạp.

Khi dòng người di cư tràn qua châu Âu, EU thể hiện một vai trò mờ nhạt khi không điều phối kiềm chế hiện trạng này. Trong bối cảnh đó, đảng độc lập Anh (UKIP) nổi lên thành một thế lực chính trị mới khi theo khuynh hướng cực hữu chống làn sóng người nhập cư và muốn Anh rời khỏi EU lập tức. Dòng người nhập cư tạo ra nỗi nghi ngại lớn nhất cho cử tri Anh và cũng là nguyên nhân chính yếu gây ra cuộc chia ly .

Có 3 nguyên do:

1/ Dân Anh lo ngại làn sóng nhập cư làm xáo trộn không gian văn hóa của họ, khi họ phải tiếp nhận những cộng đồng mới đem đến trào lưu văn hóa mới. Xen kẽ trong đó là nỗi lo về việc lan truyền chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan theo dòng người di cư tràn qua gây bất ổn an ninh trong đời sống thường nhật.2/ Tỷ lệ người thất nghiệp tăng cao khiến cử tri lo ngại người di cư sẽ chiếm chỗ việc làm của người bản xứ.3/ Lo ngại ngân sách đóng góp chung cho EU sẽ tăng trong thời gian tới để chi trả cho chi phí tiếp nhận dòng người di cư, cứu trợ khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp... Đơn giản, người dân ủng hộ Brexit không muốn London phải gồng gánh thêm gánh nặng chi ngân sách trong thời buổi kinh tế khó khăn. Cũng cần phải kể đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan len lỏi vào đất nước này.

Tranh biếm họa việc Anh cố tìm cách "nhảy dù" thoát khỏi EU

Bên cạnh đó, chính sách chung của EU như chính sách bản quyền và cấp bằng sáng chế, cạnh tranh hay nông nghiệp… của EU đã dần lấn át các quy định luật pháp của Anh. Điều này chính là mắc míu lớn nhất khi cử tri Anh cho rằng họ dần mất đi tính tự quyết và bản sắc của mình khi bị “Brussels cai trị”.

Đôi khi những quy định của EU phiền hà đến độ nó quy định tiểu tiết đến cả việc trẻ em không được thổi bong bóng dưới 8 tuổi hay quy định không được tái chế túi lọc trà theo chuẩn chung của EU. Những điều khoản quy định này thu hẹp không gian chính trị của Anh, can thiệp sâu vào quy định pháp luật của Anh khiến nhiều cử tri và cả các chính trị gia bất mãn, đồng thời cũng gây thiệt hại lớn cho kinh tế Anh.

Bài học Brexit là sự hòa trộn của nhiều nguyên nhân. Nó cho thấy nếu các nước muốn hợp tác hữu hiệu thành một "khối", thì khối chung đó phải biết lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người dân từng nước thành viên chứ không chỉ duy ý chí điều khiển bằng các mệnh lệnh hành chính cứng nhắc. 

8. Hồ sơ Panama 

Sáng 10-5 (giờ VN), Liên đoàn Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) đã công bố trên mạng internet dữ liệu của hơn 200.000 tài khoản quốc tế liên quan đến vụ bê bối “hồ sơ Panama”. 

Các dữ liệu này được trích xuất từ khối dữ liệu có dung lượng lên đến 2,6 terabyte của công ty luật đặt ở Panama Mossack Fonseca lưu trữ thông tin của các khách hàng là 200.000 doanh nghiệp do các cá nhân giàu có đứng sau ủy thác cho Mossack Fonseca làm đại diện đứng ra thành lập hay điều hành ở nước ngoài. Các công ty “bình phong” này là nơi nhiều người dùng để chuyển tiền ra nước ngoài nhằm trốn thuế trong nước và thực hiện các giao dịch bất minh, thậm chí là rửa tiền.

Vụ phanh phui “hồ sơ Panama” cho thấy một hệ thống các quan chức của nhiều nước dính líu đến từ dàn thân cận của tổng thống Nga Putin, người thân của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, thủ tướng Anh David Cameron.. Trong đó, thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã từ chức do áp lực đòi hỏi điều tra vụ việc này của dư luận.

Vụ "hồ sơ Panama" đang gây chấn động toàn cầu - Ảnh:www.stratfor.com

Mặc dù động cơ của những người có tên trong danh sách Hồ sơ Panama chưa hẳn đã xấu. Có khi họ chỉ muốn trữ tiền bí mật tránh sự giám sát của người thân. Nhưng cũng có một bộ phận trong đó chưa chắc có động cơ tốt đẹp, trốn thuế bằng cách chuyển dòng tiền qua các "thiên đường thuế" nước ngoài. 

Vụ rò rỉ hồ sơ Panama là hồi chuông cảnh báo các nước cần xem xét lại các chính sách điều hành kinh tế của mình, lấp các kẽ hở của pháp luật để tạo ta môi trường kinh tế lành mạnh hơn. 

Năm 2016 qua đi với nhiều biến động. Năm mới tới cần sự bản lĩnh của mỗi người để thích ứng trong một Thế giới ngày càng biến động. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang