Triều Tiên tuyên bố có thể phóng ICBM bất cứ lúc nào

Thứ Hai, 09/01/2017 09:03  | Anh Duy

|

(CAO) Tối qua 8-1 (giờ VN), chính quyền CHDCND Triều Tiên tuyên bố họ có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bất cứ lúc nào, từ bất cứ địa điểm nào được nhà lãnh đạo Kim Jong Un chọn.

Triều Tiên giải thích việc phát triển và phóng ICBM nhằm đối phó với chính sách thù địch bấy lâu của Mỹ khiến họ phải phát triển vũ khí.

Trước đó vào ngày 1-1, trong bài phát biểu đầu năm, nhà lãnh đạo Kim Jong Un thông báo Bình Nhưỡng đã tiến gần đấn việc phóng ICBM.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 8-1 dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên (giấu tên) nhấn mạnh: “ICBM sẽ được phóng đi vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ địa điểm nào bởi dàn lãnh đạo cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên”.

Hôm 8-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết năng lực vũ khí và tên lửa của chương trình quân sự Triều Tiên là “mối đe dọa nghiêm trọng” đến an ninh của Mỹ. Washington cho biết họ đã chuẩn bị để để bắn hạ tên lửa ICBM của Triều Tiên nếu nó được phóng đi.

Reuters dẫn lời Carter nhấn mạnh: “Chúng tôi (Mỹ) chỉ bắn ICBM của Triều Tiên nếu nó đe dọa bay tới lãnh thổ của chúng tôi, những người bạn và đồng minh của chúng tôi”. Điều này đồng nghĩa Mỹ cũng sẽ bắn hạ ICBM khi nó bay đến Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Hôm 5-1, Mỹ thừa nhận Triều Tiên đã có bước tiến vượt bậc về việc cải thiện năng lực hạt nhân và tên lửa sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa trong năm 2016.

Một động cơ đẩy cho tên lửa ICBM được thử nghiệm ở  Trung tâm vũ trụ Sohae (Triều Tiên) - Ảnh: Reuters

TRIỀU TIÊN "PHẢN ĐÒN" BẰNG TÊN LỬA XUYÊN LỤC ĐỊA 

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong bài phát biểu mừng năm mới đang “hâm nóng” truyền thông quốc tế mấy ngày qua. Ông Kim tự tin cho rằng Triều Tiên nay đã trở thành “cường quốc hạt nhân” và răn đe “kẻ thù” bằng bước tiến trong phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Thế nhưng nhiều chuyên gia nhận định, để phóng thành công ICBM đến bờ Tây nước Mỹ, trong khả năng hiện nay là điều không thể với Bình Nhưỡng.

Ngày 1-1, trong thời khắc chuyển giao năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dội “gáo nước lạnh” khi thông báo “quá trình nghiên cứu và phát triển vũ khí hiện đại đang diễn tiến tích cực, đồng thời quá trình chuẩn bị cho một vụ phóng ICBM đang bước đến giai đoạn cuối cùng”. Một tuyên bố đầy tự tin kèm theo "điều kiện” đặt ra sau đó: Mỹ phải hủy bỏ các cuộc tập trận chung thường niên với Hàn Quốc, bằng không Triều Tiên sẽ tăng cường hoạt động quân sự, thậm chí sẽ phát động một cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân nhắm vào Seoul và các lợi ích của Washington trong khu vực.

Đó hoàn toàn không phải là lời đe nẹt suông . Trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân lần 4 vào ngày 6-1 và lần 5 vào ngày 9-9 với quy mô lớn nhất trong lịch sử nước này. Thêm vào đó là hơn 20 vụ thử tên lửa đạn đạo, từ thử tên lửa phóng từ tàu ngầm đến tên lửa tầm trung Musudan. Tuy nhiên với ICBM, Bình Nhưỡng chưa phóng thành công được lần nào.

Bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, điển hình như tối 30-11-2016 (giờ VN), Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết ngặt nghèo, quyết định giới hạn lượng than đá được xuất khẩu của Bình Nhưỡng ở mức 7,5 triệu tấn/năm hoặc quy theo thời giá là dưới 400 triệu USD. Đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực đem lại ngoại tệ chính cho chính quyền. Với quyết định này, Liên Hiệp Quốc muốn gây sức ép buộc Triều Tiên ngưng chương trình hạt nhân và tên lửa.

Thế nhưng bất chấp tất cả, bài phát biểu của ông Kim hôm 1-1 là thông điệp thách thức: từ Mỹ, Hàn Quốc, Liên Hiệp Quốc, và “cách riêng” là thách thức cả Trung Quốc – đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên nay đã “trở mặt” bấm nút đồng thuận thay vì phủ quyết, để nghị quyết trừng phạt ngặt nghèo được thông qua.

Quá trình phát triển công nghệ tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân được Bình Nhưỡng “ngấm ngầm” thực hiện dù trải qua thất bại nhiều lần. Điển hình là hồi tháng 2-2016, Bình Nhưỡng đã phóng một vệ tinh vào không gian, bị cộng đồng quốc tế xem là vụ thử công nghệ ICBM trá hình.

Truyền hình Hàn Quốc chiếu bản tin về một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh : Reuters

Năng lực ICBM vẫn còn là bí ẩn

Dù còn nhiều chia rẽ trong nhận định về năng lực hạt nhân của Triều Tiên hiện đang tiến đến đâu trong những năm qua, nhưng tờ Telegraph (Anh) dẫn lời các chuyên gia đều đi đến kết luận Triều Tiên đã đạt được những bước tiến vượt bậc về mặt quân sự từ sau khi Kim Jong Un cầm quyền.

Hồi tháng 12-2016, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nhận định rằng Bình Nhưỡng nay đã đạt được khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa, chỉ là chưa “đủ trình” để đưa nó vượt quãng đường xa đến Mỹ. Tuy nhiên, những vị trí lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản hoàn toàn có thể nằm trong tầm ngắm.

Trước phát ngôn “gây sốc” về ICBM, tròn 1 năm về trước vào ngày 6-1-2016, cũng chính ông Kim từng tuyên bố rằng Triều Tiên đã thử thành công bom nhiệt hạch trong vụ thử hạt nhân lần 4. Giáo sư Siegfried Hecker của Đại học Stanford (Mỹ) đã cảnh báo rằng năng lực hiện nay của Bình Nhưỡng đủ sức chế tạo mỗi năm 7 quả bom hạt nhân và có thể phát triển ICBM bắn tới lục địa Mỹ trong vòng 10 năm.

Cứng rắn và liều lĩnh, suốt những năm cầm quyền của mình từ khi cha mất, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang bước chân trên “bậc thang” quân sự với mỗi năm phô ra cho Thế giới thấy từng bước tiến mới trong quân sự: từ công nghệ tên lửa, bom nhiệt hạch và nay là tuyên bố về ICBM.

Để hoàn thiện ICBM, Bình Nhưỡng đang tiến từng bước một. Reuters hôm 2-1 dẫn lời Melissa Hanham - Chuyên viên nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) kết luận: Chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng “đã tiến xa hơn những gì chúng ta nghĩ”. Một mặt, Bình Nhưỡng thử nghiệm động cơ và lá chắn nhiệt cho ICBM, một mặt họ phát triển công nghệ dẫn đường cho tên lửa trong chu kỳ trở lại bầu khí quyển Trái Đất sau khi được phóng đi.

Nữ chuyên gia Hanham nói với Reuters: “Trong nhiều năm, chúng tôi đã biết Triều Tiên sở hữu một mẫu thiết kế tên lửa R-27 của Liên Xô. Họ đã cải tiến động cơ của nó để tăng gấp đôi lực đẩy”. Hồi tháng 4-2016, Bình Nhưỡng còn thử thành công động cơ nhiên liệu lỏng có kích thước lớn, có thể dùng đẩy một ICBM trong quá trình phóng. Bà Hanham thốt lên: “Quả thật thử nghiệm này thật đáng kinh ngạc”.

Dần dần làm chủ được công nghệ, Bình Nhưỡng chỉ còn mất vài năm để hoàn thiện công nghệ phóng ICBM, từ thiết kế đầu đạn hạt nhân, động cơ đẩy đến lập trình khả năng phóng. Để phóng được ICBM từ Triều Tiên đến Mỹ, tên lửa phải trải qua hành trình 9000km. Một ICBM hiện nay có tầm bắn tối thiểu khoảng 5500km, nhưng một số được thiết kế bay đến 10.000 km.

Tầm bắn các loại tên lửa của Triều Tiên hiện nay: từ Musudan, Nodong đến KN-08 - Ảnh: đồ họa của The Economist

Reuters dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết trong vụ phóng vệ tinh vào tháng 2-2016 (cộng đồng quốc tế cho đó là một vụ thử ICBM trá hình), Bình Nhưỡng đã dùng tên lửa Kwangmyongsong để phóng vệ tinh. Loại tên lửa này có thể phóng đến khoảng cách 12.000km nếu được thiết kế, cải biến lại.

Bị cấm vận, tiền đâu Bình Nhưỡng đầu tư phát triển tên lửa?. Câu trả lời được Reuters phỏng đoán là từ việc bán vũ khí ra thị trường chợ đen và đánh thuế tầng lớp thương nhân giàu có trong nền kinh tế phi thị trường của mình. Ngoài ra còn phải kể đến doanh thu từ một số mặt hàng xuất khẩu như than đá qua Trung Quốc. Phản ứng trước tuyên bố của ông Kim ngày 1-1, tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhấn mạnh trên Twitter rằng “điều đó sẽ không xảy ra”. Ông cũng bực dọc trách cứ Trung Quốc “hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế với Mỹ nhưng không dùng ảnh hưởng của mình để kiểm soát Triều Tiên”.

Bất chấp nhận định “không thể xảy ra” của Trump, với Bình Nhưỡng việc thử thành công ICBM chỉ còn là vấn đề thời gian. Có thể là 10 năm để bắn tới lục địa Mỹ như nhận định của Giáo sư Siegfried Hecker thuộc Đại học Stanford. Dự báo trong năm 2017, nhiều khả năng một vụ thử ICBM sẽ được Bình Nhưỡng tiến hành. Lời đe nẹt đầu năm của ông Kim không chỉ là “nói đó cho vui”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang