Sốc nặng với cảnh tàn phá san hô ở Trường Sa của tàu Trung Quốc

Thứ Sáu, 18/12/2015 15:38  | Minh Phương

|

(CATP) Thuyết phục được nhà chức trách Philippines cho đến thăm một đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Manila đang kiểm soát trên Biển Đông, hôm 16-12-2015 nhà báo Rupert Wingfield-Hayes của BBC đã tận mắt chứng kiến những hình ảnh khiến anh sửng sốt.

Phóng viên này thuật lại, anh choáng váng khi phát hiện ngư dân Trung Quốc đang phá hủy các rạn san hô một cách tàn nhẫn. Những kẻ săn trộm rồ máy tàu của họ phun những làn khói đen lên trời, trong khi dưới nước hàng đống cành san hô trắng bị đập vỡ và một số ngư dân hối hả thu hoạch những mẻ trai biển khổng lồ.

Rupert từng được một thị trưởng Philippines cho biết ngư dân Trung Quốc đang tận diệt san hô một cách tàn nhẫn nhưng anh không tin, cho đến khi nhìn qua cửa sổ chiếc máy bay nhỏ đang hạ cánh xuống đảo Thị Tứ hôm trước anh đã mục sở thị cảnh hàng chục chiếc tàu đang neo vào một vỉa san hô gần đó, những vệt cát và sỏi dài kéo lê phía sau chúng.

Tới lúc anh theo một thuyền cá nhỏ ra tận nơi, người lái thuyền Philippines đã khéo léo đưa chiếc thuyền nhỏ của mình vào giữa đám săn trộm người Trung Quốc đang xích tàu họ vào các nhánh san hô và rồ động cơ rất mạnh. Ông giải thích với Rupert rằng “họ đang dùng chân vịt phá san hô” và Rupert quyết định lặn xuống nước để xem tận mắt. Sau khi ngoi lên, anh thảng thốt mô tả những gì mình nhìn thấy bằng cụm từ “tàn phá một cách không thương tiếc”. Nơi đây xưa là hệ sinh thái phong phú san hô, giờ dưới đáy biển hàng triệu mảnh san hô chết trắng phơi như xương.888878

Dưới đáy biển, hàng triệu mảnh san hô chết trắng như xương. - Ảnh: BBC

Rupert phát hiện hai trong số kẻ săn trộm đeo khẩu trang đang kéo tấm lưới xúc, trong đó là mẻ trai khủng. Nhìn kích thước con trai, Rupert ước tính chúng phải 100 tuổi và sau đó qua địa chỉ bán đấu giá trên mạng, anh phát hiện giá của chúng từ 1.000 - 2.000USD/cặp.

Đám tàu săn trộm gồm tàu “mẹ” và tàu “con”, tất cả đều xích vào san hô. Trên boong những con tàu lớn hàng trăm con trai xếp chồng lên nhau, ở đuôi mỗi tàu có chữ Tanmen - một cảng cá trên đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Một thực tế đáng buồn nữa là phóng viên của BBC phát hiện việc bòn rút thiên nhiên không là gì khi so sánh với cảnh môi trường bị tàn phá do chương trình bồi đắp đảo của Trung Quốc ở gần đó gây ra. Đảo mới nhất Trung Quốc vừa hoàn tất tại Đá Vành Khăn dài hơn 9km, cũng là nơi 9km vỉa san hô sống giờ bị chôn vùi dưới hàng triệu tấn cát, sỏi.

Khi bay trên những đảo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên các rặng san hô thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, máy bay chở Rupert đã bị hải quân Trung Quốc đe dọa.

Tàu Trung Quốc tại khu vực đá Thị Tứ- Ảnh: BBC

Trước báo cáo của Rupert, có nhiều bài viết của các chuyên gia đã báo động rằng Trung Quốc không những đang lấn sâu vào phần lãnh thổ trên Biển Đông của các nước khác trong khu vực, mà Bắc Kinh cũng đang tàn phá nghiêm trọng môi trường biển đồng thời tăng cường khai thác nguồn lợi thủy sản.

Bình luận (0)

Lên đầu trang