Thủ tướng Lào kêu gọi đàm phán song phương về Biển Đông

Thứ Ba, 31/05/2016 10:30  | Anh Duy

|

(CAO) Trong khi Việt Nam và Philippines muốn đàm phán đa phương với sự tham gia của nhiều nước để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, thậm chí Philippines còn kiện Trung Quốc ra tòa Trọng tài thường trực quốc tế về tranh chấp trên vùng biển này thì Lào mới đây lại muốn các bên giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương.

Tờ Nikkei (Nhật) dẫn lời thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh: “Với tư cách là chủ tịch ASEAN, Lào sẽ nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đối thoại tích cực giữa những quốc gia tranh chấp”. Ông Sisoulith cam kết sẽ “thúc giục các nước liên quan tổ chức đối thoại hướng tới biện pháp giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình”.

Như vậy, Lào đã nêu rõ quan điểm sẽ ủng hộ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng cơ chế đàm phán song phương thay vì đa phương. Đây cũng là quan điểm bấy lâu của chính quyền Trung Quốc.

Các nước có tranh chấp trên Biển Đông lo ngại khi đàm phán song phương, Bắc Kinh có thể dùng uy thế về kinh tế, quân sự của mình để lấn át đối thủ đàm phán hòng đem lại những điều khoản có lợi cho họ.

Việt Nam từng nhiều lần nhấn mạnh một số tranh chấp như ở quần đảo Trường Sa không thể đàm phán song phương mà phải theo cơ chế đa phương vì có nhiều bên cùng tranh chấp.

Nói với tờ Nikkei về khả năng ASEAN năm nay sẽ đưa vào tuyên bố chung quan ngại về tình hình tranh chấp trên Biển Đông, thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith một lần nữa lại “thận trọng” khi chỉ nói chung chung rằng Lào "sẽ cân nhắc nghiêm túc tình hình" trước khi quyết định có đưa vấn đề này vào hay không.

Trước đó, vào tháng 4 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến đi vận động hành lang đến Lào và Campuchia để thuyết phục hai nước này rằng vấn đề tranh chấp trên Biển Đông không phải là vấn đề mâu thuẫn giữa ASEAN và Trung Quốc mà chỉ là vấn đề song phương giữa Bắc Kinh và các nước như Việt Nam và Philippines.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith - Ảnh: Reuters

Tờ Cambodia Daily cách đây 1 tháng từng đưa tin tân Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon đã có cuộc gặp với người đồng cấp Vương Nghị của Trung Quốc vào hôm 22-4 tại Phnom Penh. Đây là lần đầu tiên ông Nghị gặp Ngoại trưởng Sokhon khi ông này vừa nhận chức vụ thay người tiền nhiệm vừa về hưu Hor Namhong.

“Cả hai chúng tôi đều có chung tầm nhìn và đánh giá cao mối quan hệ giữa hai bên. Mối quan hệ này được mở ra bởi quốc vương (Norodom Sihanouk) và những cựu lãnh đạo của Trung Quốc. Mối quan hệ được mở rộng và thắt chặt dưới thời thủ tướng Hun Sen ”- ông Prak Sokhon ca ngợi.

Khi nhắc đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, ngoại trưởng Campuchia cho biết Phnom Penh “vẫn giữ lập trường trung lập”. Ông nhấn mạnh: “Lập trường của chúng tôi là kêu gọi các bên giải quyết những tranh chấp tại đây bằng biện pháp hòa bình. Nếu tất cả các nước đều tôn trọng những nguyên tắc như Campuchia, chúng ta đã không phải đối mặt với những vấn đề phát sinh”.

Lập luận của Campuchia cho thấy rõ họ muốn các bên “trung lập”, không đả kích hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Điều này từng thể hiện rõ qua kỳ Campuchia giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2012. Phnom Penh khi đó đã ngăn cản nỗ lực của các nước thành viên còn lại đưa ngôn ngữ lên án hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông vào thông cáo chung của ASEAN sau hội nghị thượng đỉnh.

Cũng tại Phnom Penh, tờ Cambodia Daily dẫn lời ông Vương Nghị cho rằng “Trung Quốc luôn muốn duy trì hòa bình trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông và lo ngại rằng một số cường quốc dùng vấn đề Biển Đông để gia tăng hoạt động quân sự trong khu vực”. Đối tượng ông Nghị nhắm đến không ai khác hơn Mỹ, Úc, Nhật đã khiến Bắc Kinh giận dữ khi cho tàu, máy bay tuần tra trên Biển Đông hoặc công khai thái độ chỉ trích Trung Quốc (Nhật Bản).

Ông Nghị cũng mạnh miệng cho rằng vụ kiện của Philippines đưa Trung Quốc ra tòa án trọng tài thường trực quốc tế về vấn đề Biển Đông là “lạm dụng luật pháp quốc tế”.

Ông Nghị cũng tỏ ra “hồ hởi” trước tuyên bố của ông Prak Sokhon. Tờ Nikkei của Nhật dẫn lời ông Nghị đáp lại: “tôi đánh giá cao vị thế của Campuchia khi đã không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và thúc đẩy giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình”.

Tờ Cambodia Daily dẫn lời giáo sư Giáo sư Carlyle Thayer- chuyên gia về Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Úc cho rằng các nỗ lực vừa qua của Campuchia nhằm củng cố “lòng trung thành” với Trung Quốc khi Bắc Kinh là nhà viện trợ lớn nhất cho Phnom Penh từ năm 2010.

Nhận tiền từ Trung Quốc nên Campuchia phải “nịnh bợ” và ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh là hành động “không đáng ngạc nhiên". Campuchia dựa vào Trung Quốc để nhận viện trợ, thúc đẩy thương mại và thu h đầu tư ”- giáo sư Carlyle Thayer nhận định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang