Trung Quốc hằn học khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam

Thứ Năm, 26/05/2016 19:46  | Anh Duy

|

(CAO) Chuyến thăm kéo dài 3 ngày (từ 23 đến 25-5) đến Việt Nam của tổng thống Mỹ Obama mang theo quyết định của Washington dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, nâng tầm quan hệ song phương đối với Hà Nội đang trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông Trung Quốc. Trong đó, một số cơ quan báo, đài của nước này đã có cái nhìn tiêu cực về động thái của Mỹ.

Điển hình là tờ China Daily cho rằng việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam là hành động nhằm “kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Tờ này cảnh báo Mỹ “không được châm lửa ở khu vực”.

Trước đó phát biểu tại Hà Nội hôm 23-5, tổng thống Mỹ Obama đã nhấn mạnh việc dỡ bỏ cấm vận này nằm trong tiến trình bình thường hóa, nâng cấp quan hệ giữa hai nước chứ “không vì bất kỳ lý do nào khác”. Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh việc này “không liên quan gì tới Trung Quốc”.

Tuy nhiên, tờ China Daily bác lại khẳng định của Obama và Kerry khi cho rằng Mỹ “nói dối” và rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam “báo trước hiểm họa cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Thậm chí, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) còn ngang nhiên nhận định Mỹ đang “lợi dụng Việt Nam để gây rối” trên Biển Đông. Tờ này bác tuyên bố của Obama rằng dỡ cấm vận vì mối quan hệ với Việt Nam chứ không vì lý do nào khác là “một lời nói dối rất tệ”.

Chuyến thăm đến Việt Nam của tổng thống Obama mở ra bước ngoặt trong quan hệ hai nước, nhưng truyền thông Trung Quốc lại hằn học cho rằng Mỹ dỡ bỏ cấm vận cho Việt Nam sẽ 'châm lửa ở khu vực" - Ảnh: New York Times

Thái độ “nước đôi”

Một mặt dùng truyền thông để đả kích việc dỡ cấm vận vũ khí cho Việt Nam, nhưng mặt khác Bắc Kinh lại phát ngôn trái ngược trong những cuộc họp báo ngoại giao trước đó.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trước đó lại tuyên bố “Là một quốc gia láng giềng, chúng tôi vui mừng thấy Việt Nam phát triển những mối quan hệ thân hữu, hợp tác với các nước khác trong đó có Mỹ”.

Khi tổng thống Mỹ Obama phát biểu tại Hà Nội hôm 24-5 rằng trong mối quan hệ song phương, nước lớn không nên bắt nạt nước nhỏ, ngay lập tức Trung Quốc phản pháo, nêu tinh thần “hợp tác” của mình.

Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 24-5 tuyên bố "Thực tế cho thấy diện tích của một quốc gia không phải là yếu tố quan trọng khi phân định biên giới. Điểm mấu chốt là những nước liên quan tới tranh chấp có quyết tâm và sự chân thành để giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hay không".

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng không có chuyện Trung Quốc cậy thế ức hiếp nước nhỏ - Ảnh: AP

Bà Oánh cho rằng Bắc Kinh đã ký hiệp định phân định biên giới với 12 nước láng giềng. Trong đó có nhiều nước có diện tích nhỏ và 10 nước có dân số ít hơn Philippines.

Tuy nhiên trên thực tế, Bắc Kinh những năm qua đã ồ ạt cho xây các công trình trái phép từ hải đăng đến đường bang trên các bãi đá ngầm cưỡng chiếm trái phép từ Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đồng thời thiết lập hệ thống tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa- Việt Nam) nhằm “quân sự hóa” Biển Đông.

Trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Philippines, khi Manila kiện Bắc Kinh ra tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) về tranh chấp này, Bắc Kinh tức giận từ chối tham gia và bác tính chính danh giải quyết tranh chấp của tòa.

Hành động nói một đằng, làm một nẻo, ngôn từ “nước đôi”, ngụy biện đang khiến Bắc Kinh bị cô lập trên trường quốc tế khi xã hội văn minh phân định tranh chấp bằng luật pháp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang