(CAO) Cuộc họp thượng đỉnh của 7 nước có nền kinh tế phát triển nhất Thế giới (G7) gồm: Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada và Nhật tại Nhật Bản bắt đầu từ ngày 26-5 đã thể hiện mối lo ngại lớn nhất của châu Âu lúc này đó là vấn đề khủng hoảng người di cư đến từ Trung Đông và Bắc Phi.
Sự khác biệt về tôn giáo cũng như quan niệm bình đẳng nam nữ, cộng với sự thiển cận của dân chúng về việc "trợ cấp xã hội" cho người di cư đã khiến cho khuynh hướng quốc gia cực hữu có cơ hội nổi lên. Những cố gắng của người di cư như học tiếng Đức, tiếng Pháp... và những ngôn ngữ của các nước sở tại khác đã thu nhận họ, hay họ đã chấp nhận làm những công việc với đồng lương là 1 euro cho 1 giờ lao động, không xoa dịu được ác cảm của một thành phần dân chúng đối với những sự khác biệt quá rõ giữa hai nền văn hóa phương Tây và văn hóa Trung Đông.
Làn sóng người di tản ồ ạt kéo vào các nước phương Tây đã có những thảm cảnh động lòng người, nhưng trên thực tế, ba nước thu nhận người di tản Trung Đông nhiều nhất vẫn là Thổ Nhĩ Kỳ, Libanon và Jordanie.
Ông Donald Tusk, chủ tịch Hội đồng cố vấn Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước G7 phải nhận trách nhiệm lãnh đạo và tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề di tản Trung Đông.
Các chủ đề được thảo luận kế tiếp là tình hình kinh tế thế giới, tình hình thương mại xuất nhập cảnh và chính trị ngoại giao. Tuy nhiên, các kết quả thảo luận không có nghĩa là những luật lệ sẽ được áp dụng.
Những tuyên bố của G7 có tầm mức chính trị chung của những quốc gia thành viên tham dự hội nghị, và có ảnh hưởng đến hoạt động, đường lối của những quốc gia đó.
Với tổng thống Mỹ Obama
Đây là hội nghị G7 cuối cùng có sự tham dự của tổng thống Mỹ Barack Obama khi nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc. Mối lo hàng đầu của Obama là vấn đề các Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Đại Tây Dương (TTIP) sẽ có thể được thực hiện lúc nào ?
Obama là vị tổng thống Mỹ đầu tiên sẽ thăm Hiroshima, thành phố đã bị tổng thống Mỹ Truman ra lệnh thả quả bom nguyên tử đầu tiên vào ngày 6-8-1945, trong khi Thế chiến thứ hai đã chấm dứt vào ngày 8-5-1945 tại châu Âu. Tuy vậy, một câu hỏi khác sẽ được đặt ra cho ông Obama tại Nhật là "nếu" nhà tỷ phú địa ốc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ thì nhân loại có thể tin tưởng được vào Mỹ nữa không ?
Tổng thống Mỹ Obama
Với Thủ tướng Đức Angela Merkel
Chính sách thu nhận người di tản Trung Đông của nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đã gặp phải sự chống đối từ nhiều phía, từ những nước Đông Âu, từ trong nội bộ các đảng phái Đức, từ dân chúng, và người ta đã "đổ tội" cho bà Merkel là qua đó đã làm dấy lên phong trào cực hữu ở Đức, và khiến cho các tội phạm hình sự chống lại người di tản gia tăng.
Sự ủng hộ của dư luận dành cho Angela Merkel bị giảm rõ rệt. Sự hội nhập của người di tản đến từ các quốc gia đến Đức vẫn luôn là một vấn đề khó khăn và lâu dài.
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Với Tổng thống Pháp Francois Hollande
Tuy rằng tổng thống Pháp Francois Hollande luôn tỏ ra là người "sắt đá", không có gì có thể lay chuyển được những ý định của ông, dù cho tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với ông Hollande đang ở mức thấp nhất trong lịch sử từ trước đến nay, nhưng khách quan thì người ta có thể kể ra những khó khăn đang gặp phải của Pháp.
Sự kiện cải tổ luật lao động El Khomri đã làm cho công đoàn, sinh viên và học sinh xuống đường phản đối từ nhiều tháng nay. Tình trạng thất nghiệp cao, tăng thu thuế má các loại khiến cho tiêu thụ giảm. Các đảng phái từ tả sang hữu đều có chia rẽ nội bộ vì cuộc chạy đua trong mùa tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2017-2021. Thêm vào đó tình trạng khủng bố đe dọa nặng nề lên sự bình an của nước Pháp. Trong khi đó, ông Hollande tin chắc rằng ông sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Tổng thống Pháp Francois Hollande
Thủ tướng Anh David Cameron
Thủ tướng Anh David Cameron đang đối phó với vấn đề trưng cầu dân ý tại Anh về câu hỏi "Anh rút ra khỏi khối Liên minh châu Âu hay không ? (gọi tắt là Brexit). Nếu dân Anh nói "Không" thì thủ tướng David Cameron sẽ phải rời bỏ quyền lực, vì thế từ đây cho đến ngày 23-6-2016, nước Anh ở trong một tình trạng căng thẳng chính trị.
Thủ tướng Anh David Cameron
Thủ tướng ý Matteo Renzi
Thủ tướng ý Matteo Renzi đang đối phó với hai vấn đề lớn, đó là tình trạng người di tản Trung Đông tràn từ Bắc Phi, qua biển Địa Trung Hải, vào phía nam nước Ý, và tình trạng nợ công khá nặng nề của nước này.
Thủ tướng ý Matteo Renzi
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang đứng trước khó khăn của nền kinh tế Nhật, phát triển yếu vì đọng vốn, quá dư thừa vốn đầu tư. Đề nghị của Abe cho một chương trình chu kỳ kinh tế thế giới không được các đồng minh G7 chấp thuận. Nhưng có lẽ thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ đưa vấn đề "Biển Đông" lên bàn hội nghị lần này, .Nhật đang tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo trong khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng nhất cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhật đi qua.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
Thủ tưởng Canada Justin Trudeau
Thủ tưởng trẻ tuổi Justin Trudeau của Canada là người có ít "vấn đề" nhất. Vấn đề lớn nhất của Trudeau là mọi hy vọng đều đặt vào ông. Ông Trudeau là người được dân chúng Canada yêu mến. Đây là Hội nghị G7 đầu tiên của Trudeau. Thủ tướng Đức Merkel đặt nhiều hy vọng vào ảnh hưởng của Trudeau trong các chủ đề về bảo vệ môi trường.
Thủ tưởng Canada Justin Trudeau