Trung Quốc nổi đóa khi G7 ra tuyên bố về Biển Đông

Thứ Ba, 12/04/2016 13:57  | Anh Duy

|

(CAO) Từ thuyết phục đến đe nẹt bất thành để Nhật Bản không đưa vấn đề Biển Đông vào thảo luận tại hội nghị cấp cao G7 , Bắc Kinh đã nổi đóa sau khi ngoại trưởng các nước thành viên G7 hôm 11-4 ra tuyên bố chung Hiroshima trong đó dành một phần nội dung để lên án các hành vi khiêu khích tại Biển Đông (của Trung Quốc).

Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng bực dọc: “Chúng tôi hối thúc thành viên các nước G7 tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực và ngừng những phát biểu vô trách nhiệm cùng những hành động vô trách nhiệm. G7 cần thực sự đóng vai trò mang tính xây dựng với hòa bình và ổn định trong khu vực”.

“Những phát biểu vô trách nhiệm” mà ông Khảng nói đến chính là tuyên bố Hiroshima được các nước G7 đưa ra hôm qua. Trong tuyên bố ấy, G7 nhấn mạnh an toàn và tự do hàng hải là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng - Ảnh: Tân Hoa Xã

Bloomberg dẫn nội dung tuyên bố Hiroshima nhấn mạnh: “ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 quan ngại về tình hình đang diễn ra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ những hành động đơn phương nào mang tính đe dọa, cưỡng ép nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng”.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh các hành động như bồi lấp, bao gồm bồi lấp trên quy mô lớn, xây dựng và sử dụng các công trình cho mục đích quân sự. Thay vào đó, các bên cần hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc về tự do hàng hải và hàng không”.

Tuyên bố Hiroshima cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuyên bố này cũng kêu gọi các quốc gia tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế về giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Tuy không nêu đích danh Trung Quốc nhưng tuyên bố Hiroshima đã quá rõ ràng khi nhắm đến các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh trong thời gian qua trên Biển Đông từ việc bồi lấp, xây các công trình nhân tạo ở đây đến việc mang tên lửa, điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa- Việt Nam). “Tòa án quốc tế” mà tuyên bố nhắc đến không gì khác hơn Tòa trọng tài thường trực (PCA) nơi đang thụ lý vụ kiện của Philippines tố các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Vì thế không lạ khi Trung Quốc “nổi đóa” vì bị “nói trúng tim đen”. Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Lục Khảng “bồi” thêm: Các nước công nghiệp phát triển (G7) cần tập trung vào quản trị và hợp tác kinh tế toàn cầu thay vì "thổi phồng tranh chấp".

Ông Khảng sau đó lại tiếp tục luận điệu ngang ngược khi cho biết Bắc Kinh sẽ không tham gia bất kỳ phiên tòa nào chống lại nước này. Ông cũng ngang nhiên cho rằng chính quyền Trung Quốc “có quyền” xây dựng bất cứ công trình nào trong vùng quản lý của cái gọi là “thành phố Tam Sa” (thành phố Trung Quốc lập trái phép, tự cho quyền quản lý hành chính cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Thái độ “nổi đóa” của Trung Quốc không có gì lạ khi trước đó, Bắc Kinh nhiều lần đe nẹt các thành viên G7 phải “trả giá” khi để Nhật đưa vấn đề Biển Đông vào bàn thảo ở hội nghị này.

Khi yêu cầu ngang ngược bị phớt lờ và Biển Đông trở thành tâm điểm thảo luận thì việc “quê độ” và “giận dữ” thể hiện qua phát ngôn là điều có thể hiểu được.

BÁO CHÍ PHÁP, ĐỨC ĐƯA TIN ĐẬM NÉT VỀ TUYÊN BỐ CỦA G7 VỀ BIỂN ĐÔNG

Ngày 12-4,  báo chí Pháp và Đức cũng đồng loạt đưa tin về phản ứng của Trung Quốc đối với tuyên bố của nhóm G7 về tình hình Biển Đông.

Các báo này trích tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng các thành viên của nhóm G7 phải thu hồi lại những " lời tuyên bố và những hành động vô trách nhiệm" của họ, vì vấn đề Biển Đông là vấn đề riêng, thuộc khía cạnh "chủ quyền của Trung Quốc".

Trước đó, nhóm G7 trong buổi họp tại Hiroshima (Nhật Bản) đã bày tỏ thái độ lo ngại vì tình hình căng thẳng trên Biển Đông và nhấn mạnh các bên phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Báo chí châu Âu cũng dẫn lại tuyên bố của G7 rằng nhóm  không chấp nhận  thái độ "hăm dọa, ép buộc và khiêu khích đơn phương", dù là không nêu đích danh Trung Quốc.

Báo chí Pháp và Đức cũng dẫn lại bài viết của Tân Hoa Xã chỉ trích  Nhật đã "lợi dụng nhóm G7 cho mục đích riêng của họ và can thiệp vào vấn đề Biển Đông". 

Các hoạt động đơn phương của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông gây căng thẳng với  Nhật, Philippine, Brunei, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Mỹ cũng không đồng ý vì vấn đề di chuyển hàng hải quốc tế tại khu vực biển này bị giới hạn và đe dọa. 

Bảo Tâm (từ Pháp)

Đầu tháng 4-2016, các tàu chiến của Nhật đã đến viếng thăm  Philippines tại cảng quân sự Subic Bay nằm ở phía bắc nước này. Vịnh Subic có vị trí chiến lược trông ra Biển Đông. 

 

Nhiều bãi san hô thiên nhiên ở Biển Đông đã bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng thành căn cứ quân sự

 

Bản đồ đăng trên tở Der Spiegel của Đức diễn tả kế hoạch bành trướng chiếm hữu của Trung Quốc tại Biển Đông.

Bình luận (2)

Trung quốc có tật, giật mình, vừa ăn cướp, vừa to mồm

nguyễn nghia - Thứ Tư, 13/04/2016, 22:12 Trả lời | Thích

Tôi rất hoan nghênh G7 hội nghị HIROSIMA đặc biệt là Nhật Bản rất cứng rắn,không ngại va chạm với lời đe doạ của Trung Quốc.

Bùi tá Vinh - Thứ Ba, 12/04/2016, 21:21 Trả lời | Thích
Lên đầu trang