(CATP) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm thứ bảy 9-4-2016, đã lên đường sang thăm châu Á và hướng tới Ấn Độ, Philippines để thảo luận về việc tăng cường hợp tác quốc phòng khu vực, sau khi ông hủy chuyến đi đã lên kế hoạch tới Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng qua những tham vọng ngày càng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Carter tới Delhi và Manila sau các chặng dừng chân ở Trung Đông, tại Các tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất và Saudi Arabia.
Trung Quốc đang gây ra làn sóng bức xúc khắp khu vực và toàn cầu với những yêu sách chủ quyền phi lý chiếm gần trọn Biển Đông - tuyến đường biển quốc tế quan trọng giàu tiềm năng về nhiên liệu, khoáng sản. Các nước láng giềng và cả Mỹ đều quan ngại rằng Trung Quốc có thể áp đặt kiểm soát quân sự trên toàn bộ Biển Đông, khi những tháng gần đây Bắc Kinh đã xây nhiều công trình, gồm cả hệ thống radar và đường băng trên các vỉa san hô và bãi nổi ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
AFP hôm 10-4-2016 dẫn phát biểu của ông Carter trước Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York rằng: “Gần như tất cả các quốc gia ở đó đều đang yêu cầu chúng tôi hành động mạnh hơn nữa, cả về song phương lẫn đa phương”.
Theo Lầu Năm Góc, tại Ấn Độ, người phụ trách Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ thảo luận về quan hệ đối tác mới và đổi mới các liên minh cũ. Mỹ - Ấn Độ đang hợp tác về thiết kế tàu sân bay, công nghệ động cơ phản lực, sắp tới có thể còn phối hợp sản xuất máy bay phản lực chiến đấu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bắt đầu chuyến công du châu À trong tuần này - Ảnh: Getty Images
Theo lịch trình, bên cạnh các cuộc gặp với Thủ tướng Narendra Modi và người đồng cấp Manohar Parrikar, ông Carter sẽ thăm Vikramaditya - một trong hai tàu sân bay của Ấn Độ, trước đây thuộc Hải quân Liên Xô, gia nhập Hải quân Ấn từ 2013.
Ở Philippines, ông Carter sẽ viếng thăm Căn cứ không quân Antonio Batista trên đảo Palawan và nhóm đảo Trung Quốc tự xác nhận chủ quyền. Căn cứ Philippines này là một trong năm cơ sở quân đội Mỹ có thể sử dụng để tạm thời luân chuyển quân, sau thỏa thuận hợp tác quân sự có hiệu lực hồi tháng 1.
AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cao cấp nhấn mạnh rằng tiếp cận 5 căn cứ này sẽ “giúp chúng tôi khả năng hoạt động tại Philippines và ở Biển Đông. Tất nhiên nó củng cố thông điệp mang tính chất răn đe của chúng tôi”.
Thỏa thuận đánh dấu sự quay trở lại của quân đội Mỹ tới Philippines, vốn là thuộc địa của Mỹ từ 1898 - 1946. Đến năm 1992, Philippines cũng là quê hương của Căn cứ hải quân vịnh Subic và Căn cứ không quân Clark - hai cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Trong chuyến viếng thăm Manila, ông Carter dự kiến gặp Tổng thống Philippines Benigno và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gasmin.
Quyết định bỏ qua Trung Quốc trong chuyến công du châu Á lần này của người đứng đầu Lầu Năm Góc được đưa ra vài tuần trước, cho thấy rõ những căng thẳng giữa Bắc Kinh - Washington quanh vấn đề Biển Đông.