(CAO) Từ hôm qua 4-4 khi truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin vụ lộ “tài liệu Panama” chứa danh sách các cá nhân trốn thuế ở nhiều nước (trong đó có dính líu đến nhiều lãnh đạo chủ chốt trên Thế giới), chính quyền nhiều nước đã tuyên bố vào cuộc điều tra.
Trong bảng danh sách rò rỉ dựa trên thông tin của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama và văn phòng đặt ở 35 quốc gia là hàng trăm ngàn người có hành vi trốn thuế, che giấu tài sản. Trong đó có dàn phụ tá thân cận của tổng thống Nga Putin, người thân của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình , Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson…
11,5 triệu file tài liệu với khối lượng tài liệu lưu trữ lên đến 2,6 terabyte (TB), gồm email, các format cơ sở dữ liệu, file PDF, hình ảnh, văn bản chứa thông tin chủ sở hữu bí mật của các tài khoản ngân hàng và công ty ở nhiều nơi trên toàn cầu. 140 chính trị gia có tên trong các danh sách này.
Hơn 15.000 công ty ma được thành lập bởi sự “giúp sức” của các ngân hàng lớn, trở thành nơi nhiều cá nhân và chính trị gia nổi tiếng “rửa tiền” từ khối tài sản kiếm được hay cất giữ ở nước ngoài để né thuế.
Vụ "tài liệu Panama" khiến nhiều chính trị gia đứng ngồi không yên - Ảnh: BBC
Các cơ quan thuế của Úc, Pháp và New Zealand hôm nay 5-4 đã tuyên bố sẽ vào cuộc điều tra vụ việc này. Phạm vi điều tra của Úc là 800 khách hàng của Mossack Fonseca. Về phía New Zealand, chính quyền cũng đang dò lại danh sách những người đóng thuế của nước này có khả năng là khách hàng của Mossack Fonseca.
Trong một diễn biến khác, đài RT (Nga) đưa tin hàng chục ngàn người Iceland đã đổ ra đường ở thủ đô Reykjavik biểu tình đòi thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức do cáo buộc ông này trốn thuế từ vụ rò rỉ “tài liệu Panma”.
Theo đó, ông Gunnlaugsson cùng vợ đã lập công ty ma ở quần đảo Virgin (thuộc Anh) để trốn thuế.
Khi thông tin rò rỉ ra, thay vì chọn cách hợp tác điều tra- thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson đã chọc “nóng” dư luận khi tuyên bố không từ chức vì những cáo buộc dạng này. Ông còn “ca ngợi” thành tựu mà chính phủ đã điều hành trong thời gian qua là “đã đạt được kết quả tuyệt vời ở các vấn đề quan trọng”.
RT dẫn lời ông nhấn mạnh: ““Việc đơn giản là cáo buộc ai đó để buộc họ phải từ chức hoàn toàn không phù hợp với cách thức mà chúng ta muốn vận hành một xã hội”.
Triều Tiên lách lệnh trừng phạt thông qua Mossack Fonseca
Vụ “tài liệu Panama” rò rỉ cũng tiết lộ việc công ty Mossack Fonseca có quan hệ giao dịch với các công ty có trụ sở tại CHDCND Triều Tiên, Iran và các cá nhân có liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
BBC đưa tin Mosack Fonseca đã dùng danh nghĩa của mình để thành lập hay đứng ra làm đại diện cho các công ty ở nước ngoài. Các công ty này sẽ là nơi những cá nhân và tổ chức bị trừng phạt dùng làm địa điểm “rửa tiền”.
BBC đưa tin công ty DCB Finance do Mossack Fonseca đứng ra làm đại diện vào năm 2006 có chủ sở hữu và giám đốc ở Bình Nhưỡng. Chủ sở hữu của DCB Finance gồm một quan chức Triều Tiên tên Kim Chol Sam và một chủ ngân hàng người Anh tên Nigel Cowie.
Vụ "Tài liệu Panama" cũng cho thấy các công ty Triều Tiên thông qua Mossack Fonseca để lách trừng phạt - Ảnh: AFP
Bộ Tài chính Mỹ sau đó đã đưa DCB Finance vào danh sách 33 cá nhân và doanh nghiệp chịu lệnh trừng phạt vì là nơi trữ tiền để chính quyền Bình Nhưỡng dùng làm ngân sách hoạt động và hỗ trợ kinh phí cho chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Đến tháng 9-2010, khi DCB Finance đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, Mossack Fonseca mới thôi làm đại diện cho công ty này.
Thân quyến của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dính líu
Vụ “tài liệu Panama” rò rỉ đã tiết lộ người thân của ông Tập dùng công ty nước ngoài làm bình phong che giấu số tài sản khổng lồ.
BBC đưa tin trong số đó có anh rể ông Tập là Đặng Gia Qúy (chồng bà Tập Kiều Kiều, chị gái ông Tập Cận Bình). Ông Quý đã lập hai công ty tại quần đảo đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2009.
Ngoài ra hai ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc là ông Trương Cao Lệ và Lưu Vân Sơn cũng “dính” vào vụ này khi bị cáo buộc trốn thuế ở nước ngoài.
Ông Lưu Vân Sơn (trái) và Trương Cao Lệ (phải) bị tiết lộ trốn thuế
Việc giải mật các tài liệu trong vụ “tài liệu Panama” vì thế đang khiến nhiều người đứng ngồi không yên.