Báo Pháp đưa đậm nét tình hình ở Biển Đông

Thứ Bảy, 28/05/2016 18:28  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Ngày 27-5, khi hội nghị 7 nước công nghiệp phát triển (G7) bước vào phiên bế mạc, tờ Le Figaro (Pháp) đã đăng tải loạt thông tin đậm nét về tình hình Biển Đông.

Để tuyên truyền cho "chủ quyền" phi pháp của mình trên Biển Đông, Trung Quốc đã gia tăng việc sử dụng "quyền lực mềm" bằng cách tổ chức những chuyến  thăm ồ ạt, đông đảo của dân chúng nước này đến " cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm ( île de Woody) thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Chiếc "du thuyền vui chơi" chuyên chở du khách trong chương trình "Du lịch yêu nước" đến đảo Phú Lâm trên Biển Đông, khu vực đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm gần như trọn vẹn, nhưng cũng đã bị các quốc gia lân cận là Việt Nam, Philippines, Mã Lai, Brunei và lãnh thổ Đài Loan lên tiếng tố cáo là chủ quyền của những quốc gia đó đang bị xâm chiếm.

Xiao Jie, thị trưởng của cái gọi là "thành phố Tam Sa" tuyên bố đã có 30.000 du khách "yêu nước" đến thăm đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thành phố Tam Sa - Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm ( thuộc quần đảo Hoàng Sa- Việt Nam) 

Năm vừa qua có 16.000 du khách Trung Quốc đã đi thăm Hoàng Sa, theo tờ China Daily. Cũng theo tờ báo này, các du thuyền đi Hoàng Sa, Trường Sa xuất phát từ thành phố Tam Á, nằm ở phía nam của đảo Hải Nam.

Bến cảng du lịch tại Hải Nam vừa được tân trang lại với kinh phí 3 tỷ USD trong mục tiêu trở thành bến cảng du thuyền quan trọng nhất châu Á.

Sự kiện tổ chức du lịch "yêu nước" nằm trong chiến lược khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, nhưng thâm ý là làm gia tăng thêm căng thẳng trên Biển Đông, dù họ chưa sử dụng đến sức mạnh quân sự.

Song song đó, Trung Quốc đang thực hiện yêu sách bành trướng bằng việc sử dụng "các đội tự vệ ngư dân Trung Quốc" trên Biển Đông. Đó là những ngư dân được huấn luyện bằng những bài tập quân sự, được trang bị tàu vỏ thép, thậm chí là vũ khí để ra khơi đánh bắt, trở thành lực lượng "dân quân" thực hiện mưu đồ lấn chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Trước nay, Trung Quốc luôn rêu rao sẽ bảo vệ "quyền lợi xuất phát từ lịch sử xa xưa" về nghề đánh cá của nước này trong khu vực.

Những  "ngư dân" biến thành "dân quân" của đảo Hải Nam là những lực lượng đắc lực vì họ thường xuyên túc trực trên biển, mà lại không bị mang danh là lực lượng quân sự.

Những ngư dân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam đang được chính quyền nước này tích cực huấn luyện thành lực lượng "dân quân" tràn xuống Biển Đông đánh bắt 

Trong khi đó, những ngư dân Việt Nam trên những chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ ở miền trung Việt Nam luôn bị tấn cống một cách rất bất ngờ, như trường hợp chiếc thuyền đánh cá của ông Pham Phu Thanh, vào ngày 3-5-2016 lúc 23 giờ đã bị một "tàu sắt lạ" lao tớ tông vào khiến chiếc tàu gỗ của ông bị chẻ làm hai, khiến 34 ngư dân Việt Nam chỉ còn cách là nhảy xuống biển trong khi tàu của ông chìm nhanh trong vài phút, và chiếc tàu sắt tấn công nhanh chóng chạy mất - tờ Le Figaro ghi nhận. 

Chiến lược ngoại giao của Trung Quốc cũng nhắm vào việc từ chối các hội nghị quốc tế có nhiều thành viên tham dự mà đặt trọng tâm vào việc xé lẻ ra thành những cuộc đàm thảo song phương để dễ bề gây áp lực, mà vũ khí gây áp lực lớn nhất của Trung Quốc là đe dọa về các vấn đề hợp tác kinh tế để các nước chùn chân, không thể hiện chính kiến phản đối Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. 

Hơn thế nữa, Trung Quốc đã tuyên bố trước là sẽ không chấp nhận tuyên bố của Tòa án trọng tài  quốc tế trong vụ kiện về chủ quyền của Philippines đối với Trung Quốc xung quanh tranh chấp trên Biển Đông. 

Trong khi đó, những tàu cá của ngư dân Việt Nam ra khơi bám biển với mục đích mưu sinh đơn thuần. 

Vào ngày 27-5, người phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc "rất bất mãn" vì  tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 về tình hình trên Biển Đông.

Các nhà lãnh đạo G7 đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp trên cơ sở hòa bình và nên đặt trọng tâm vào sự hợp tác và lãnh đạo nền kinh tế thế giới, đồng thời chống lại những hành động đơn phương nhằm hăm dọa, đàn áp và khiêu khích các nước khác xung quanh tranh chấp trên vùng biển này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang