(CAO) Tổng thống Nga - Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ coi một cuộc tấn công từ một quốc gia phi hạt nhân được một quốc gia có vũ khí hạt nhân hậu thuẫn là một "cuộc tấn công chung".
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine gia tăng.
Trong những phát biểu quan trọng vào tối 25/9, tổng thống Nga cho biết chính phủ của ông đang cân nhắc thay đổi các quy tắc và điều kiện tiên quyết mà Nga sẽ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Ukraine là một quốc gia phi hạt nhân nhận được sự hỗ trợ quân sự từ Hoa Kỳ và các quốc gia có vũ khí hạt nhân khác.
Những bình luận của ông chủ Điện Kremlin được đưa ra khi Kyiv tìm kiếm sự chấp thuận để sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây chống lại các địa điểm quân sự ở Nga.
Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky đã đến Mỹ trong tuần này và dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ - Joe Biden tại Washington vào ngày 26/9.
Ukraine đã tiến vào lãnh thổ Nga trong năm nay và muốn nhắm mục tiêu vào các căn cứ sâu bên trong lãnh thổ Nga mà họ cho là những nơi bắn tên lửa vào Ukraine.
Hôm 25/9 ông Putin đã cảnh báo rằng một học thuyết hạt nhân mới sẽ "rõ ràng đặt ra các điều kiện để Nga chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân" - và cho biết các kịch bản như vậy bao gồm các cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường nhắm vào Moscow.
Tổng thống Nga Putin
Ông cho biết Nga sẽ xem xét "khả năng" sử dụng vũ khí hạt nhân như vậy nếu phát hiện ra sự khởi đầu của một vụ phóng tên lửa, máy bay và máy bay không người lái ồ ạt vào lãnh thổ của mình, điều này gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với chủ quyền của quốc gia.
Ông nói thêm: "Hành động xâm lược Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, được coi là cuộc tấn công chung của họ vào Liên bang Nga".
Nhà lãnh đạo Điện Kremlin cho biết vũ khí hạt nhân của quốc gia này là "sự đảm bảo quan trọng nhất cho an ninh của nhà nước và công dân của chúng ta".
Kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các quốc gia có vũ khí hạt nhân đã tham gia vào chính sách răn đe, dựa trên ý tưởng rằng nếu các quốc gia tham chiến tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân lớn, điều đó sẽ dẫn đến sự hủy diệt lẫn nhau. Nhưng cũng có vũ khí hạt nhân chiến thuật là những đầu đạn nhỏ hơn được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu mà không gây ra bụi phóng xạ trên diện rộng.
Vào tháng 6, ông Putin đã đưa ra lời cảnh báo tới các nước châu Âu ủng hộ Ukraine khi nhấn mạnh rằng Nga có "nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật hơn so với lục địa châu Âu, ngay cả khi Hoa Kỳ mang vũ khí của họ sang".
"Châu Âu không có hệ thống cảnh báo sớm phát triển. Theo nghĩa này, họ ít nhiều không có khả năng phòng thủ" – ông Putin nhấn mạnh.
Vào thời điểm đó, ông đã ám chỉ về những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga - tài liệu nêu rõ các điều kiện mà Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.