Trump rục rịch đòi rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran

Thứ Năm, 03/05/2018 15:04  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 3-5, BBC đưa tin Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã thúc giục tổng thống Trump không đưa Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân nhằm ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, đạt được dưới thời Obama.

Theo ông Guterres, nếu Mỹ rút khỏi thoả thuận này, một cuộc khủng hoảng, thậm chí là một cuộc chiến có thể xảy ra mà không thể đảo ngược.

Ông chủ Nhà Trắng từng nhiều lần chỉ trích thoả thuận này, cho phép Iran giới hạn chương trình hạt nhân của mình để đổi lại được Mỹ và các nước phương Tây khác dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Theo tổng thư ký LHQ, thoả thuận này là “một chiến thắng ngoại giao” và “cần được duy trì”.

Trump có thời hạn đến 12-5 để quyết định xem có tiếp tục tham gia thoà thuận hay không.

Trước đó vài ngày, đồng minh của Mỹ là Israel đã công bố các “tài liệu hạt nhân bí mật” cáo buộc Tehran vẫn đang bí mật theo đuổi chương trình hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cáo buộc chính quyền Obama đã ký thoả thuận hạt nhân với Iran dựa trên “những sự giả dối”.

Trump đang có dấu hiệu muốn rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các đồng minh châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức lại đồng thuận việc thúc đẩy Iran thực thi thoả thuận năm 2015, xem đây là cách tốt nhất để ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo thoả thuận, Tehran không làm giàu uranium đến mức có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Các máy ly tâm tại 2 cơ sở Natanz và Fordo cũng được tháo dỡ trước khi hàng tấn uranium làm giàu ở mức độ thấp được chuyển đến Nga để xử lý.

Đến nay, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) chưa phát hiện Iran có sai phạm nào trong việc thực thi các điều khoản trong thoả thuận. 

Rối như tơ vò thoả thuận hạt nhân với Iran 

Chuyện tưởng cũ nhưng đang được Mỹ cùng các cường quốc phương Tây khác như Pháp xem xét lại: Thoả thuận hạt nhân với Iran đạt được vào năm 2015 dưới thời Obama.

Nay thoả thuận này đang chịu chung số phận giống như hàng loạt chính sách khác như nhập cư hay các hiệp định thương mại đa phương, bị tổng thống Mỹ Donald Trump kêu ca cần “đàm phán lại” vì gây bất lợi cho nước Mỹ.

Hoà giọng cùng Washington là màn chỉ trích của thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu những ngày qua, tố Iran “dối trá” khi bấy lâu vẫn âm thầm theo đuổi chương trình hạt nhân của mình. Ông Netanyahu đưa ra 55.000 trang tài liệu và thêm 55.000 trang tài liệu khác ghi trên 183 đĩa CD, gọi là “bằng chứng” được tình báo Israel ghi nhận với việc thu được nhiều “vật liệu” chế tạo hạt nhân bị Tehran che giấu.

Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu cáo buộc Iran theo đuổi bí mật chương trình hạt nhân - Ảnh: CNN

Tuy nhiên, CNN dẫn lời Mark Fitzpatrick – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và Chiến lược nhận định cáo buộc của ông Netanyahu không có gì mới, các bằng chứng không có gì rõ ràng, chỉ khiến tình hình căng thẳng gia tăng thêm.

Giữa cáo buộc qua lại, Nhà Trắng “đổ thêm dầu vào lửa” với thông cáo sai chính tả của mình vào hôm 30-4 ghi nhầm động từ chia ở thì quá khứ “had” thành “has” tố Iran “đang có một chương trình vũ khí hạt nhân lớn, bí mật”. Sau đó Nhà Trắng sửa lại câu văn thành “had” để nghĩa thông cáo trở lại thành “Iran đã từng có chương trình hạt nhân”. Truyền thông quốc tế cho rằng Washington cố tình “nhầm lẫn” để thể hiện sự ủng hộ với đồng minh Israel.

Vì sao thoả thuận hạt nhân đạt được với Iran tưởng đã xong nay lại thành rắc rối? Chỉ có thể giải thích bằng vị thế bành trướng trong khu vực của Tehran ngày càng tăng. Từ năm 2015 đến nay, Tehran đã bắt đầu đưa lực lượng tham gia cùng Nga vào chiến sự ở Syria, ủng hộ chính quyền Assad. Bên cạnh đó, Tehran cũng bảo trợ phiến quân Houthi ở Yemen chống lại liên quân của Ả Rập Saudi – đồng minh của Mỹ.

Sơ đồ các cơ sở hạt nhân của Iran - Ảnh: đồ hoạ BBC

Khi chiến sự tại Syria có những chuyển biến mới có lợi cho Assad, Iran là bên chủ chốt cùng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các hội nghị đa phương bàn về tương lai của chế độ Damascus. Mỹ và liên quân thay vì hạn chế được tầm ảnh hưởng của Tehran, nay đang bất lực nhìn lực lượng của Iran bành trướng.

Điều đáng gờm thứ hai chính là chương trình phát triển tên lửa của Iran ngày càng đạt được nhiều bước tiến. Hồi tháng 7-2017, Iran công bố loại tên lửa có tên Sayyad 3, khi bắn có thể đạt độ cao 27km, tầm bắn lên đến 120km. Sayyad 3 có thể tiêu diệt các mục tiêu là máy bay chiến đấu, xe không người lái, tên lửa hành trình và trực thăng.

Động thái này nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran của Mỹ. Iran cho thấy họ là một “con nhím” có thể xù lông bất cứ lúc nào, năng lực quốc phòng không phải “tầm thường” như các nước như Lybia để bó tay chịu “thay màu” chế độ bằng những cuộc cách mạng màu.

Nguyên nhân thứ ba chính là vị trí địa chiến lược của Iran nhìn ra vịnh Ba Tư, trông ra Ấn Độ Dương. Iran án ngữ eo biển Hormuz là đường vận chuyển dầu chủ chốt ở Trung Đông. Những năm gần đây quan hệ giữa Nga và Iran ngày càng khăng khít.

Moscow đang tìm đường đi ra những “vùng biển nóng” có thể thiết đặt các căn cứ quân sự chủ lực như cách thức tổng thống Nga Putin đã thiết đặt được các căn cứ quân sự như căn cứ Hmeymim trông ra Địa Trung Hải ở Syria. Sẽ là “ác mộng” với Mỹ và Israel nếu Nga hợp tác với chính quyền Tehran để thiết lập căn cứ tại Iran, khống chế đường vận chuyển dầu.

Tổng thống Trump cho rằng thoả thuận hạt nhân với Iran năm 2015 giúp Tehran có thời gian “câu giờ” bành trướng lực lượng, hoàn thiện chương trình tên lửa phòng không của mình.

Trump từng phát biểu rằng ông chống lại thoả thuận hạt nhân với Iran - Ảnh: AFP

Bởi thế, hôm 25-4, BBC đưa tin trong cuộc gặp song phương giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cả hai úp mở khả năng bàn thảo về một thoả thuận mới về chương trình hạt nhân của Iran. Trump cho rằng thoả thuận hạt nhân chứa các điều khoản không có lợi cho Mỹ.

Một thoả thuận hạt nhân mới cần bao hàm cả vấn đề ở Yemen, Syria và các khu vực khác ở Trung Đông cùng chương trình tên lửa. Trump muốn một thoả thuận “đa nhiệm” để khống chế toàn diện Iran.

Dĩ nhiên Tehran không chịu “bó tay”. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif từng cảnh báo hành động đơn phương của Trump sẽ khiến tín nhiệm đối với Mỹ suy giảm trên bình diện quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Sẽ không còn bất kỳ ai tin vào các thỏa thuận ký kết dài hạn với chính quyền Mỹ vì thời hạn cam kết của chúng giờ chỉ còn tính bằng nhiệm kỳ của một tổng thống”.

Tình hình “rối như tơ vò” nhìn sâu vào không gì khác hơn là xung đột lợi ích và ảnh hưởng trong khu vực giữa Mỹ và các nước phương Tây khác với Iran và Nga.

Bình luận (0)

Lên đầu trang