(CAO) Suốt tuần qua, khi tờ Washington Post hôm 26-2 công bố danh tính đao phủ xuất hiện trong các đoạn video hành quyết con tin của IS, Mohammed Emwazi trở thành tâm điểm nghiên cứu hành vi của cộng đồng. Vì sao từ một sinh viên hòa nhã, mê bóng đá phút chốc y thành kẻ vung dao giết người?
Từ tháng 8-2014, Mohammed Emwazi với biệt danh “John thánh chiến” xuất hiện liên tiếp trong các đoạn video quay cảnh hành quyết con tin của IS.
“Mở màn” bằng nhát dao cắt cổ nhà báo Mỹ James Joley, Emwazi tiếp tục hành vi đồ tể với các con tin khác từ nhà báo Mỹ Steven Sotloff, nhân viên cứu trợ David Haines... đến phóng viên người Nhật Kenji Goto. Những nhát dao lia qua đầu người khi họ còn nhận thức được đau đớn, đó là điều IS nhắm đến nhằm lan tỏa hiệu ứng ghê sợ trong cộng đồng.
Khi “mặt nạ” bị tháo, “John thánh chiến” thành tâm điểm khai thác. Bức tranh đời tư của tên đao phủ từ thơ ấu đến trưởng thành được phô bày, là minh chứng của làn sóng cực đoan hóa như dòng sông ngầm chảy giữa trời Âu.
Đao phủ IS Mohammed Emwazi (trái) trong một đoạn video hành quyết con tin - Ảnh: Daily Mail
Tờ Express (Anh) hôm 27-2 dẫn tự bạch Emwazi viết trong sổ lưu bút nhà trường lúc y 10 tuổi cháu sẽ thành cầu thủ bóng đá, cháu sẽ ghi bàn”. Bạn bè cùng hàng xóm “John thánh chiến” đều bất ngờ khi hay y là đao phủ. Họ chung nhận xét tên này “hiền lành, lịch thiệp, đáng mến, giỏi thể thao...”.
Sinh tại Kuwait, Emwazi cùng gia đình chuyển đến London (Anh) năm 1993 lúc 6 tuổi. Gia thế thuộc hàng trung lưu ở London, tốt nghiệp lập trình máy tính ở Đại học Westminster năm 2009. Truyền thống gia đình nuôi dưỡng y trong giáo lý Hồi giáo nhân ái, đến khi đao phủ giao du với những nhóm cực đoan.
Giai đoạn 2009 - 2010, “John thánh chiến” bắt đầu tham gia một nhóm thanh niên Hồi giáo cực đoan có liên hệ với Hussain Osman, một trong những kẻ âm mưu đánh bom hệ thống tàu điện ngầm London năm 2005. Trước đó, tờ Daily Telegraph cho biết Emwazi học trung học cùng 2 người sau này cũng trở thành chiến binh thánh chiến.
Lọt vào tầm ngắm của tình báo Anh, Emwazi bị giám sát chặt nhất cử nhất động. Nhưng y vẫn tìm cách đến được Syria năm 2013 rồi tham gia IS, để trở thành đao phủ khát máu. Nếu để lý giải vì sao từ kẻ mê quả bóng thành kẻ vung dao, câu thành ngữ Việt Nam “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là đáp án xem chừng hợp lý nhất.
Một chiến binh IS đào ngũ tên Abu Ayman từng gặp Emwazi cách đây 2 năm nói với đài BBC (Anh) hôm 1-3 rằng, “John thánh chiến” chẳng có gì đặc biệt vì ai cũng có thể trở thành như vậy. Hiểu được điều đó, IS và các tổ chức khủng bố thường dùng internet, mạng xã hội để truyền bá tư tưởng. Đồng thời bọn chúng lập những hội nhóm cực đoan len lỏi vào xã hội. Công cuộc “tẩy não” biến người ôn hòa thành kẻ cực đoan như “John thánh chiến”, ngày đêm tuôn chảy trong xã hội như một sông ngầm đen tối.
Những Mohammed Emwazi, Hussain Osman hay anh em nhà Kouachi gây ra vụ thảm sát ở tòa báo biếm Charlie Hebdo cho thấy, để diệt tận gốc nạn cực đoan cần sự chung tay của cả cộng đồng, giáo dục phẩm chất cho mỗi người theo hướng tích cực từ bé, ngăn chặn tư tưởng cực đoan trên internet; đồng thời tạo không gian sống thiện cảm, chân tình để những sắc dân thiểu số trong xã hội không có cảm giác khó hòa nhập, bị phân biệt mà nảy sinh ý nghĩ cực đoan.
Hôm 1-3, IS dọa giết người đồng sáng lập mạng xã hội Twitter, Jack Dorsey vì cay cú khi Twitter thường đóng các tài khoản của IS trên mạng này, nhất là những tài khoản tung lời đe dọa hoặc dẫn liên kết đến các bài viết về hành quyết, tra tấn con tin. IS cảnh báo “cuộc chiến tranh ảo trên internet của ông sẽ dẫn đến một cuộc chiến thật với ông”. Bọn chúng “nổi điên” vì biết sẽ không còn “John thánh chiến” nào nữa, nếu bị cắt đi phương tiện tuyên truyền cho tư tưởng quái thai.
Anh Duy