(CATP) Cho rằng người cháu trong thời gian được giao đứng tên đại diện công ty đã chiếm giữ 2 triệu USD tiền sang nhượng cổ phần, người cậu ruột đã tiến hành khởi kiện. Tuy nhiên trước những chứng từ chứng minh mình không có liên quan, bị đơn vẫn bị tòa án gây khó khăn khiến doanh nghiệp do ông này điều hành có trụ sở ở nước ngoài đứng trước nguy cơ đóng cửa.
NỘI DUNG VỤ VIỆC
Theo nội dung đơn khởi kiện của Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn (gọi tắt là Cty Sài Gòn, có trụ sở P2, Q.Tân Bình) do ông Dương Văn Phúc làm đại diện pháp luật gửi TAND quận Gò Vấp thì tháng 6-2016, Cty Sài Gòn có chuyển nhượng 300.000 cổ phần của ông Nguyễn Phúc Nghiêm tại Công ty CP Đầu tư Phát triển Đại Phong (Cty Đại Phong, có trụ sở tại quận Phú Nhuận) với giá 1,5 tỷ đồng. Để thuận tiện trong giao dịch, Cty Sài Gòn giao cho ông Võ Phương Lâm (thời điểm trên là phó giám đốc, cháu ruột gọi ông Phúc là cậu) đứng tên đại diện cho Cty Sài Gòn tham gia vào Cty Đại Phong với tư cách là cổ đông.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Văn phòng luật sư Bình Tân, Đoàn luật sư TPHCM:
"Việc tòa án không chấp nhận yêu cầu hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông Lâm là sai bởi chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30/12/2019 của TAND Tối cao đã nêu rất rõ: Tòa án áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ để đảm bảo giải quyết vụ án khi người bị áp dụng đã có người đại diện cư trú tại Việt Nam tham gia tố tụng hoặc để đảm bảo thi hành án trong khi người có nghĩa vụ đã bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác như phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản... là không đúng quy định của pháp luật".
Đến năm 2017, Cty Sài Gòn yêu cầu ông Lâm chuyển nhượng cổ phần cho Cty I.W.P với giá 46 tỷ đồng, tương đương 2 triệu USD và ông Lâm là người nhận số tiền trên. Tuy nhiên, sau khi giao dịch xong, ông Lâm không hoàn trả lại tiền 46 tỷ đồng cho Cty Sài Gòn nên ông Phúc khởi kiện.
Thụ lý đơn khởi kiện của ông Phúc, TAND Q.Gò Vấp đã nhanh chóng ban hành ngay Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 22/QĐ-BPKCTT với nội dung "tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông Võ Phương Lâm...". Ngày 9-1-2020, TAND Q.Gò Vấp tiếp tục ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 03/2020/QĐ-ADBPKCTT phong tỏa tài sản của ông Lâm là căn nhà nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu, P6, Q. Bình Thạnh. Sau khi bị ông Lâm liên tục phản ứng, đến ngày 10-2-2020, TAND Q.Gò Vấp mới "giật mình" vì xác định vụ án này không... thuộc thẩm quyền giải quyết của mình?! Do vậy đến ngày 18-3-2020, hồ sơ vụ kiện được chuyển lên TAND TPHCM.
Do quyết định ngăn chặn xuất cảnh mà trước đó Tòa án Q.Gò Vấp đã ban hành và sau này được TAND TP tiếp tục duy trì làm gián đoạn công việc điều hành công ty ở nước ngoài, nên ngày 29-6-2020, ông Lâm đã ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Thông được nhân danh và thay mặt mình liên hệ với TAND TPHCM, TAND các cấp, cơ quan thi hành án và cơ quan có thẩm quyền liên quan trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án trên.
Ông Võ Phương Lâm trình bày vụ việc với phóng viên
Để chứng minh mình chấp hành đúng quy định pháp luật, ông Lâm cũng đã tự nguyện chấp nhận yêu cầu phong tỏa một số tài sản của mình. Tuy nhiên, thẩm phán Đào Quốc Thịnh vẫn không hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh với ông Lâm.
NHỮNG BẤT THƯỜNG CỦA VỤ VIỆC
Đến nay, đã gần 1 năm kể từ ngày bị "cấm xuất cảnh", bị đơn vẫn không biết bao giờ mới được giải tỏa. Hiện tại, TAND TP vẫn chưa có lịch làm việc và hướng giải quyết vụ việc. Trong khi đó, ông Lâm cho biết việc cấm xuất cảnh đối với ông đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và hoạt động kinh doanh. Do đang đứng đại diện một doanh nghiệp ở nước ngoài nên trong gần 1 năm không được sang đấy điều hành, công ty trên đang đứng trước bờ vực phá sản.
Trình bày với phóng viên Báo Công an TPHCM, ông Lâm cho biết, cơ sở để ông Phúc kiện là văn bản thỏa thuận mua cổ phần ngày 22-6-2016 và giấy xác nhận thanh toán lập ngày 10-7-2016 nhưng hai văn bản này là ngụy tạo. Cụ thể, trong giấy thỏa thuận mua cổ phần giữa Cty Sài Gòn và ông Nguyễn Phúc Nghiêm và giấy xác nhận thanh toán có đóng dấu mộc của Cty Sài Gòn được xác lập vào tháng 6 và 7-2016. Tuy nhiên, mẫu dấu này đã được thay đổi từ trước đó... 3 tháng (tức tháng 3-2016). Qua xác minh tại thông báo của Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM thì đúng là Cty Sài Gòn đã thay đổi, sử dụng mẫu con dấu có ghi chữ "Q.TÂN BÌNH TPHCM" thay cho con dấu có ghi chữ "Q.GÒ VẤP, TPHCM" từ ngày 28-3-2016.
Một trong những chi tiết bất bình thường khác là việc ông Phúc tố thương vụ mua bán 300.000 cổ phần nói trên được trả bằng tiền mặt và ông Lâm là người nhận, liệu có khả thi bởi luật pháp quy định rõ khi doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần phải thông qua chuyển khoản chứ không được giao dịch bằng tiền mặt?
Hình ảnh từ camera cho thấy ông Phúc đi cùng một người lạ vào chung cư nơi ông Lâm ở
Điều khá bất ngờ là trong lúc ông Lâm gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM tố lại thì theo ông Lâm trình bày, khoảng 10 giờ 30 ngày 1-3-2020, biết chủ không có nhà, ông Phúc đã đi cùng một người khác tự ý xông vào căn hộ ông Lâm đang sinh sống tại chung cư Charmington La Pointe (P12Q10). Sau đó, cả hai lục lọi, lấy cắp nhiều giấy tờ liên quan đến các giao dịch bất động sản của ông Lâm với các doanh nghiệp đối tác cùng hồ sơ nhà đất, hộ chiếu và số tiền 2,2 triệu đồng. Qua trình báo, CAP12 Q10 và Ban quản lý chung cư đã lập biên bản, tiến hành trích xuất camera an ninh và xác định một trong hai người vào căn hộ của ông Lâm là ông Phúc.
Ngoài ra, ông Lâm còn trình bày trước đó, ông Phúc đã gửi đơn tố cáo ông Lâm chiếm đoạt 2 triệu USD với Cơ quan CSĐT CATP. Sau khi thụ lý, Cơ quan CSĐT cũng đã có hai lần ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lâm. Tuy nhiên, đến ngày 21-6-2020, đơn vị này đã giải tỏa việc ngăn cấm ông Lâm xuất cảnh, chỉ còn lại tòa án vẫn giữ nguyên quyết định cấm xuất cảnh đối với ông Lâm.
Vậy ông Lâm có chiếm giữ số tiền 2 triệu USD của ông Phúc? Tất cả sẽ được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ trong thời gian tới. Tuy nhiên, với những gì diễn ra cho thấy sự bất cập của ông Phúc cũng như sự vội vàng, làm việc máy móc của các thẩm phán thụ lý vụ việc. Nếu việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông Lâm là sai, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người này khi công ty do ông điều hành ở nước ngoài phá sản?