Vô cớ đập tường rào của người khác thì cho xây lại (!?)
Như Báo Công an TPHCM nhiều lần thông tin, ngày 30-11-2019, ông Trần Thiên Bảo (SN 1976, ngụ P.Bình Nhâm, TP.Thuận An, Bình Dương) bất ngờ nhận tin nhắn từ số điện thoại của bà Nguyễn Thị Hiển (chủ thửa đất giáp ranh đất của ông Bảo tại thôn Đại Thiện 1, xã Hàm Hiệp, H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), thông báo rằng bà ta cho xe cuốc san bằng tường rào trên phần đất của ông Bảo.
Hôm sau, ông Bảo đến nơi và bàng hoàng không tin vào mắt mình vì hàng rào đã bị san bằng. Hơn một năm qua, ông Bảo đề nghị các cơ quan chức năng khởi tố bà Hiển về hành vi hủy hoại tài sản của mình, nhưng các cơ quan chức năng của H.Hàm Thuận Bắc vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Sau khi Báo Công an TPHCM đăng bài Đập phá tường rào của người dân vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật phát hành, Công an H.Hàm Thuận Bắc rút toàn bộ hồ sơ để kiểm tra lại.
Ngày 18-4-2022, các cơ quan chức năng H.Hàm Thuận Bắc tổ chức cuộc họp, báo cáo với UBND huyện xung quanh những kiến nghị của ông Bảo. Tại cuộc họp, đại diện Công an H.Hàm Thuận Bắc thông tin, công an đã kiểm tra hồ sơ và gặp những người liên quan.
"Qua đó, Công an huyện xác định, tường rào một phần lấn sang đất của bà Hiển. UBND xã Hàm Hiệp thành lập Hội đồng định giá, phần tường rào mà bà Hiển thuê xe đập phá trên phần đất của ông Bảo có chiều dài 3,9m, cao 4m, tương đương 1,5 triệu đồng, dưới 2 triệu đồng nên không khởi tố hình sự mà phạt hình chính. Tuy nhiên, thời gian phạt hình chính đã hết hiệu lực nên chỉ buộc bà Hiển khắc phục hậu quả tường rào đã đập phá trên phần đất của ông Bảo. Trước đó, khi tiến hành đo đạc, ông Bảo ký tờ biên bản đo đạc như thừa nhận ranh giới trên" - một cán bộ H.Hàm Thuận Bắc cho biết.
Hiện trường bức tường rào bị đập phá
Trước cách giải quyết trên, ông Bảo không giấu nổi bức xúc: "Tường rào trên phần đất của tôi có trước khi bà Hiển được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ trước đến thời điểm bà ta cho xe cuốc đập tường rào, không ai khiếu nại về tường rào thì được xem là tài sản của tôi. Bà Hiển không khiếu nại, lại thuê người san bằng tài sản của người khác là hành vi xem thường pháp luật, cần phải xử lý nghiêm để răn đe. Huyện chưa mời tôi làm việc mà lại báo cáo như thế là chưa thỏa đáng.
Với cách giải quyết trên, huyện vô tình ủng hộ cho cá nhân đập phá tài sản người khác rồi chỉ yêu cầu họ khắc phục hậu quả hay sao? Mặt khác, chữ ký của tôi trong biên bản đo đạc là xác định hàng rào bị san bằng, chứ không phải là biên bản đo đạc ranh giới, kiểm tra thực địa".
Hủy hoại tài sản có tổ chức?
Chúng tôi bất ngờ trước biên bản mà các cơ quan chức năng H.Hàm Thuận Bắc căn cứ vào đó để xác định rằng ông Bảo đã đồng ý về ranh giới đất.
Theo biên bản trên, ngày 6-1-2021, tại khu đất của ông Bảo, có các cán bộ, gồm: Nguyễn Thị Thanh Triều (công chức địa chính), Nguyễn Thanh Tiến (Phó trưởng Công an xã Hàm Ninh), Nguyễn Huỳnh Trung Kiên (viên chức Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất - Chi nhánh H.Hàm Thuận Bắc) đã xác định tường rào bị san bằng nằm ngoài ranh đất của ông Bảo là 8,4m và góc nhà vệ sinh 1,8m. Tường rào trong phần đất của ông Bảo mà bà Hiển đập là 3,9m. Tuy nhiên, biên bản không có bản vẽ, sơ đồ. Khi được hỏi thì cán bộ xã cho rằng có vẽ nháp, nhưng không đưa vô biên bản.
Từ biên bản đo đạc không bản vẽ bản đồ thực địa, ngày 26-1-2022, UBND xã Hàm Hiệp có biên bản thành lập Hội đồng định giá tài sản, gồm: ông Lê Văn Minh (Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp) cùng cán bộ xã phụ trách về địa chính, tài chính, đại diện Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Tư pháp, Công an và Chỉ huy trưởng Quân sự xã, chuyên viên Phòng Tài chính, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường H.Hàm Thuận Bắc.
Tiến hành định giá 3,9m tường rào, có chiều cao 4m, Hội đồng này xác định tường rào xây dựng khoảng 10 năm, giá trị còn lại 40%. Theo quy định về mức giá mà UBND tỉnh Bình Thuận ban hành, mức giá tường rào trên có giá trị 1 triệu đồng mỗi mét. Như vậy, sau khi khấu hao 40%, giá trị tường rào mà bà Hiển đập phá tương đương số tiền 1,56 triệu đồng.
Thực tế, các cơ quan chức năng H.Hàm Thuận Bắc thực hiện giải quyết đơn tố giác tội phạm của ông Bảo theo quy trình ngược. Thay vì khi nhận hồ sơ của Công an xã Hàm Hiệp chuyển đến, Công an H.Hàm Thuận Bắc thụ lý hồ sơ, xác định ranh giới, tường rào bị đập phá. Sau đó, thành lập hội đồng định giá để xem xét trách nhiệm thuộc về hình sự hay dân sự. Đằng này, huyện phó thác cho UBND xã và Công an xã, không có chức năng hoạt động tố tụng trong lĩnh vực hình sự để giải quyết.
Mặt khác, qua xem xét hồ sơ, hành vi hủy hoại tài sản của bà Hiển là có tổ chức. Đây là hình thức tăng nặng nếu đủ yếu tố xem xét xử lý trách nhiệm về hình sự. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Lê Văn Tính (chủ xe cơ giới) cho biết, ngày 26-11-2020, bà Hiển gặp ông Tính, thuê phá cây trứng cá cùng hàng rào, với giá 2,5 triệu đồng. "Đồng ý giá cả, tôi cam kết, 4 ngày sau thi công. Công việc thi công tôi giao cho tài xế. Trong lúc thực hiện, bà Hiển chỉ ở đâu, xe cuốc đập phá đến đó” - ông Tính kể.
Tài xế Phạm Thành Luân thừa nhận: "Sáng 30-11-2020, tôi theo chủ xe tới khu đất bà Hiển chỉ để dọn dẹp cây cỏ... Công việc gần xong, bà Hiển kêu tôi kéo sập hàng rào phía sau căn nhà cấp 4 cùng nhà vệ sinh. Tôi hỏi: "Phá có được không cô?". Bà Hiển trả lời: "Con cứ làm đi. Người ta chiếm đất cô nên phá lấy lại". Bà Hiển còn kêu tôi kéo luôn cây trứng cá nằm sát căn nhà kia. Toàn bộ công việc đập phá tường rào, nhổ cây trứng cá do bà Hiển chỉ đạo".
Và thật lạ lùng, với hành vi trên, bà Hiển lại được "chiếu cố" không xử lý hình sự, không xử lý hành chính mà chỉ yêu cầu khắc phục hậu quả (?!).
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ xã cho biết: "Chúng tôi xác định, hành vi của bà Hiển là thách thức pháp luật, cần phải xử lý, răn đe. Nhưng việc xử lý do quyết định của huyện".
Trong vụ này, vì sao H.Hàm Thuận Bắc lại nhùng nhằng trong xử lý, liệu có hợp lòng dân? Hiện nay, H.Hàm Thuận Bắc đang tập hợp hồ sơ, báo cáo kết quả xác minh cho Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, theo đơn khiếu nại của ông Bảo.