Bà Rịa - Vũng Tàu:

Một doanh nghiệp kêu cứu vì cách “hành xử” khó hiểu của cán bộ thuế

Thứ Bảy, 09/04/2022 10:50  | Lê Bình

|

(CATP) "Khi làm đơn phản ánh vụ việc một cán bộ thuế, công ty của tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn chấp nhận vì muốn tiếng nói của mình sẽ lên tới các vị lãnh đạo ngành thuế cũng như lãnh đạo địa phương nhằm giúp cho những doanh nghiệp ở đây có môi trường tốt để phát triển. Cán bộ thuế phải là người bạn đồng hành với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, giúp doanh nghiệp khắc phục sai sót đóng góp chính sách thuế...". Đó là lời tâm sự của bà Nguyễn Thiên Hương - GĐ Công ty TNHH Bê Tông Sơn Lâm tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhận hồ sơ gốc nhưng không ký biên nhận

Lá đơn phản ánh được bà Hương gửi Báo CATP ngày 17-3-2022, cùng với hàng loạt chứng cứ về những hành vi "làm khó doanh nghiệp" của ông Trần Ngọc Chính - Phó trưởng phòng Thanh tra kiểm tra 3, Cục thuế tỉnh BR-VT. "Sự việc bắt đầu từ ngày 14-5-2021, Cục thuế BR-VT có quyết định số 3657/QĐ-CT về việc kiểm tra thuế năm 2020 của công ty Sơn Lâm do ông Trần Ngọc Chính làm trưởng đoàn và theo đó là chuỗi ngày "hành ra bã”" - bà Hương cho biết.

Theo đó, ngày 8-11-2021, ông Chính cùng đoàn kiểm tra đến công ty làm việc trong thời hạn 5 ngày với quyết định "kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp" nhưng sau một ngày thì trưởng đoàn "buộc" doanh nghiệp đưa toàn bộ hồ sơ về "kiểm tra tại cơ quan thuế vì lý do an toàn Covid-19", mặc dù trước kiểm tra, bà Hương đã cho người khử khuẩn phòng họp, test tất cả các nhân viên phục vụ đoàn. Nhưng điều đáng nói, ông Chính yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ gốc chứ không nhận bản photo.

Vì câu nói "cung cấp hồ sơ cho cơ quan thuế là nhiệm vụ của doanh nghiệp" nên bà Hương phải chấp nhận. Tuy nhiên, khi hồ sơ gốc được đưa ra, bà Hương yêu cầu lập bảng kiểm kê giao nhận vì toàn bộ là hồ sơ gốc là sinh mạng của công ty nhưng ông Chính lại từ chối và cho rằng "nhiệm vụ của công ty là cung cấp, tôi không ký bàn giao gì hết"... Do sợ bị xử lý về hành vi cản trở, không hợp tác với cán bộ thuế nên bà Hương buộc phải giao toàn bộ hồ sơ gốc mà không có biên nhận số lượng bao nhiêu, những loại giấy tờ nào (?!).

Ngày 15-11-2021, ông Chính đưa hồ sơ xuống trả lại doanh nghiệp yêu cầu bà Hương nhận lại hồ sơ và ký nhận là nhận đủ hồ sơ thì bà Hương không dám nhận, và chỉ đồng ý ký nhận hồ sơ với nội dung nhận lại hồ sơ nhưng chưa biết thiếu đủ thế nào do lúc bị lấy hồ sơ không được kiểm và ký bàn giao. Bà Hương chỉ yêu cầu câu trả lời: "Nếu hồ sơ gốc của doanh nghiệp tôi bị thất lạc thì ai phải chịu trách nhiệm?" nhưng không ai trả lời.

Tại sao phải gửi "dự thảo" cho doanh nghiệp?

Chưa hết, khi kết thúc thời hạn kiểm tra, ông Chính đã gửi cho bà Hương qua zalo một biên bản kiểm tra, "xác nhận số liệu kiểm tra" mà không có chữ ký của trưởng đoàn với số tiền phạt rất nhiều tỷ đồng. Bà Hương thắc mắc: "Công ty chúng tôi suốt 10 năm nay tiếp nhiều đoàn kiểm tra thuế, chưa có đoàn nào đưa biên bản không có chữ ký như vậy cho chúng tôi xem trước, không hiểu mục đích của anh Chính là gì? Kiếm gì từ công ty chúng tôi để anh Chính có thể ra biên bản chính thức có chữ ký của anh Chính?".

Khi doanh nghiệp yêu cầu ông Chính ký tên để công ty làm căn cứ giải trình thì ông lại từ chối và thông tin qua Zalo: "Trường hợp này biên bản xác nhận số liệu kiểm tra và phụ lục đang còn là bản dự thảo Đoàn kiểm tra gửi để Công ty biết nội dung để giải trình. Công ty không phải ký nhé. Trường hợp Công ty giải trình đúng thì đoàn kiểm tra sẽ chỉnh lại biên bản để công ty ký nhé”.

Thấy có sự bất thường, bà Hương liên tục yêu cầu trưởng đoàn kiểm tra thuế ký để có cơ sở giải trình thì ông Chính cứ tiếp tục kéo dài thời gian ra biên bản (dù đã quá hạn ra biên bản quá lâu so với luật thuế quy định). Mãi đến ngày 12-1-2022, đoàn kiểm tra đã gửi biên bản kiểm tra với số tiền phạt là không có (mà chỉ nêu ra một số rủi ro không căn cứ mà công ty đã giải trình).

Bên cạnh đó, bà Hương còn phản ánh nhiều sự việc khác bất thường của ông Chính trong quá trình kiểm tra như: quyết định thời gian kiểm tra kiểm tra thuế là "năm 2020" nhưng đoàn kiểm tra lại buộc công ty cung cấp tài liệu, số liệu "đến thời điểm cuối năm 2020 và tính đến thời điểm hiện tại" (phiếu đề nghị ngày 14-12-2021). Công ty Sơn Lâm sản xuất và bán mặt hàng là gạch thủ công mỹ nghệ, tính giá thành theo mét vuông nhưng ông Chính lại yêu cầu doanh nghiệp quy ra giá thành mét khối, đề nghị doanh nghiệp cung cấp số liệu qua Zalo: "Đang ghi biên bản nhưng thiếu thông tin về tỷ lệ nén, ép các loại đá để thành gạch bê tông, đề nghị Công ty tạm cho số liệu để được 1 khối gạch thành phẩm đã nén thì cần bao nhiêu khối đá tại kho bãi chưa nén", theo bà Hương là "cài" để nhằm bắt lỗi xử phạt... Bà Hương khẳng định, gặp một cán bộ thuế như vậy thì doanh nghiệp sẽ không thể sống nổi.

 

Cơ quan chức năng nói gì?

Để làm rõ hơn về đơn phản ánh của bà Hương, ngày 2-4-2022, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Nam Bình - Cục trưởng Cục thuế tỉnh BR-VT để tìm hiểu sự việc. Ông Bình cho biết sự việc giám đốc công ty Sơn Lâm gửi đơn phản ánh ông Trần Ngọc Chính là có thật và đề nghị cho biết nội dung để đơn vị thu thập tài liệu trả lời cơ quan truyền thông. Ngày 5-4, chúng tôi đến TP. Bà Rịa và liên hệ với ông Trần Mạnh Hùng - Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra 3 Cục thuế BR-VT (cấp trên của ông Chính) và được biết vụ việc này được cơ quan thuế chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh để xử lý. Tiếp đến, chúng tôi trực tiếp liên hệ với ông Trần Ngọc Chính - người bị bà Hương tố cáo để ghi nhận thông tin thì được biết bản thân ông không được phát biểu gì nếu không có sự chấp thuận của lãnh đạo Cục. Tiếp tục liên lạc với ông Nguyễn Nam Bình thì vị Cục trưởng này tắt máy khi nghe phóng viên giới thiệu.

Theo chúng tôi, với những tài liệu chứng minh và sự vòng vo của các lãnh đạo khi phóng viên liên hệ thì việc bà Nguyễn Thiên Hương bức xúc là có cơ sở. Rất mong các cơ quan hữu trách sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề như đã nêu trên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang