(CATP) Một hộ dân vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cách đây 10 năm, đến nay UBND huyện ra quyết định xử phạt một đường, đơn vị thực hiện lại làm một nẻo. Bức xúc cho rằng mình bị cưỡng chế trái pháp luật nên họ đã khởi kiện đòi bồi thường 10 tỷ đồng.
Sự bất nhất trong cách xử lý
Ngày 30-3-2022, bà Vưu Thị Kim Sa (SN 1956) là chủ nhà hàng Duyên Hải (TT.Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM) đến Báo Công an TPHCM gửi đơn kêu cứu, đồng thời cho biết đã khởi kiện vụ việc ra Tòa án yêu cầu UBND thị trấn Cần Thạnh phải bồi thường thiệt hại 10 tỷ đồng vì phá dỡ công trình nhà hàng hơn 1.000m2 xây dựng của mình.
Theo đó, bà Sa là chủ của thửa đất có diện tích 3636m2, trong đó đất ở đô thị là 2564m2 và đất trồng cây lâu năm 1.072m2 theo GCN QSDDĐ số:H00051 ngày 21-12-2014. Năm 2009, bà Sa đã xin 2 giấy phép xây dựng số 09/GPXD và số 438/GPXD để xây dựng Nhà hàng Duyên Hải.
Do nhu cầu mở rộng buôn bán, năm 2011,bà Sa đã xin giấy phép xây dựng một số công trình phụ nhưng Phòng QLĐT huyện Cần giờ có Văn bản số:372/QLĐT ngày 28-12-2011 về hướng dẫn hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng với nội dung: "Tại thời điểm này, tình trạng sử dụng đất của ông (bà) đang trong thời gian kiểm tra, rà soát quá trình quản lý sử dụng, do đó hồ sơ xin phép xây dựng của ông (bà) chưa đủ điều kiện xét cấp giấy phép xây dựng... đến khi có kết luận chính thức về tình trạng sử dụng đất thì ông (bà) làm hô sơ xin phép xây dựng theo quy định...".
Từ ngày đó cho đến nay, Cơ quan có thẩm quyền vẩn chưa ra "kết luận" này. Không lẽ đất ở hợp pháp của tôi đến khi nào mới rà soát xong?
Năm 2012, do vi phạm xây dựng diện tích 20,68m2 nên bà Sa bị UBND huyện Cần Giờ ra Quyết định số:07/QĐ-XPHC ngày 1-2-2012 với nội dung: Phạt tiền 12,5 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả: "Buộc bà Sa phải lập thủ tục xin GPXD với phần công trình xây dựng vi phạm là 20,68m2". Với quyết định này, ngày 24-2-2012, bà Sa đã đến kho bạc nộp đủ số tiền phạt 12,5 triệu đồng và bắt đầu lập thủ tục xin giấy phép xây dựng.
Năm 2013, bà Sa lại bị UBND huyện Cần Giờ ra QĐ xử phạt vi phạm xây dựng số 34 với công trình hơn 1200m2 lắp ghép tạm để kinh doanh. Trong đó, "buộc phải xin GPXD với công trình 837m2, buộc phải tháo dỡ công trình 437,7m2. Tuy nhiên, điều bất thường là người dân làm hồ sơ xin GPXD theo hướng dẫn của các văn bản xử phạt rất nhiều lần nhưng các cơ quan chức năng huyện Cần Giờ không trả lời?!
Đột nhiên, 8 năm sau, ngày 15-12-2020, Chủ tịch UBND Huyện Cần Giờ ra quyết định số 2737/QĐ "về việc cưỡng chế 1.040,11m2" công trình Nhà hàng Duyên Hải theo quyết định xử phạt hành chính số 34 ngày 14-6-2013 và cùng ngày, UBND huyện lại tiếp tục ra thêm quyết định số 2738/QĐ buộc cưỡng chế phần công trình vi phạm 20,68m2 đã có biên bản xử phạt đóng 12,5 triệu đồng.
Nhà hàng Duyên Hải sau khi bị cưỡng chế
Tước quyền khiếu nại của công dân?
Bà Sa cho rằng trong quyết định xử phạt số 07 đối với việc vi phạm 20,68m2 thì bà đã chấp hành nộp phạt 12,5 triệu đồng từ năm 2012. Còn biện pháp khắc phục là "buộc xin giấy phép" thì tôi đã gửi đơn rất nhiều lần để xin nhưng cơ quan thẩm quyền không trả lời thì là lý do khách quan chứ tôi làm gì được. quyết định số 07 không buộc tôi phải phá dỡ 20,68m2 thì tại sao văn bản số 2738 lại buộc tôi phải phá dỡ.
Chưa hết, trong biên bản xử phạt hành chính số 34 ngày 14-6-2013 về việc tôi xây dựng các công trình tiền chế tạm thời để buôn bán có diện tích 1.274,08m2 thì trong QĐ xử phạt số 34 nêu rõ: "buộc phải xin GPXD công trình có diện tích 837,01m2" và "buộc tháo dỡ 437,7m2". Vậy tại sao trong QĐ cưỡng chế số 2737/QĐ ngày 15-12-2020 lại buộc phải tháo dỡ 1.040m2, số liệu này ở đâu ra? Đó là chưa nói QĐ số 34 đã ban hành cách đây 10 năm và đối với công trình này chúng tôi cũng liên tục xin GPXD nhưng cũng không được trả lời.
Hai QĐ cưỡng chế số 2737 và 2738 đều ghi rõ tôi "có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính theo quy định của pháp luật" và trong lúc tôi đang thực hiện quyền khởi kiện của mình và đã được TAND thụ lý theo biên bản 109/2021TLST-HC ngày 20-4-2021 và sẽ xét xử ngày 18-3-2022 thì UBND thị trấn phải tuân thủ pháp luật, chờ quyết định cuối cùng của tòa chứ. Tại sao lại tước mất quyền khiếu kiện của tôi?
Chưa hết, sau khi UBND thị trấn Cần Thạnh thông báo ngày 15, ngày 16 và 17-2-2002 sẽ tiến hành cưỡng chế thì ngày 25-2-2021, bà Sa gửi đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn tạm thời giữ nguyên hiện trạng. Nhưng không hiểu sao ngày cưỡng chế đột ngột thay đổi ngày 1 ngày 2 và ngày 3-3-2022 (?!). Thế là công trình bị tháo dỡ trong khi toà đang xử lý và đoàn cưỡng chế buộc bà Sa phải trả chi phí hơn 58 triệu đồng.
Một điều khó hiểu nữa là trong biên bản làm việc ngày 23-3-2022 với đại diện của bà Sa, ông Huỳnh Thanh Vân - PCT UBND thị trấn Cần Thạnh khảng định "công trình do bà Sa tự tháo dỡ chứ không phải do UBND thị trấn Cần Thạnh cưỡng chế?!". Vậy số tiền hơn 58 triệu đồng phí cưỡng chế này là như thế nào? Trả lời các thắc mắc của phóng viên Báo CATP ngày 6-4-2022, ông NguyễnThái Bảo - công chức địa chính thị trấn Cần Thạnh cho biết, bà Sa tự tháo dỡ và UBND thị trấn tiến hành các bước theo quyết định của UBND huyện và tuân thủ đúng theo quy trình của pháp luật.
Về phần mình bà Sa cho biết, chỉ ký văn bản sẽ tự nguyện tháo dỡ chứ thực tế tôi đang chờ toà án xử lý thì họ đã kéo người đến cưỡng chế và buộc tôi phải nộp hơn 58 triệu đồng chi phí. Hiện vụ kiện hy hữu của bà Vưu Thị Kim Sa đang được TAND TPHCM xử lý.