Điệp khúc "sơ thẩm sai, phúc thẩm hủy"
Theo hồ sơ, năm 1998, Công ty cổ phần thương mại và Đại lý dầu (CPTM&ĐLD) tỉnh BRVT khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán xăng dầu với vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Hương (SN 1953) và ông Nguyễn Ngọc Hoa (SN 1941, cùng ngụ TT.Long Hải, H. Long Điền, tỉnh BR-VT). Bà Hương có đơn phản tố với nội dung: Bà không nợ nguyên đơn mà ngược lại nguyên đơn còn thiếu nợ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Hảo do bà làm chủ, đồng thời yêu cầu làm rõ 49 chứng từ với tổng số tiền 601,64 triệu đồng.
TAND tỉnh BRVT đưa vụ án ra xét xử lần 1 ngày 26-9-2000. Xét kháng cáo của bị đơn có căn cứ nên ngày 21-6-2001, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM tuyên hủy án sơ thẩm. TAND tỉnh BRVT đưa vụ án xét xử lần 2 ngày 8-12-2005. Lần này nguyên đơn kháng cáo, tòa phúc thẩm lại hủy án sơ thẩm. TAND tỉnh BRVT đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần 3 ngày 16-12-2007, tuyên Bản án số 05, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 654,9 triệu đồng và Ngân hàng BIDV (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) 2,68 tỷ đồng. Do kháng cáo trễ hạn nên không được chấp nhận, bà Hương khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm.
Ngày 29-9-2010, TAND tối cao ra phán quyết hủy một phần Bản án số 05. Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), việc tòa sơ thẩm buộc vợ chồng bị đơn trả cho nguyên đơn cả gốc và lãi 654,9 triệu đồng là không có căn cứ, thiếu cơ sở thuyết phục; trả cho ngân hàng 2,68 tỷ đồng là không phù hợp với quy định của pháp luật. Thụ lý và giải quyết lại ngày 9-9-2011 nhưng đến ngày 4-6-2014, TAND tỉnh BRVT mới ra quyết định (QĐ) đình chỉ giải quyết vụ án. QĐ này trái luật nên bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM tuyên hủy.
Quá trình giải quyết lại vụ án, nguyên đơn rút đơn kiện nên ngày 8-6-2015, TAND tỉnh BRVT ra QĐ đình chỉ vụ án. Bị đơn kháng cáo, TAND cấp cao tại TPHCM giữ nguyên QĐ đình chỉ, đồng thời trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết phần phản tố của vợ chồng bà Hương.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương tại Bệnh viện Bà Rịa
Ngày 23-5-2016, TAND tỉnh BRVT ra văn bản thay đổi địa vị tố tụng, bà Hương (chủ DNTN Hoàng Hảo) là nguyên đơn; còn Công ty CPTM&ĐLD trở thành bị đơn. Cho rằng đã triệu tập 3 lần nhưng cả bà Hương và ông Hoa đều vắng mặt nên ngày 31-8-2016, TAND tỉnh BRVT ra QĐ đình chỉ giải quyết vụ án. TAND cấp cao tại TPHCM chấp nhận đơn kháng cáo của bà Hương, hủy QĐ đình chỉ; chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh BRVT giải quyết. Thụ lý lại ngày 13-11-2017 nhưng kéo dài đến ngày 22-1-2021 (hơn 4 năm), TAND tỉnh BRVT mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, do thẩm phán Trịnh Hoàng Anh ngồi ghế chủ tọa, cùng hai hội thẩm Nguyễn Ngọc Sương và Nguyễn Minh Thành.
Nguyên đơn Nguyễn Thị Ngọc Hương trình bày: "Tôi mắc nhiều chứng bệnh, trước ngày diễn ra phiên xử, tôi đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám, lấy thuốc. Sáng 22-1-2021, tôi bị mệt nhưng buộc phải đến tòa. Phiên xử được mở lúc 8 giờ 30, thì tôi bị choáng vì chứng cao huyết áp, cộng với cơn đau dạ dày bộc phát. Tôi đề nghị hoãn phiên tòa nhưng HĐXX không chấp nhận.
Tôi chịu đựng cơn đau đến khoảng 9 giờ, tôi gục ngã trong phòng xử, được con trai và nhân viên bảo vệ đưa lên xe chở ngay đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. Dù giấy xác nhận của bệnh viện ghi rõ tôi "bị viêm loét dạ dày, tá tràng và cơn đau tức ngực, tăng huyết áp" nhưng HĐXX vẫn cho phiên tòa tiếp diễn. Đến ngày 26-1-2021, HĐXX tuyên Bản án số 01/2021/KDTM-ST (Bản án số 01), gây oan sai thấu trời!".
Có căn cứ để hủy án?
Tại Bản án số 01, HĐXX bác đơn khởi kiện của bà Hương về việc buộc Công ty CPTM&ĐLD tỉnh BRVT phải trả số tiền còn nợ hơn 50,26 triệu đồng cho DNTN Hoàng Hảo. HĐXX buộc Công ty CPTM&ĐLD tỉnh BRVT hoàn trả lại cho Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh BRVT số tiền 742,48 triệu đồng.
Nguyên đơn lên tiếng: Ròng rã suốt 24 năm, số lần hầu tòa, đi lại khiếu tố (có khi lặn lội tận Hà Nội), nhiều đến mức bà không thể nhớ hết! Các cơ quan tố tụng cũng tham gia mệt nghỉ, chỉ riêng thẩm phán trực tiếp xét xử cũng hơn 20 vị và chắc chắn sẽ còn tăng thêm!
Bà Hương nghẹn giọng: "Gần 1/4 thế kỷ, vợ chồng tôi và gia đình vẫn kiên trì chờ đợi công lý, nay vì bệnh tật, tôi xin hoãn, dời phiên tòa sang ngày khác nhưng HĐXX quyết "đánh nhanh, rút gọn" dẫn đến nhiều vấn đề mấu chốt chưa được làm rõ, nhất là việc Cơ quan (nay là Cục) THADS tỉnh BRVT phát mãi "nhầm" tài sản. Chưa hết, Bản án số 01 còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi HĐXX không đưa một loạt đơn vị, cá nhân vào tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan".
Bà Hương bên chồng hồ sơ kiện tụng và khiếu tố
Liên quan đến việc bán "nhầm" tài sản để thi hành án (THA), Báo CATP đã từng có bài phản ánh. Theo đó, quá trình giải quyết vụ án, ngày 14-9-2007, TAND tỉnh BRVT ra QĐ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với 1.707m2 đất của ông Nguyễn Ngọc Hoa tại thị trấn Long Hải để đảm bảo THA. Tòa chỉ ra QĐ xử lý khu đất nhưng Cơ quan THADS tỉnh BRVT đã kê biên luôn cả tài sản trên đất gồm trạm xăng dầu và hai căn nhà.
Toàn bộ tài sản được định giá hơn 4,6 tỷ đồng (khu đất giá 4,257 tỷ; tài sản trên đất hơn 356,1 triệu) rồi mang ra bán đấu giá ngày 27-8-2009. Người trúng đấu giá là ông Nguyễn Thành Tâm với giá 4,583 tỷ đồng. Trong khi đó, khu đất thuộc quyền sử dụng riêng của ông Hoa. Cơ quan THADS tỉnh BRVT phát mãi tài sản của ông Hoa nhưng không có ý kiến của ông này là trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ tài sản.
Bản án số 05 oan sai đã bị hủy để xử lại nhưng tài sản kê biên đã được bán để THA từ lâu. Không chỉ "đáo tụng đình", bà Hương làm đơn kêu cứu, khiếu tố khắp nơi, đề nghị làm rõ hàng loạt khuất tất cũng như sai phạm trong vụ án này, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều cơ quan như Viện KSND tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ... đã có văn bản đề nghị làm rõ, xử lý.
Bà Hương nghẹn ngào: "Lần xét xử sơ thẩm này, tôi mong đợi tòa xem xét giải quyết hậu quả pháp lý của Bản án số 05 bị hủy để giải oan cho tôi và gia đình. Theo nhận định của TAND tối cao thì dấu hiệu oan sai trong vụ án đã lộ rõ nhưng Bản án số 01 khiến nỗi oan mà tôi gánh chịu thêm chồng chất.
Vụ án không có gì phức tạp nhưng đã kéo dài 24 năm, biến DNTN Hoàng Hảo từ chỗ ăn nên làm ra, lâm vào cảnh nợ nần; uy tín thương hiệu sau bao năm gầy dựng cũng tiêu tan. Thiệt hại mà gia đình chúng tôi gánh chịu không gì bù đắp nổi.
Tôi khát khao, tại phiên xử phúc thẩm dự kiến diễn ra trong nửa đầu tháng 4-2022, toàn bộ chân tướng vụ án sẽ được TAND cấp cao TPHCM làm rõ, có phán quyết công tâm, khách quan, để các bên tâm phục khẩu phục, từ đó chấm dứt cảnh "đáo tụng đình" quá khủng khiếp...".