Làm rõ trách nhiệm từng cá nhân
Công an TPHCM xác định, bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty Đại Nam, quản lý và sử dụng 12 kênh mạng xã hội và là người trực tiếp thực hiện các buổi livestream có nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều cá nhân khác và nhiều vấn đề xã hội nhạy cảm, với những lời lẽ dung tục, phản cảm, thậm chí gây kích động, tạo nên một làn sóng văn hóa rác rưởi, làm "ô nhiễm" môi trường mạng và đời sống xã hội.
Hơn một năm qua, bà Hằng liên tục thực hiện nhiều cuộc livestream các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt công kích cá nhân những người nổi tiếng và cả lãnh đạo TPHCM. Cùng lúc, Công an TPHCM nhận được nhiều đơn của cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng lợi dụng không gian mạng, có hành vi "vu khống", "làm nhục người khác", "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" và "đe dọa giết người".
Không chỉ vậy, bà Hằng nhiều lần còn "kéo quân chính nghĩa" tổ chức nhiều hoạt động tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, như đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn; tổ chức đoàn đi Hà Nội, An Giang, sân bay Tân Sơn Nhất, Tịnh thất Bồng Lai...
"Talkshow" mà bà Phương Hằng được giới thiệu có sự tham gia của
TS luật Đặng Anh Quân, dự định tổ chức ngày 26-3, nhưng bất thành
Ngày 8-4-2021, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hằng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận. Từ ngày 15-2-2022 đến khi bị bắt, Công an TPHCM đã mời bà Hằng lên làm việc 4 lần để cảnh báo và yêu cầu bà Hằng chấm dứt hành vi lợi dụng các quyền tự do để sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhưng bà Hằng cố ý né tránh, không chấp hành.
Trong khi đó, các buổi livestream chửi bới, nhục mạ người khác của bà Hằng có nhiều người giúp sức. Hiện Công an TPHCM tiếp tục làm rõ những người đã tiếp tay tổ chức các buổi livestream, cung cấp tài liệu cho bà Hằng, tổ chức viết kịch bản, tổ chức truyền thông.
Những bloger, YouTuber, các cá nhân sử dụng mạng xã hội khác có hành vi tiếp tay cho bà Hằng phát tán những thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, làm nóng dư luận xã hội cũng có thể bị xử lý; cũng như những người ủng hộ, hợp tác với bà Hằng có dấu hiệu đánh cắp thông tin cá nhân, bí mật đời tư của người khác bằng các thủ thuật như hack Facebook, tài khoản mạng xã hội...
Một buổi livestream của bà Hằng có sự tham gia của các khách mời. Ảnh: MXH
Đại học Luật cần thể hiện rõ quan điểm về ông Đặng Anh Quân
Trong các hoạt động livestream của bà Hằng còn có sự giúp sức của các luật sư để tư vấn, hỗ trợ pháp lý, cũng có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trong số những lần livestream có nội dung phản cảm, gây kích động xã hội của bà Hằng, có sự tham gia của TS luật Đặng Anh Quân.
Trước khi bà Hằng bị bắt ít giờ, chiều 24-3, trên trang Facebook cá nhân mà bà Hằng vẫn thường xuyên sử dụng để livestream, có thông báo sẽ tổ chức một buổi "gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện trực tiếp" trong talkshow tại Trường đua Đại Nam vào 18 giờ ngày 26-3, với chủ đề "Nghịch lý thay đạo lý” với sự tham gia của TS luật Đặng Anh Quân, nhưng show này không kịp thực hiện vì bà Hằng đã bị bắt. Vậy TS luật Đặng Anh Quân là ai?
Ông Quân là giảng viên Khoa Luật thương mại - Đại học Luật TPHCM, giảng dạy các môn Luật đất đai và kinh doanh bất động sản. Trong nhiều lần livestream với bà Phương Hằng, ông Đặng Anh Quân cũng giới thiệu mình là giảng viên Đại học Luật TPHCM, dùng tư cách giảng viên Đại học Luật TPHCM của mình để tham gia livestream, sử dụng từ ngữ khó nghe. Dư luận cũng đã nhiều lần đặt câu hỏi: Tại sao một vị TS luật, một giảng viên của Trường ĐH Luật TPHCM lại đi "tiếp tay" cho bà Nguyễn Phương Hằng?
Không chỉ dư luận, mà nhiều sinh viên trường luật, học trò của TS Đặng Anh Quân cũng đã phản ứng về những hoạt động, giúp bà Phương Hằng "xả rác" trên mạng xã hội, cho rằng TS Đặng Anh Quân đã làm mất uy tín của Trường ĐH Luật TPHCM. Chính TS luật Đặng Anh Quân từng tiết lộ bản thân từng bị "tấn công" nhiều lần. Ông Quân cho hay, đã có người dùng "tác động cửa sau" nhiều lần yêu cầu ông phải im tiếng trên sóng livestream nhưng không thành công.
Bà Nguyễn Phương Hằng khi bị bắt
Nói về những sinh viên tố cáo mình, TS Quân cho rằng mình là người dám đấu tranh bảo vệ xã hội: "Tôi cũng xin nói thẳng, những cựu sinh viên "núp lùm" nói xấu tôi thì xin mời cứ việc nói xấu. Nên nhớ, trường ĐH Luật TPHCM có phương châm là "Sáng tri thức, vững công minh". Các anh chị không dám đấu tranh bảo vệ xã hội, không dám đấu tranh vì người nghèo thì im lặng đi, để tôi làm những chuyện đó”. Đến bây giờ bà Hằng thành bị can, vậy TS luật Đặng Anh Quân có còn đủ tư cách để đứng trên bục giảng đào tạo các luật sư tương lai?
Thực tế, từ tháng 11-2021, nhiều người đã đồng gửi đơn tố cáo ông Đặng Anh Quân "sát cánh" cùng bà Phương Hằng thực hiện nhiều buổi livestream phản cảm đến ban giám hiệu Trường Đại học Luật TPHCM.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Hoàng Hải - quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM xác nhận nhà trường có nhận được đơn tố cáo về việc giảng viên Đặng Anh Quân. Tuy nhiên, Phòng thanh tra nhà trường đã xem xét, căn cứ các quy định của pháp luật, nhận thấy rằng nhà trường không có thẩm quyền xử lý vụ này.
PGS.TS Trần Hoàng Hải cho rằng hiệu trưởng nhà trường là người đứng đầu cơ sở chỉ có thẩm quyền xử lý cán bộ công chức hoặc viên chức trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Những vấn đề ngoài lĩnh vực nghề nghiệp thì không thuộc thẩm quyền, nên hiệu trưởng nhà trường không có thẩm quyền xử lý trong trường hợp này.
PGS.TS Trần Hoàng Hải khẳng định: Nếu người có hành vi xúc phạm, vu khống người khác bị tố cáo thì tòa án xét xử, còn nếu người phát ngôn không chuẩn mực, loan tin sai sự thật, chửi tục trên mạng xã hội... thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Thông tin và Truyền thông. Thiết nghĩ, PGS.TS Trần Hoàng Hải là người đại diện lãnh đạo Đại học Luật không thể nói như thế vì vấn đề ở đây liên quan đến thể diện, đạo đức sư phạm của những người làm công tác giảng dạy tại trường.
Luật sư Nghiêm Xuân Lý (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, quá trình điều tra xác định những người này có bàn bạc thống nhất với bà Hằng trong việc dùng các lời nói khiếm nhã, xâm phạm đời tư của người khác. Hoặc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bịa đặt, xuyên tạc, lăng mạ, lan truyền thông tin sai sự thật, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Riêng với người bình luận trong các buổi livestream của bà Hằng hay đưa thông tin của bà Hằng không đúng để làm nhục, vu khống người khác thì được xem là hành vi bị cấm theo Luật an ninh mạng. Ngoài ra, nếu việc đưa thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, người bị hại có thể yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống. Trong trường hợp này, người bị đưa thông tin xúc phạm phải có đơn tố cáo.
Nếu hành vi chưa đến mức cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 15/2020 về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... với số tiền 10 - 20 triệu đồng. Còn nếu bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống, mức xử phạt có thể lên đến 5 năm tù giam đối với tội làm nhục người khác và 7 năm tù giam đối với tội vu khống.
Công an xác định bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó, bà Hằng sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Theo đó, những người tham dự cùng với bà Hằng có dấu hiệu đồng phạm theo điều 17 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Vì vậy, cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra để xem xét vai trò của từng đồng phạm như người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức để xử lý vụ án toàn diện, triệt để.
C.T
(CATP) Công an (CA) TPHCM tiếp tục mở rộng điều tra vụ bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam bị khởi tố bắt giam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Hiện CA đã tiến hành mời làm việc với nhiều người là trợ thủ đắc lực trong quá trình bà này phạm tội.