Bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng: Cái giá của sự ảo tưởng, ngông cuồng

Thứ Bảy, 26/03/2022 09:59

|

(CATP) Ngày 24-3, Công an TPHCM (CATP) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án và bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam).

Đây là hậu quả tất yếu cho việc coi thường, thách thức pháp luật lẫn dư luận của người tự xưng CEO của một công ty lớn. Bắt tạm giam và xử lý bị can này cũng là một cách ngăn chặn tình trạng sử dụng ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội (MXH) diễn ra thời gian gần đây.

Ảo tưởng bản thân, đi sai đường

Bị can Nguyễn Phương Hằng bị bắt về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại điều 331 Bộ luật Hình sự. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn.

 Bà Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị bắt tạm giam

Hơn 1 năm qua (từ tháng 3-2021, lúc bắt đầu đại dịch Covid-19 lần 4), bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp những nội dung thông tin chưa qua kiểm chứng liên quan đến đời tư người khác, trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhiều người.

Phải nghiêm trị những người nói năng thô tục, bậy bạ trên MXH

Tại kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV vừa qua, khi thảo luận tại tổ ngày 1-11-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu thực trạng: Gần đây có một số người nổi danh suốt ngày chửi người này người kia, nói năng thô tục, bậy bạ, đó là hình ảnh rất xấu, phải nghiêm trị.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khi nói về hiện tượng trên đã nhấn mạnh: Đó là tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Hành vi đó của bà Nguyễn Phương Hằng đã được Công an TPHCM áp dụng để bắt tạm giam bà vào ngày 24-3-2022.

Điều đáng nói là dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Hằng vẫn tổ chức những buổi livestream bài bản, có "tiền hô hậu ủng" của những fan cuồng, các Youtuber sẵn sàng nhảy vào bênh vực những vấn đề, vụ việc bà Hằng đề cập có mục đích rõ ràng với thái độ khiêu khích gây ồn ào dư luận, làm ảnh hưởng đời sống một bộ phận cư dân mạng. Hậu quả là tạo nên một đội ngũ fan cuồng "ủng hộ CEO Phương Hằng", dù những phát ngôn ấy sai sự thật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác. Thậm chí sau khi bị can Nguyễn Phương Hằng đã bị bắt tạm giam hôm 24-3, trên MXH vẫn còn những fan cuồng với các phát ngôn ủng hộ bị can này!

Dư luận cho rằng đây là hiện tượng xã hội "muốn chửi ai thì chửi", bất chấp bằng chứng, thậm chí muốn thay mặt cơ quan pháp luật quy kết nhiều người, gây rối an ninh trật tự (ANTT) xã hội. Lúc đầu bà Hằng livestream những vấn đề liên quan đến "thần y" Võ Hoàng Yên, được nhiều người ủng hộ vì đã vạch trần sự thật về người tự xưng "lương y" này. Sau đó, như "lửa cháy lan dần thành đám cháy lớn", thậm chí là "cháy sém" nhiều nghệ sĩ (NS) ngôi sao quanh vấn đề từ thiện, quản lý tiền từ thiện, làm nổi sóng dư luận, dậy sóng chuyện "sao kê từ thiện".

Những cuộc livestream như vậy đã dẫn đến nhiều bình luận phức tạp trên MXH bởi dư luận không thể biết bao nhiêu phần trăm sự thật về những vấn đề bà Hằng liên tục nêu lên. "Cuộc chiến" này ngày càng leo thang nghiêm trọng, liên quan đến hàng chục NS tên tuổi, thu hút sự quan tâm của hàng trăm ngàn người.

Đến nay công an (CA) đã nhận đơn của nhiều người tố cáo bà Hằng về các hành vi vu khống, làm nhục người khác và đưa hoặc sử dụng trái phép những thông tin trên MXH. Trong số này có ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ - CS Đàm Vĩnh Hưng), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (CS Vy Oanh), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (NSƯT Hoài Linh), bà Trần Thị Thủy Tiên (CS Thủy Tiên) và bà Trịnh Kim Chi (NSND Kim Chi), các nhà báo Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển...

Bà Nguyễn Phương Hằng trong một buổi livestream

Trong một xã hội thượng tôn pháp luật thì không có chuyện cá nhân hay nhóm người nào đó được quyền "nhân danh công lý” để xúc phạm danh dự, chà đạp lên nhân phẩm người khác, thậm chí xúc phạm danh dự cả những người làm báo hiện nay.

Đỉnh điểm của sự ngông cuồng

Ngày 14-11 vừa qua tại Khu du lịch Đại Nam (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), bà Hằng lại tổ chức livestream với rất đông người tham gia, nhiều Youtuber có mặt ghi hình và phát trực tiếp, trong đó có khách mời là tiến sĩ luật Đặng Anh Quân. Tại buổi livestream này, một khách mời của bà Nguyễn Phương Hằng đã phát ngôn nhục mạ báo chí để bênh vực cho bà Hằng rằng: "Báo chí của Cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng..." khiến dư luận bức xúc. Trên MXH, nhiều người xác định phát ngôn này là của Youtuber "Long Ngô”, khách mời chính thức của buổi giao lưu.

Ngày 16-11-2021, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH-TTĐT) thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã có văn bản yêu cầu Sở TT-TT tỉnh Bình Dương xác minh, xử lý phát ngôn vi phạm trên mạng liên quan đến buổi livestream hôm 14-11. Theo Cục PT-TH-TTĐT, nội dung phát ngôn "Báo chí của Cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng" có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Từ tháng 6-2021, Thanh tra Sở TT-TT Bình Dương đã làm việc với đại diện của bà Nguyễn Phương Hằng về những phát ngôn trên MXH của bà này. Sau đó, bà Hằng đã gửi bản cam kết hứa sẽ rút kinh nghiệm đồng thời cẩn trọng hơn trong phát ngôn khi livestream trên MXH, tránh làm ảnh hưởng đến người khác. Nhưng đó chỉ là những lời hứa và bà này tiếp tục xúc phạm báo chí Cộng sản một cách công khai, gây bức xúc dư luận.

Không chỉ gây mất ANTT xã hội, trên MXH, bà Nguyễn Phương Hằng còn vu khống cả CATP. Chiều 18-10-2021, Cổng thông tin điện tử Công an TPHCM thông tin về việc bà Nguyễn Phương Hằng đưa thông tin sai sự thật trên MXH. Theo đó, ngày 17-10 bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng nhiều tài khoản trên MXH để livestream thông tin rằng, trong buổi đối chất với ông Võ Hoàng Yên ngày 16-10-2021 tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - CATP, bà bị ông Yên và 4 luật sư (LS) đi cùng "hành hung".

Công an TPHCM thông tin về vấn đề này rất rõ ràng và khẳng định: Quá trình tham gia đối chất lúc 9 giờ ngày 16-10-2021 tại trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự có 2 điều tra viên và 1 cán bộ điều tra của phòng chủ trì tổ chức đối chất giữa người tố giác là bà Hằng cùng LS Hồ Nguyên Lễ và phía người bị tố giác là ông Yên cùng 4 LS: Lê Thành Kính, Trần Thị Ngân Hà, Võ Thị Thu Trang, Nguyễn Minh Hưng. Trong suốt thời gian đối chất, cơ quan điều tra đã đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, không có việc xô xát hành hung giữa ông Yên và các LS với bà Hằng.

Công an khám xét nhà bà Nguyễn Phương Hằng ở TPHCM và đưa tài liệu thu được ra xe

Đáng nói nhất là chuyện bà Hằng có những lời lẽ không hay về cố CS Phi Nhung, kể cả sau khi CS này qua đời vì Covid-19, bà Hằng vẫn có nhiều phát ngôn gây tranh cãi về người quá cố, gây chia rẽ nghiêm trọng trên MXH, mà tuyệt đại đa số đều lên án hành động thiếu tình người, thiếu kiềm chế và phi đạo đức của bị can Nguyễn Phương Hằng.

Sự ngông cuồng của bà Nguyễn Phương Hằng đã đi quá giới hạn từ lâu, từ nhiều lần livestream trước đó và bà phải trả giá.

Không hợp tác, coi thường pháp luật

Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất ANTT tại TPHCM và các địa phương khác. Đỉnh điểm là ngày 4-11-2021, CA huyện Đức Hòa (Long An) đã phải vất vả giải tán đám đông lên đến hàng ngàn người để phòng chống dịch Covid-19 khi nghe tin bà Nguyễn Phương Hằng "kéo quân" xuống "Tịnh thất Bồng Lai" (tên mới là "Thiền am bên bờ vũ trụ”) ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, để gặp ông Lê Tùng Vân - chủ tịnh thất.

Bà Nguyễn Phương Hằng còn hùng hổ kéo quân đến "thăm nhà” nhiều người đang có mâu thuẫn với mình, dẫn đến tập trung nhiều người, gây mất ANTT tại nhiều địa phương, càng làm cho dư luận bức xúc với những hành vi khiêu khích của bà.

Bà Nguyễn Phương Hằng từng "tố" nhiều NS, CS nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa... ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020. Tuy nhiên, sau đó Cơ quan CSĐT - Bộ CA đã vào cuộc làm rõ và không đủ căn cứ để kết luận các NS, CS này có hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung nên không khởi tố vụ án hình sự. Công an TPHCM cũng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với ông Võ Hoàng Yên, NS Hoài Linh do không có dấu hiệu tội phạm.

Tất cả cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật TPHCM, Bộ CA đã cảnh báo nhiều lần nhưng với bản tính hung hăng, bất chấp pháp luật và dư luận, bà Nguyễn Phương Hằng đã phải trả giá cho những hành vi coi thường pháp luật của mình.

Bà Nguyễn Phương Hằng nhiều lần ngoan cố, thách thức cơ quan chức năng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang