Bộ Y tế: Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi từ đầu tháng 4/2022

Chủ Nhật, 27/03/2022 12:43

|

(CAO) Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022.

Sáng 27/3, theo thông tin từ Bộ Y tế, ngay sau khi vaccine về tới Việt Nam và được kiểm định chất lượng an toàn, vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được chuyển tới các địa phương và tổ chức tiêm chủng vào đầu tháng 4/2022.

Trước đó, ngày 22/3/2022, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về việc hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Theo đó, Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022.

Ảnh minh hoạ

Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán vaccine để đưa vaccine về Việt Nam trong tuần tới.

Trong tháng 3/2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tiến hành tập huấn chuyên môn triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi cho các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.

Bên cạnh nguồn vaccine hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các Tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và Chính phủ các nước… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8-10 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi của Việt Nam.

Trước đó, hôm qua (26/3), Bộ Y tế có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em do Australia viện trợ.

Theo báo cáo, Bộ Y tế và Đại sứ quán Australia đã có buổi họp vào ngày 22/3. Tại buổi làm việc này, phía Australia khẳng định có thể viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, chịu trách nhiệm vận chuyển và chi trả chi phí vận chuyển về Việt Nam.

Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều vaccine, bao gồm: 0,7 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất; 9 triệu liều vaccine do Moderna sản xuất. Số vaccine này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022, đang sẵn có tại Australia và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4/2022 ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục.

Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều vaccine do Pfizersản xuất, được Chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF. Phía Australia đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4/2022.

Phía Australia sẽ sớm cung cấp các hồ sơ của vaccine để Bộ Y tế khẩn trương cấp phép sử dụng theo quy định và vận chuyển về Việt Nam khi được phê duyệt.

Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế tiếp nhận 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do Chính phủ Australia viện trợ để triển khai tiêm từ đầu tháng 4/2022; giao Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế thúc đẩy phía Australia sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, hồ sơ kỹ thuật để cấp phép sử dụng và sớm vận chuyển vaccine về nước để triển khai tiêm chủng.

Bộ Y tế sẽ đề xuất số lượng vaccine cần mua thêm (nếu cần thiết) để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sau khi rà soát, dự báo tình hình tiêm vaccine của trẻ em và số lượng vaccine dự kiến được viện trợ.

Cũng tại báo cáo này về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế cho biết đang khẩn trương rà soát, đánh giá các loại vaccine có thể tiêm cho trẻ em; tình hình, dự báo nhiễm virus của trẻ em và việc tiêm sau khi bị nhiễm virus; kinh nghiệm của các nước; các cam kết viện trợ vaccine của các nước, trên cơ sở đó kiến nghị số vaccine cần mua báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Với số lượng 13,7 triệu liều vaccine cho trẻ em của Pfizer và Moderna sản xuất mà phía Australia cam kết viện trợ, Bộ Y tế có thể triển khai tiêm chủng ngay từ tháng 4/2022 theo phương châm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao tiếp tục vận động viện trợ vaccine cho trẻ em từ nguồn COVAX, Chính phủ Hoa Kỳ, một số nước và tổ chức quốc tế trên cơ sở tiến độ, khả năng tiêm chủng và tình hình thực tiễn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang