Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng tỏ những giá trị đích thực, tốt đẹp của CNXH

Thứ Sáu, 25/03/2022 22:26  | Mai Loan

|

(CAO) Chiều 25-3, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng và Nhà Xuất bản chính trị quốc gia Sự Thật tổ chức Tọa đàm khoa học: “Giá trị tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự hiện nay”.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật; Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân đồng chủ trì tọa đàm.

Đến dự Tọa đàm có hơn 300 đại biểu, khách mời đại diện các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn…

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu đề dẫn tại toạ đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nêu rõ, bằng những lập luận chặt chẽ, logic, sâu sắc, chắt lọc, đúc kết từ thực tiễn phong phú, khoa học trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, với tinh thần kiên định, vững vàng, bản lĩnh, trọng trách và tâm huyết người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luận giải một cách thuyết phục, từng bước trả lời cho những câu hỏi thời đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tác phẩm đặc biệt có ý nghĩa về cả tầm tư tưởng, lý luận và thực tiễn; luận giải đúng, đi thẳng vào vấn đề căn bản, phức tạp, cấp thiết nhất với dẫn chứng sinh động, lập luận chặt chẽ, thuyết phục từ thực tiễn; tính khoa học sâu sắc mà ngôn ngữ diễn đạt gần gũi, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Các đại biểu tại buổi tọa đàm

Với 29 bài viết gửi đến buổi tọa đàm được các tác giả phân tích, tổng kết thực tiễn, phát triển, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trên nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đồng thời vận dụng vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tại buổi tọa đàm các đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận đi sâu phân tích, luận giải, làm rõ hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về giá trị tác phẩm dưới cả phương diện lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn đối với việc nghiên cứu, quán triệt, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước trong bối cảnh tình hình mới.

Mở đầu buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam trình bày với chủ đề: “Tầm nhìn mới về chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, theo GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn tác phẩm đã đặt ra nhiều câu hỏi và lý giải sâu về từng câu hỏi với một tầm nhìn mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa hội phù hợp với điều kiện của nước ta trong bối cảnh tình hình thế giới đương đại đầy mâu thuẫn, vô cùng phức tạp và hết sức khó lường cùng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra với tốc độ một ngày bằng 20 năm đang thay đổi bộ mặt đời sống xã hội đương đại như Các-Mác đã từng dự báo cách đây hơn 1 thế kỷ.

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nhấn mạnh: Trong tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là “bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa”; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đây là sự khẳng định mang giá trị phương pháp luật rất cao.

Để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải trải qua một thời kỳ quá độ; thời kỳ đó “là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”. Bởi vậy, theo Tổng Bí thư, chúng ta không thể nóng vội, không thể đốt cháy giai đoạn, cũng không thể hiểu chủ nghĩa xã hội một cách đơn giản. Thực tế là trong quá trình đổi mới Đảng ta đã “từng khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây như: Đồng nhất mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ của giai đoạn trước mặt; nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế, đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản…

Cán bộ chiến sĩ CAND tại gian trưng bày sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Còn PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: Các bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tính chất lý luận khoa học uyên bác mà hết sức tâm huyết, giản dị, dễ hiểu cùng với những phân tích thực tiễn vô cùng sinh động. Đó chính là hệ thống quan điểm lý luận hết sức quan trọng, có tính chất định hướng, chỉ đạo rõ ràng để vận dụng vào thực tiễn xây dựng phát triển văn hóa, con người ở nước ta hiện nay, tiếp tục kiến tạo và phát huy nguồn lực sức mạnh nội sinh của dân tộc để phát triển nhanh và bền vững, để hướng đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển thịnh vượng và hùng cường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao, đem hạnh phúc đến cho nhân dân.

Trong bài viết của PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyễn Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng tỏ những giá trị đích thực, tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội là thực sự vì con người, vì sự phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường cho thế hệ hôm nay và mai sau; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn…; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ nhân dân…

PGS.TS Nguyễn Văn Thành phát biểu kết luận tọa đàm

Phát biểu kết luận toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, các ý kiến tại buổi tọa đàm đều tập trung phân tích, đánh giá tác phẩm của Tổng Bí thư đã quán triệt làm sáng rõ, phong phú giá trị lý luận cốt lõi về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; làm rõ giá trị ý nghĩa lý luận và thực tiễn tác phẩm của Tổng Bí thư trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong giai đoạn hiện nay.

Vận dụng những quan điểm tư tưởng đó vào thực tiễn xây dựng phát triển đất nước phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Tại tọa đàm, các nhà khoa học cũng đã làm rõ giá trị và thống nhất cho rằng những nhận thức tư tưởng mới trong tác phẩm của Tổng Bí thư có ý nghĩa to lớn, là định hướng quan điểm chỉ đạo quan trọng đối với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay và thời gian tiếp theo…

PGS.TS Nguyễn Văn Thành đề nghị, sau toạ đàm khoa học ngày hôm nay cần đưa tinh thần, tư tưởng, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư vào quán triệt sinh hoạt chính trị, tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị đối với CBCS CAND trong giai đoạn hiện nay…

Bình luận (0)

Lên đầu trang