65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ

Thứ Sáu, 25/03/2022 19:12

|

(CAO) Nhân dịp lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Công an nhân dân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (27/3/1997 - 27/3/2022) và đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhì, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an có bài viết: "Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ". Báo Công an TPHCM trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Thứ trưởng.

Cùng với sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân (CAND), sự phát triển các mặt công tác nghiệp vụ Công an, trải qua chặng đường lịch sử 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, tổ chức và bộ máy của lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ CAND đã từng bước được kiện toàn, phát triển. Trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, với những tên gọi tuy có khác nhau, nhưng lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ CAND luôn được xác định là một lực lượng nghiệp vụ, có vị trí, vai trò quan trọng trong tổng thể các mặt công tác nghiệp vụ Công an. Có thể nói, trong mỗi chiến công của lực lượng CAND ghi nhận, có sự đóng góp thầm lặng, hiệu quả, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ. Thông tin, hồ sơ, tài liệu do cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cung cấp đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén, phương tiện chiến đấu, là căn cứ pháp lý quan trọng trong phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm. Bên cạnh đó, công tác hồ sơ nghiệp vụ có quan hệ mật thiết, gắn kết chặt chẽ, khoa học với các quy trình, các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác điều tra, xử lý tội phạm của toàn lực lượng CAND. Được Bộ Công an giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác này, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ đã không ngừng vươn lên, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với khối lượng hồ sơ, tài liệu rất lớn hình thành trong công tác nghiệp vụ CAND đã được cán bộ, chiến sỹ Hồ sơ qua các thế hệ tổ chức đăng ký, quản lý, bảo vệ, bảo quản, lưu trữ, khai thác theo các quy trình nghiệp vụ nghiêm ngặt, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, bí mật đúng quy định pháp luật.

Ngay từ những năm đầu Cách mạng, thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hồ sơ nghiệp vụ, qua từng thời kỳ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an đã luôn quan tâm chỉ đạo sâu sắc, đề ra những quyết sách, chủ trương, giao trọng trách cho lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ. Tròn 4 tháng sau ngày thành lập nước (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời ký ban hành Thông đạt số 01-TĐ/CT về công tác thu hồi, bảo quản hồ sơ. Ngày 27/3/1957 đồng chí cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn đã ký Quyết định số 530/VF/NĐ thành lập Phòng Hồ sơ trực thuộc Văn phòng Bộ. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự ra đời của đơn vị hồ sơ chuyên trách đầu tiên trong CAND. Với ý nghĩa đó theo đề nghị của Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, ngày 27/6/2001 Bộ trưởng Lê Minh Hương đã ký Quyết định số 567/2001/QĐ-BCA(TCIII) xác định và lấy ngày 27/3/1957 là Ngày truyền thống lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ CAND. Tháng 3/1959, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ký Nghị định số 3/NĐ chuyển Phòng Hồ sơ thuộc Văn phòng Bộ thành Phòng Hồ sơ trực thuộc Bộ trưởng. Ngày 12/11/1985, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 23/QĐ-BNV về việc tách Cục Hồ sơ thành hai đơn vị là Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh và Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát. Ngay sau khi có Quyết định của Bộ về tách Cục Hồ sơ thành hai đơn vị, ngày 12/2/1987, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ra Quyết định số 24/QĐ-BNV quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (phiên hiệu C27) thuộc Tổng cục Cảnh sát, Quyết định số 25/QĐ-BNV quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh (ký hiệu A27) thuộc Tổng cục An ninh. Thực hiện Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công an, ngày 09/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công an ký, ban hành Thông tư số 131/2020/TT-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Hồ sơ nghiệp vụ (phiên hiệu là V06) trên cơ sở hợp nhất Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh và Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát.

65 năm thực hiện trọng trách được Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an giao phó, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Trước hết, ở cấp Bộ, qua từng thời kỳ, lực lượng Hồ sơ kịp thời tham mưu với lãnh đạo Bộ hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định về công tác hồ sơ nghiệp vụ phù hợp với đặc điểm tình hình công tác nghiệp vụ CAND, công tác Hồ sơ nghiệp vụ CAND và tổ chức, bộ máy lực lượng CAND. Điển hình là từ năm 1958, Phòng Hồ sơ trực thuộc Văn phòng Bộ đã tham mưu Bộ trưởng ban hành “Chế độ công tác hồ sơ và thống kê trong CAND”; đây là văn bản đánh dấu mốc trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác hồ sơ CAND. Sau đó lần lượt là các văn bản quy định chế độ hồ sơ năm 1984, năm 1995 (Chế độ công tác hồ sơ nghiệp vụ An ninh), năm 1998 (Chế độ công tác hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát), năm 2003 (Chế độ công tác hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát), năm 2004 (Chế độ công tác hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát), năm 2013 (Chế độ công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ Cảnh sát), năm 2015 (Chế độ công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ An ninh). Gần đây nhất, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ, mà chủ trì là Cục Hồ sơ nghiệp vụ đã kịp thời tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 60/TT-BCA quy định về công tác hồ sơ nghiệp vụ CAND, Thông tư số 74/2021/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 60, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác công an, công tác hồ sơ nghiệp vụ CAND trong tình hình mới. Đã tổ chức nghiên cứu, khai thác hồ sơ thu được của Pháp - ngụy, Mỹ - ngụy, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nghiệp vụ do lực lượng hồ sơ xây dựng, quản lý, cung cấp hàng chục triệu thông tin cho các đơn vị, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài ngành Công an phục vụ công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo tàng truyền thống, giải quyết chế độ chính sách cho thân nhân các trường hợp hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đáp ứng nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân về xác minh lai lịch, cấp Phiếu lý lịch tư pháp... Đặc biệt cung cấp kịp thời, chính xác cho lực lượng trinh sát nhiều thông tin, tài liệu quan trọng liên quan đến các đối tượng chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, vụ án hình sự; báo cáo giúp lãnh đạo Bộ lãnh đạo Công an các cấp có cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, từ đó đề ra các giải pháp, biện pháp chỉ đạo đấu tranh với các loại đối tượng, những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn trao Cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2021" của Bộ Công an tặng Cục Hồ sơ nghiệp vụ.

Trong thực hiện chức năng giúp lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất quản lý, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác hồ sơ nghiệp vụ; đã tổ chức có chiến lược hoạt động kiểm tra, hướng dẫn lực lượng nghiệp vụ trong Công an thực hiện các quy định về công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ; nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ trong xây dựng, quản lý, khai thác, lưu trữ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nghiệp vụ.

Thời gian tới, đất nước ta có nhiều cơ hội thuận lợi, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội rất nặng nề và khẩn trương, đòi hỏi lực lượng CAND (trong đó có lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ) phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các mặt công tác, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và Nhân dân tin giao. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hồ sơ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình hiện nay, công tác hồ sơ nghiệp vụ CAND cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, thủ trưởng, cán bộ, chiến sỹ Công an các đơn vị, địa phương cần nêu cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm, xác định đúng đắn ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hồ sơ nghiệp vụ trong công tác nghiệp vụ Công an của đơn vị, địa phương. Việc tổ chức, thực hiện công tác này phải luôn gắn kết chặt chẽ và song hành cùng với các hoạt động nghiệp vụ của mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND khi thực thi nhiệm vụ. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm về kết quả việc thực hiện công tác hồ sơ nghiệp vụ; mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND phải xác định rõ việc thực hiện công tác hồ sơ là nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân khi thi hành nhiệm vụ; lấy kết quả việc thực hiện công tác hồ sơ là một trong những căn cứ, các tiêu chí đánh giá, xem xét trong công tác thi đua, khen thưởng tại đơn vị, địa phương.

Hai là, mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND phải luôn coi trọng, phát huy những chiến công, thành tích, những kinh nghiệm quý báu được ghi nhận bởi hồ sơ, tài liệu lưu trữ mà các thế hệ cha anh, cán bộ, chiến sỹ CAND đã để lại. Xác định hồ sơ, tài liệu nghiệp vụ lưu trữ luôn là cơ sở lý luận khoa học, kinh nghiệm thực tiễn quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CAND cần phải được tổ chức lưu trữ khoa học, bảo vệ, bảo quản an toàn và khai thác phục vụ hiệu quả các yêu cầu của lực lượng CAND.

Ba là, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ cần chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý, hướng dẫn, thực hiện công tác hồ sơ nghiệp vụ CAND đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, không để mất, thất lạc, lộ lọt bí mật nhà nước và bí mật nghiệp vụ của Ngành. Bên cạnh đó cần coi trọng việc dự báo, cơ sở dự báo về tình hình có liên quan, theo chức năng nhiệm vụ. Thực hiện tốt chức năng thống kê nghiệp vụ, thống kê tội phạm, lưu trữ nghiệp vụ, thông qua công tác hồ sơ góp phần đánh giá được tình hình tội phạm, chất lượng các mặt công tác nghiệp vụ của toàn lực lượng CAND, đặc biệt góp phần chấn chỉnh, đưa công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng CAND thực sự nề nếp, hiệu quả.

Bốn là, Tăng cường và thắt chặt hơn nữa quan hệ công tác giữa lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ với các lực lượng nghiệp vụ CAND; giữa các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ với Công an các địa phương về lĩnh vực công tác hồ sơ nghiệp vụ. Tạo sự gắn kết giữa thực tiễn với công tác lý luận khoa học. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp pháp luật, các hướng dẫn thực hiện công tác hồ sơ nghiệp vụ đảm bảo đúng quy định pháp luật, phù hợp các quy định, hướng dẫn khác về nghiệp vụ công tác công an. Theo hướng tập chung đổi mới, chú trọng, tăng cường cho Công an cơ sở, kịp thời chia sẻ, truyền tải những kinh nghiệm, trải nghiệm trong công tác này tới Công an các đơn vị, địa phương.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong các khâu đăng ký, quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ tài liệu nghiệp vụ; tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới để học tập, trao đổi những kinh nghiệm, từng bước hiện đại hóa công tác hồ sơ nghiệp vụ, theo hướng xây dựng cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ thành Trung tâm thông tin nghiệp vụ để có thể chia sẻ, kết nối, sử dụng hiệu quả trong toàn lực lượng CAND; bên cạnh đó phải gắn công tác lưu trữ truyền thống với việc lưu trữ điện tử hiện đại để công tác hồ sơ nghiệp vụ ngày càng phục vụ có hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Sáu là, Thủ trưởng Công an các đơn vị địa phương cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác hồ sơ đảm bảo chuyên trách và chuyên sâu, có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ về nghiệp vụ, pháp luật và nắm vững quy trình công tác hồ sơ, nắm vững và làm chủ được khoa học công nghệ để từng bước đưa công tác hồ sơ nghiệp vụ CAND nề nếp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bảy là, lực lượng CAND nói chung và lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ nói riêng cần tổ chức, quán triệt nghiêm túc, cụ thể hóa sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; với phương châm “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị theo Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ về nhiệm vụ công tác công an năm 2022. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng lực lượng, trong đó tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh công tác học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác hồ sơ thực sự trong sạch vững mạnh, có đủ phẩm chất, đạo đức, nắm vững nghiệp vụ, pháp luật và khoa học công nghệ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và ngành Công an tin giao./.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an

Bình luận (0)

Lên đầu trang